Phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn ở Yên Bái: Ánh sáng nghị quyết soi đường

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/1/2021 | 8:26:34 AM

YênBái - "Quan tâm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong đó đặt rõ chỉ tiêu phấn đấu giảm hộ nghèo đối với 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Huyện Trạm Tấu luôn quan tâm khảo nghiệm các giống ngô mới có năng suất, chất lượng cao để sản xuất ngô hàng hóa. (Ảnh: Văn Tuấn)
Huyện Trạm Tấu luôn quan tâm khảo nghiệm các giống ngô mới có năng suất, chất lượng cao để sản xuất ngô hàng hóa. (Ảnh: Văn Tuấn)

Mù Cang Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh. Nhưng với vẻ đẹp hùng vĩ được thiên nhiên ban tặng cùng với Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang, trong những năm qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, huyện Mù Cang Chải đã tập trung phát triển du lịch, tạo ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Doanh thu từ du lịch năm 2020 tăng gấp 3,8 lần so với năm 2015.

"Quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến "Bản sắc, An toàn, Thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo” đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

"Phát triển huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch” cũng được đặt ra trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bám sát định hướng của tỉnh, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với quan điểm: "Phát triển du lịch phải đặt trong sự phát triển toàn diện của địa phương, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của chính quyền, với vai trò trụ cột và làm động lực của cộng đồng các doanh nghiệp, nhân dân làm trung tâm; đồng thời, gắn phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường và giảm nghèo bền vững”. 

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lê Trọng Khang cho biết: "Trong mục tiêu của tỉnh cũng như của huyện đều xác định "xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch”. Theo đó, chúng tôi cho rằng, tiêu chí để gọi là huyện du lịch thì điều trước tiên đó chính là định hướng về phát triển du lịch, coi phát triển du lịch là nhiệm vụ trung tâm, là mục tiêu hướng đến trong phát triển kinh tế - xã hội; doanh thu từ du lịch sẽ phải chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; mặt khác, đối với Mù Cang Chải, phát triển du lịch còn là một giải pháp và nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và tiến tới cơ bản không còn là huyện nghèo”. 

Để thực hiện mục tiêu đó, huyện Mù Cang Chải sẽ tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như: nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu và định hướng phát triển du lịch; phát triển đa dạng các loại hình du lịch để thu hút du khách đến với Mù Cang Chải vào tất cả các mùa trong năm trên cơ sở những tiềm năng sẵn có; phát triển nguồn nhân lực du lịch… để tiếp tục phát triển mạnh du lịch, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Trạm Tấu cũng là một huyện vùng cao của tỉnh, 94% là đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới trên 80%, trình độ dân trí không đồng đều, sinh sống không tập trung, địa hình chia cắt mạnh, giao thông khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai… và một trong những nguyên nhân đói nghèo nữa là người dân thiếu đất sản xuất. 

Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/12/2006 của Tỉnh ủy Yên Bái về quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai vùng cao đã giúp nhiều người dân vùng cao như ở Trạm Tấu bị thiếu đất sản xuất đã được nhường đất, cho đất. 

Gia đình anh Giàng A Nủ là một ví dụ. Chuyển từ thôn Tấu Dưới xuống Km 14+17 vào năm 2010, ở nơi ở mới, gia đình anh không có đất sản xuất, đương nhiên là hộ nghèo. Gia đình anh Nủ đã được anh họ là Sùng A Lù nhường cho 4.000 m vuông đất nương. 

Có đất, mỗi năm gia đình anh Nủ trồng 2 vụ ngô. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến năm 2013, gia đình anh Nủ đã thoát nghèo. Chắt chiu từng chút một, anh mua thêm ít đất nương và cả ít đất ruộng để sản xuất. 

Dần có vốn, anh còn mua thêm bò để nuôi, cuộc sống gia đình ngày một ổn định. Nhiều hộ dân ở Trạm Tấu cũng đã được san sẻ đất như thế. Sau khi được san sẻ đất, đến nay, các hộ thiếu đất cơ bản đã ổn định sản xuất nông nghiệp, không di dân tự do, không di chuyển về các nơi khác, ổn định cuộc sống tại địa phương. 

Thực tế thực hiện trong những năm qua đã cho thấy tính đúng đắn, nhân văn của Nghị quyết 06, góp phần ổn định đời sống đồng bào; đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng ở vùng cao.



Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải ngày càng thu hút đông đảo du khách. (Ảnh: T.L) 

Để những chủ trương, chính sách nói chung đi vào cuộc sống như vậy nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong điều kiện nhiều khó khăn, trong những năm qua, Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các cơ chế, chính sách, các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để đầu tư, phát triển. 

Trạm Tấu lấy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là khâu then chốt trong phát triển kinh tế, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy những cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản của huyện, khai hoang ruộng bậc thang... 

Trong phát triển văn hóa - xã hội, Đảng bộ huyện tập trung huy động cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ những phong tục, tập quán không còn phù hợp với đời sống văn hóa; tập trung tuyên truyền khơi dậy tính tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo; thực hiện hiệu quả Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp, đề án đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; đồng thời, phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên là người đồng bào dân tộc, của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương… 

Đến nay, kinh tế - xã hội của huyện đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế tiếp tục duy trì phát triển ổn định, nhất là trong sản xuất nông, lâm nghiệp đã khai hoang trên 100 ha ruộng bậc thang và có những sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP được người dân trong và ngoài tỉnh đánh giá cao; kết cấu hạ tầng được đầu tư, 100% các xã, 50% các thôn có đường giao thông cứng hóa, trên 80% hộ dân được sử dụng điện. 

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, trình độ dân trí của người dân nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người của người dân tăng rõ rệt, đạt trên 19 triệu đồng, gấp gần 2 lần so với đầu nhiệm kỳ (trong nhiệm kì 2015 - 2020). Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm đạt 7,8%, đặc biệt có trên 200 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Bộ mặt nông thôn vùng cao của huyện không ngừng khởi sắc, nhiều hộ đã có ô tô, xe máy, cuộc sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt.

Dưới ánh sáng của những nghị quyết của Đảng và sự vận dụng nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo của địa phương, kinh tế - xã hội những vùng đặc biệt khó khăn có những đổi thay tích cực. 

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX khẳng định: "Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh tiếp tục có bước đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; phong tục, tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ, bản sắc văn hóa được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Toàn tỉnh có 9 xã và 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải bình quân giảm trên 7,8%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết; năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo tại hai huyện còn dưới 37%”. 

"Quan tâm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Theo đó là ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên, cảnh quan, khí hậu để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng cao so với vùng thấp, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải bình quân giai đoạn 2020 - 2025 giảm trên 5%/năm; đến năm 2025 huyện Mù Cang Chải cơ bản không còn là huyện nghèo; ít nhất 40 xã đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí nông thôn mới... 

Đó tiếp tục là ánh sáng dẫn lối, soi đường cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thêm những đổi thay mạnh mẽ.  

Thu Hạnh

Tags Trạm Tấu Mù Cang Chải Tỉnh ủy Yên Bái vùng đặc biệt khó khăn

Các tin khác
Ông Hoàng Bình Quân thông báo kết quả Đại hội XIII với các đại sứ, đại biện, đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam

Các văn kiện của Đại hội XIII sẽ được dịch ra 7 thứ tiếng và gửi tới các đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Uy tín của Đảng ta đang hội tụ ở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, Đại hội XIII đã trở thành điểm hội tụ của lịch sử, thể hiện uy tín của Đảng, tầm nhìn và khát vọng của dân tộc, niềm tin của nhân dân.

Đoàn đại biểu huyện Yên Bình dâng hương, báo công với Bác về những thành tựu mà địa phương đã đạt được trong thời gian qua.

Thiết thực lập thành tích chào mừng thành công Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, huyện Yên Bình đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, tăng cường các nội dung tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức và củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng.

200 Ủy viên Trung ương khóa XIII ra mắt Đại hội tại phiên bế mạc ngày 1/2.

Người dân tin cậy, cổ vũ đội ngũ con nòi do Đảng lựa chọn, trông mong họ sẽ là đội ngũ rường cột tự trọng và kiêu hãnh!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục