Một số chiến dịch, trận đánh tiêu biểu LLVT Quân khu tham gia trong 2 cuộc kháng chiến và làm nhiệm vụ quốc tế

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/6/2016 | 10:24:52 PM

Do tính chất quan trọng của chiến dịch Biên giới 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch nhằm đảm bảo tính chắc thắng. >>Nét truyền thống tiêu biểu và những phần thưởng cao quý của LLVT Quân khu trong 70 năm qua

Chiến thắng sông Lô (chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông 1947)
Trong toàn chiến dịch, quân và dân Khu 10 đã chiến đấu hơn 60 trận, tiêu diệt trên 1.600 tên địch, bắn chìm và bắn cháy 15 tàu, bắn rơi  1 máy bay (số địch bị tiêu diệt gần bằng 1/2 tổng số thiệt hại của địch trong toàn bộ chiến dịch Việt Bắc). Ta phá hủy và thu được nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

Quân và dân Khu 10 đã bẻ gãy “Gọng kìm sông Lô” của địch, góp phần đánh bại cuộc tiến công lên Việt Bắc của giặc Pháp, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, tạo thế và lực để cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới.

Chiến thắng của Tự vệ Thành Tuyên Quang (chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947)
Đó là chiến công của tự vệ thành Tuyên Quang, đã phục kích đánh địch diệt hơn 100 tên khi chúng đang hành quân từ Tuyên Quang lên Chiêm Hóa ngày 22/10/1947 tại km số 7 (đường Tuyên Quang – Hà Giang).

Sau khi nắm được kế hoạch hành quân của địch, đêm 21/10/1947 tự vệ thành Tuyên Quang đã sử dụng 4 quả bom loại 100 kg (thu được của địch)  bố trí trận địa phục kích. Khoảng 10 giờ sáng ngày 22/10/1947 đội hình địch gồm 500 tên thuộc Tiểu đoàn Lơ – giốt lọt vào trận địa. Ta kịp thời điểm  hỏa, những tiếng nổ long trời, dậy đất rơi đúng vào đội hình địch, xác địch nằm ngổn ngang. 72 tên chết tại chỗ,  30 tên khác bị thương. Số sống sót hết sức kinh hoàng vội rút về thị xã, bị ta truy kích đến km số 5 diệt thêm 30 tên nữa thu nhiều vũ khí, đạn dược.

Sau trận này, chính kẻ địch phải thừa nhận “Tiếng nổ hỏa ngục” ở Km số 7 đã bẻ gãy và làm thất bại hoàn toàn cuộc hành quân của chúng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá, đây là một trong 10 chiến thắng lớn của toàn chiến dịch Việt Bắc.

Chiến dịch Biên giới 1950
Hướng chính của chiến dịch là Cao – Bắc – Lạng có Trung đoàn 174 tham gia. Hướng nghi binh là Lao Cai, gồm Trung đoàn 165; Trung đoàn 148; 1 tiểu đoàn của Hà Tuyên; 2 đại đội của Lào Cai; 1 đại đội của Yên Bái. Tổng số binh lực lên tới 21 đại đội.

Kết quả: Trên hướng chính ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 Tiểu đoàn địch (trên 8.000 tên) thu 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh; trên hướng nghi binh, quân và dân Quân khu 2 đã hoàn thành nhiệm vụ, diệt và làm tan dã 2 tiểu đoàn địch (diệt 244 tên, có 1/3 là Âu Phi), thu nhiều vũ khí có cả pháo lớn, bức rút 63 vi trí, giải phóng hầu hết tỉnh Lào Cai, huyện Hoàng Su Phì/ Hà Giang và một phần tỉnh Yên Bái.

Chiến dịch Biên giới giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), nối liền biên giới Tây Bắc và Đông Bắc thành một dải, mở thông giao lưu quốc tế, làm thay đổi cục diện chiến tranh: ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, buộc Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự.

Chiến dịch Tây Bắc 1952
– Sau gần 2 tháng (14/10 – 10/12) anh dũng chiến đấu, quân và dân ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, diệt 1.005 tên, bắt sống 5.024 tên; tiêu diệt 4 tiểu đoàn và 28 đại đội, đánh thiệt hại nặng nhiều tiểu đoàn tinh nhuệ ; phá hủy và thu toàn bộ vũ khí, đồ dùng quân sự, các kho lương thực, thực phẩm. Vùng mới giải phóng rộng 28.500 km2 với 25 vạn dân. Cả 4 cánh đồng lớn Mường Thanh/Điện Biên, Mường Lò/Nghĩa Lộ, Mường Tấc/Phù Yên, Mường Than/Than Uyên đã thuộc về ta.

– Tây Bắc trở thành căn cứ địa nối liền với Việt Bắc, là “một bảo đảm lâu dài cho cuộc kháng chiến của chúng ta và sẽ có ảnh hưởng đến cách mạng Lào, mặc dù tình hình sau này phát triển như thế nào”. Chiến thắng Tây Bắc đã đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta tiến lên một bước mới trên con đường tiếp tục giữ vững và phát huy thế chủ động chiến lược, đồng thời đã đập tan cái gọi là “Xứ Thái tự trị” trong âm mưu chia rẽ dân tộc “dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp.

Đây cũng là thắng lợi của tinh thần phục vụ hết lòng hết sức vì tuyền tuyến của quân dân khu Tây Bắc: gần 20 vạn dân công, với 7 triệu ngày công, 11.750 tấn gạo, 164 tấn muối, 235 tấn thịt, 44 tấn thực phẩm, 83 tấn vũ khí, quân trang, quân dụng đã được đã được huy động phục vụ chiến dịch.

Chiến dịch Điện Biên Phủ
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” nhân dân các dân tộc Tây Bắc mặc dù bị thiên tai mất mùa, sau chiến dịch Tây Bắc đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tích cực tham gia đóng góp sức nguời, sức của cho thắng lợi của chiến dịch, vượt cả số lượng, chất lượng, thời gian Trung ương giao: gạo 7.310 tấn (vượt chỉ tiêu 347 tấn, bằng hơn 1/4 số  lượng gạo toàn chiến dịch), thịt 389 tấn (vượt 79 tấn) huy động 27.657 dân công. Riêng tỉnh Lai châu đã huy động được 16.973 dân công, 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh, 348 ngựa thồ, 58 thuyền mảng, 24.070 cây gỗ các loại làm đường cho xe pháo.

Châu Điện Biên, nơi tuyến lửa ác liệt, đồng bào sống vô cùng khó khăn cũng đóng góp được 555 tấn gạo, 36 tấn thịt, 105 tấn rau xanh. Châu Mường Tè phỉ hoạt động ráo riết, nhân dân cùng bộ đội vừa tiễu phỉ vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu cũng đóng góp được 76 tấn gạo, 43 con ngựa thồ, 14 thuyền mảng, 2.700 ngày công.

Nhân dân Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc nô nức đi dân công hoả tuyến, tham gia mở đường, chuyển lương thực đạn dược. Chiến sĩ Ma Văn Thắng quê Phú Thọ lập kỷ lục về thồ hàng bằng xe đạp đạt 325 Kg. Nhân dân Tây Bắc còn chăm sóc bộ đội từ cái kim sợi chỉ, cổ vũ thăm hỏi các chiến sĩ hết sức chu đáo. Chỉ tính riêng tỉnh Phú Thọ có trên 2 vạn lá thư, 1.000 bộ quần áo, 175 áo trấn thủ, 92 chăn màn, 452 bánh thuốc lào, 157 kg đường, 114 kg chè khô, 2.316 viên thuốc ký ninh và thuốc cảm…

Chiến dịch Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của quân dân các dân tộc Tây Bắc. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Sư đoàn 316 (Trung đoàn 174, Trung đoàn 98) đã trực tiếp tham gia chiến dịch với những trận đánh xuất sắc trên đồi A1, A3, C1, C2 và sân bay Mường Thanh. Đặc biệt trên đồi A1 – cao điểm phòng ngự then chốt trên hướng Đông của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cuộc chiến đấu giữa ta và địch ở đây diễn ra giằng co hết sức gay go, ác liệt. Khối bộc phá 1.000 kg do bộ đội ta đào hầm và đặt trong lòng hầm A1 được phát nổ là hiệu lệnh xung phong toàn mặt trận, tổng công kích vào sở chỉ huy của quân Pháp, bắt sống tướng Đờ – cat – xtơ – ri.

Trong chiến cuộc Đông – Xuân 1953-1954 và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Sư đoàn 316 đã đánh 17 trận, tiêu diệt 3.300 tên địch, bắt sống và gọi hàng 6.500 tên, thu và phá huỷ 3.200 súng các loại, bắn rơi và bắn cháy 11 máy bay, 3 xe tăng cùng nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Các Trung đoàn 174, Trung đoàn 98 vinh dự được nhận cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 7 đồng chí được tuyên dương Anh hùng LLVT, 6 đồng chí được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Sư đoàn được tặng 1 Huân chương Quân công hạng Nhất, 4 Huân chương Quân công hạng Ba.

Những chiến công tiêu biểu, trên mặt trận chống gián điệp, biệt kích của Mỹ, Ngụy (1960 – 1968) và trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ (1965 – 1972) của quân và dân Tây Bắc.
Trong khi quân và dân miền Bắc đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng XHCN thì đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tìm mọi cách tung biệt kích, gián điệp móc nối với bọn phản động cũ  để phá hoại hậu phương chiến lược, làm suy yếu tiềm lực quốc phòng của ta, trong đó Tây Bắc là một trong những địa bàn trọng điểm.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Tây Bắc đã xây dựng được phòng tuyến chiến tranh nhân dân sâu rộng, cảnh giác cao, luôn sẵn sàng và tổ chức chiến đấu tốt nên đã kịp thời tóm gọn, tiêu diệt nhiều toán gián điệp, biệt kích của Mỹ, Ngụy.

Tiêu biểu như:

– Ngày 27/5/1961 tại Phù Yên (Sơn La) ta đã tóm gọn toán biệt kích gồm 4 tên, thu 4 tiểu liên, 2 súng ngắn, lương thực và nhiều trang bị khác. Đây là toán gián điệp biệt kích đầu tiên của Mỹ, Ngụy tung ra miền Bắc.

– Tháng 6/1962 tại Pù Lài (Điện Biên), ta tóm gọn 6 tên biệt kích toán Rơ Muýt sau đó đã thuyết phục, động viên, sử dụng toán này thành một “cái bẫy” nhử địch để thu toàn bộ vũ khí, lương thực tiếp tế của địch và tóm gọn một toán khác gồm 5 tên.

– Ngày 8/6/1963 ta bắt gọn toán biệt kích gồm 7 tên ở Khe Ót, xã Phong Dụ, huyện  Văn Chấn, tỉnh Yên Bái…

– Từ năm 1965 đến năm 1968 quân dân Tây Bắc đã phát hiện hơn một chục toán gián điệp, biệt kích tung vào địa bàn Tây Bắc, diệt 51 tên, bắt 35 tên, thu nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện hoạt động của chúng và nhiều tài liệu quan trọng.

Cuối năm 1964 để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ quyết định liều lĩnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc nước ta.

Trước tình hình đó, Quân khu đã chủ động, khẩn trương tổ chức xây dựng và củng cố lực lượng, kịp thời bố trí thế trận phòng không nhân dân trên toàn địa bàn. Góp phần đánh bại cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Những chiến công tiêu biểu của quân và dân Tây Bắc:

– Từ tháng 5/1965 đến cuối năm 1972, lực lượng phòng không của Quân khu đã bắn rơi 339 máy bay Mỹ (trong đó có 2 máy bay B52, 3 máy bay F111), bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ vững chắc hậu phương Tây Bắc.

– Ngày 14/6/1965, Tiểu đoàn 14 pháo phòng không thuộc Sư đoàn 316 đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay đầu tiên (chiếc F105) của không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Tây Bắc

– Ngày 20/8/1965 tổ dân quân trực chiến xã Mậu Đông huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái đã dùng súng trường bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F.105.

– Ngày 20/10/1965  tổ trực chiến của hai dân quân Phùng A Di, Phùng A Dua dân tộc Mông xã Kim Bon huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, đã dùng súng trường bắn rơi 1 chiếc F.105. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên do dân quân người Mông bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.

– Đầu tháng 9/1966, tiểu đội dân quân người Dao trực chiến ở thôn Khe Lép, Xuân Tầm đã bắn rơi 1 chiếc máy bay F.105. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên do dân quân người Dao bắn rơi.

– Tháng 10/1972, dân quân xã Tiền Châu, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc) đã bắn rơi tại chỗ chiếc  máy bay F.111 của Mỹ. Đây là chiếc máy bay thứ 4.000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.

– Nữ dân quân Yên Châu, tỉnh Sơn La đã dùng súng bộ binh trong một ngày bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Cảm hứng trước hình tượng đẹp của người con gái Thái vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Loan đã sáng tác ca khúc “Người Châu Yên em bắn máy bay”, một ca khúc được nhiều người ưa thích.

7.Chiến dịch Nậm Thà (1962)

Chiến dịch Nậm Thà (1962) là chiến dịch tiến công của liên quân Lào – Việt (trong đó có Sư đoàn 316) vào khu vực Mường Sinh – Nậm Thà, nhằm ngăn chặn địch và thu hồi vùng bị chiếm, hỗ trợ cho hội nghị hiệp thương ba phái ở Cánh Đồng Chum và hội nghị Giơ – ne – vơ  1962 về Lào.

Chiến dịch chia làm hai đợt. Đợt 1 (từ 2/5 – 6/5), liên quân Lào – Việt tiến công Mường Sinh, phát triển chiếm Mường Long; địch ở Nậm Thà hoảng loạn, tan vỡ. Đợt 2 (từ 6/5 – 12/5), phát triển thắng lợi, liên quân Lào – Việt đánh địch rút chạy về Mường Xài, đánh chiếm điểm cao 1860 và sau đó chỉ truy kích địch đến bản Púng, không để Mỹ tạo cớ can thiệp sâu vào Lào.

Kết thúc chiến dịch liên quân Lào – Việt loại khỏi vòng chiến đấu 1.564 tên địch, thu trên 400 súng các loại, giải phóng trên 5.000 Km2 với trên 76.000 dân; buộc chính quyền Viêng Chăn phải ký Hiệp định Cánh Đồng Chum (12/6/1962) thành lập chính phủ liên hiệp ba phái và sau đó ký Hiệp định Giơ – ne – vơ về Lào.

Chiến dịch Nậm Bạc (1968)
Đây là chiến dịch tiến công của quân tình nguyện Việt Nam (trong đó có Sư đoàn 316) phối hợp với Tiểu đoàn 409 quân giải phóng nhân dân Lào và LLVT tỉnh Luông Pha Băng, nhằm tiêu diệt một bộ phận  sinh lực quân Viêng Chăn, giải phóng vùng Nậm Bạc.

Sau 16 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta tiêu diệt 973 tên địch, bắt hơn 2.000 tên, phá hủy 12 máy bay, 11 pháo; giải phóng vùng Nậm Bạc, Khăm Đeng với trên 1 vạn dân.

Thắng lợi của chiến dịch đánh dấu bước phát triển thế chủ động của các lực lượng cách mạng trên chiến trường Lào; phối hợp nhịp nhàng có hiệu quả với quân và dân miền Nam Việt Nam trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.

Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum
Sư đoàn 316 đã tham gia chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum mùa mưa 1972. Cánh Đồng Chum là khu vực giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Sau 170 ngày đêm phòng ngự, ngày 15/11/1972 chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum kết thúc thắng lợi. Các chiến sĩ tình nguyện Tây Bắc đã cùng bạn loại khỏi vòng chiến đấu 5.600 tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công lấn chiếm của quân ngụy Lào và quân Thái Lan, phối hợp có hiệu quả với cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam.

Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Lào, bộ đội tình nguyện Tây Bắc và bộ đội giải phóng Lào đánh thắng địch trong mùa mưa; cũng là lần đầu tiên ta tiến hành thắng lợi một chiến dịch phòng ngự quy mô lớn. Qua đó ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch. Thắng lợi này đã đưa đến việc ký kết Hiệp định Viêng Chăn tháng 2 năm 1973.

Chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm giải phóng đất nước, vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước quyết liệt và huy hoàng, Quân khu 2 vinh dự có Sư đoàn tham gia chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần cùng quân và dân miền Nam và cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975.

Trong chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn 316 là lực lượng đột kích chủ yếu tiến công Buôn Mê Thuột, đây là trận đánh then chốt của chiến dịch. Cán bộ chiến sĩ Sư đoàn đã nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, chiến đấu linh hoạt, ngoan cường, tiến công dũng mãnh tiêu diệt sinh lực địch, nhanh chóng làm chủ chiến trường, giải phóng Buôn Mê Thuột và đập tan các cuộc phản kích của địch, hoàn thành xuất sắc mục tiêu chiến dịch đề ra. Chiến dịch này, Sư đoàn đã tiêu diệt và bắt sống 5.266 tên địch, trong đó có tên Đại tá Vũ Thế Quang, Sư đoàn phó Sư đoàn 23 ngụy. Kết thúc chiến dịch Sư đoàn được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất, có 21 đơn vị và 246 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Quân công và Chiến công các loại.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh cùng với 5 cánh quân thần tốc tiến về Sài Gòn, Sư đoàn 316 nằm trong đội hình Quân đoàn 3 chiến đấu trên hướng Tây Bắc, với nhiệm vụ chốt chặn trên đường số 1 và đường số 22, kiềm chế Sư đoàn bộ binh 25 Ngụy, không cho chúng rút từ Tây Ninh về Đồng Dù và Hóc Môn. Trong chiến dịch này, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.715 tên địch, bắn rơi 4 máy  bay, thu 26 pháo và trên 3000 súng các loại.

Ngày 16/1/1976, Sư đoàn 316 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhất.

(Theo Báo Quân khu 2)

Các tin khác

LLVT Quân khu ngày càng trưởng thành vững mạnh, đã viết nên truyền thống “Trung thành, tự lực, đoàn kết, anh dũng, chiến thắng”

YBĐT - Đã qua rồi những ngày khói lửa đạn bom, song Di tích lịch sử Đèo Lũng Lô vẫn sừng sững đó để viết tiếp những trang huyền thoại chống giặc ngoại xâm của lớp cha anh đi trước. Để ngày hôm nay, chúng tôi - thế hệ được sinh ra trong thời bình đến nơi này được nghe, được cảm nhận mà lòng bồi hồi xúc động, tự hào như tưởng đâu đây vẫn nghe rầm rập những bước chân trong cuộc trường chinh đưa đất nước đến hòa bình, độc lập, tự do.

Tiếp bước truyền thống anh hùng.

YBĐT - Trải qua 66 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đã có rất nhiều tập thể, cá nhân của Trung đoàn 174 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân.

Giờ học tìm hiểu tính năng, kỹ thuật súng B41 của Đại đội 3 anh hùng.

YBĐT - Sẽ là khiếm khuyết khi nói về Trung đoàn 174 anh hùng mà chỉ kể đến những thành tích đặc biệt trong chiến đấu với những trận đánh ác liệt, những chiến dịch lớn như: A1 - Điện Biên Phủ, Mai Hắc Đế - Tây Nguyên hay Xiêng Khoảng, Hứa Mường trên đất bạn Lào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục