Cử tri cần biết một số quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
- Cập nhật: Thứ tư, 18/5/2016 | 11:15:30 AM
YênBái - YBĐT - Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Báo Yên Bái xin giới thiệu tới cử tri trong toàn tỉnh một số khái niệm, quy định về bầu cử để cử tri thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mỗi người trong ngày bầu cử 22/5 tới đây.
|
Hỏi: Tại sao nói bầu cử là quyền lợi của mỗi công dân?
Trả lời: Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước.
Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước.
Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
Hỏi: Tổ bầu cử có nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Trả lời: Tổ bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Phụ trách công tác bầu cử trong khu vực bỏ phiếu;
b) Bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu;
c) Nhận tài liệu và phiếu bầu cử từ ban bầu cử; phát thẻ cử tri, phiếu bầu cử có đóng dấu của tổ bầu cử cho cử tri;
d) Thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử;
đ) Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bầu cử và nội quy phòng bỏ phiếu;
e) Kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử để gửi đến Ban bầu cử tương ứng;
g) Chuyển biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử và toàn bộ phiếu bầu cử đến Ủy ban nhân dân cấp xã khi kết thúc việc kiểm phiếu;
h) Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của các tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên;
Hỏi: Việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào? Việc bỏ phiếu có thể bắt đầu sớm và kết thúc sớm hoặc muộn hơn không? Ai có quyền quyết định?
Trả lời: Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày.
Hỏi: Nội quy phòng bỏ phiếu bao gồm những nội dung gì?
Trả lời: Tổ bầu cử có trách nhiệm niêm yết Nội quy phòng bỏ phiếu. Nội quy phòng bỏ phiếu gồm các nội dung sau:
1. Phải chấp hành đúng nguyên tắc, trình tự bỏ phiếu;
2. Cử tri phải xếp hàng lần lượt để thực hiện việc bỏ phiếu, ưu tiên người cao tuổi, người khuyết tật và phụ nữ có thai
3. Phải giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn tại khu vực bỏ phiếu;
4. Không được vận động bầu cử tại nơi bỏ phiếu dưới bất kỳ hình thức nào;
5. Không được mang vũ khí, chất nổ, vật dễ cháy… vào khu vực bỏ phiếu, phòng bỏ phiếu;
6. Những người không có nhiệm vụ thì không được vào phòng bỏ phiếu;
7. Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử, những người có nhiệm vụ phục vụ bầu cử phải đeo phù hiệu theo mẫu do ủy ban bầu cử cấp tỉnh quy định; thành viên tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cử tri bỏ phiếu và giải đáp thắc mắc của cử tri;
8. Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử của công dân, vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hỏi: Cử tri có được bầu cử thay không?
Trả lời: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định về nguyên tắc bỏ phiếu như sau: Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp hội đồng nhân dân.
Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Hỏi: Người không tự mình viết được phiếu bầu có được nhờ người khác viết hộ hay không?
Trả lời: Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì được nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên tổ bầu cử.
Q.N (biên soạn)
Các tin khác
YBĐT - Đại Lịch hiện tại đang tập trung cao nhất cho công tác tuyên truyền bầu cử thông qua các cuộc họp thôn, họp các ban, ngành, đoàn thể của xã.
YBĐT - Kỳ vọng vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đạt kết quả cao, cử tri trong tỉnh Yên Bái đã có nhiều ý kiến gửi gắm đến các ứng cử viên trong đợt bầu cử này. Sau đây là một số ý kiến:
YBĐT -Trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016 – 2021, qua các hội nghị hiệp thương, xã An Thịnh đã lập danh sách 52 đại biểu chính thức, trong đó có 24 đại biểu là người công giáo. Xã An Thịnh, huyện Văn Yên có 65% dân số là đồng bào công giáo, với trên 3.500 cử tri là giáo dân. Những ngày này, bà con giáo dân trong xã đang nô nức chuẩn bị cho ngày hội bầu cử.
YBĐT - Ông Trang Sống Páo - cử tri ở Mù Cang Chải cho biết: “Xem thấy có tên mình trong danh sách cử tri rồi. Tiểu sử người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, huyện, xã rõ ràng, lại in cả ảnh nữa. Rất dễ để cử tri xem xét lựa chọn”.