"Ngày 8/5/1954, một ngày sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, chúng tôi xuống chiến hào tìm xác đồng đội. Năm ấy mưa nhiều, giao thông hào ngập nước, tiểu đội tôi vớt được 58 người từ dưới bùn non đưa về nghĩa trang A1", cựu chiến binh Phạm Bá Miều mở đầu câu chuyện.
Giọng nghẹn ngào, đôi mắt đẫm nước, người đàn ông gần 90 tuổi từng xông pha khắp các chiến trường cho biết, trong số những người đượt vớt lên có Dư - chiến sĩ ở tiểu đội của ông. Thế nhưng dưới lớp bùn đất, ông không còn nhận ra người đồng đội hàng ngày sát cánh bên mình. "Đó là nỗi ám ảnh lớn, theo tôi suốt nhiều năm trời", ông Miều nói.
Tham gia cách mạng khi 19 tuổi, chàng thanh niên Thái Bình chiến đấu ở chiến trường Cao-Bắc-Lạng. Cuối tháng 12/1953, khi đang ở Lào, trung đoàn 174, sư đoàn 316 của ông nhận được lệnh bí mật hành quân về tham gia chiến dịch Trần Đình. Không ai biết chiến dịch Trần Đình ở đâu, cho đến khi về đến Điện Biên Phủ.
65 năm đã trôi qua, người lính Điện Biên năm xưa vẫn nhớ rõ, công việc đầu tiên mà ông cùng đồng đội phải làm khi về đến chiến trường Điện Biên là kiến trúc hệ thống công sự, chiến hào để cơ động cho pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội và tiếp cận các vị trí chiến đấu của địch.
Có hai loại chiến hào mà bộ đội phải đào, thứ nhất là đường hào trục chạy một đường vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm; hai là đường hào bộ binh chạy từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí mà quân ta dự định tiêu diệt.
Theo ông Miều, các loại đường hào đều phải sâu ngập đầu (khoảng 1,7 m). Đường hào trục chính rộng khoảng 1,2m, còn hào bộ binh rộng khoảng 0,5m để bảo đảm an toàn trước bom đạn Pháp và giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. Đường hào bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công.
Để đảm bảo bí mật, việc đào hào được thực hiện vào ban đêm. Mỗi chiến sĩ được phát cuốc, xẻng để làm nhiệm vụ. "Lưỡi xẻng ngày đầu mới được phát to như chiếc quạt nan, sáng loáng. Đến ngày đào xong chiến hào tiếp cận địch thì mòn vẹt, chỉ còn trơ lại một mảnh sắt nhỏ", ông Miều kể.
Với khí thế sục sôi đánh giặc, các chiến sĩ tuổi đôi mươi hăng hái cầm xẻng làm nhiệm vụ. Những đôi tay thoăn thoắt đào, xúc đất. Gặp phải chỗ đất mềm, yếu thì công việc suôn sẻ, gặp phải chỗ đắt đồi rắn thì chiến sĩ phải dùng hết sức lực. Giữa đêm khuya, ai cũng mồ hôi vã ra như tắm, những bàn tay dần chai sần, rớm máu.
"Có những đêm mưa tầm tã, chúng tôi phải dầm mình trong nước, dùng tay, mũ sắt để đựng bùn, nước đổ đi. Vất vả là vậy nhưng không ai nản chí", người cựu binh nói và cho biết, việc củng cố chiến hào không chỉ một mình đơn vị ông làm, mà được đồng thời triển khai trên toàn mặt trận.
Bộ đội đào giao thông hào đến đâu thì củng cố, ngụy trang đến đó. Tuy nhiên, khi đường hào vươn dài tới hàng chục km, tiến gần đến cứ điểm của địch thì không còn cách nào che mắt được quân Pháp. Chúng điên cuồng dùng pháo binh và không quân bắn phá suốt ngày đêm, đồng thời đưa quân ra những trận địa ở gần để san lấp và gài mìn ngăn chặn bộ đội Việt Minh đào tiếp.
"Thời gian đào hào cũng là thời gian chúng tôi chiến đấu. Khi quân Pháp ra lấp trận địa của ta, anh em lại đào lại, đồng thời bố trí quân đánh trả. Nhiều đồng đội của tôi đã hi sinh khi trên tay vẫn còn cầm cuốc, xẻng", ông Miều cho hay.
Nếu như lúc bắt đầu đào, để tránh bị địch phát hiện, các chiến sĩ phải nằm đào, thì khi sâu hơn một chút có thể ngồi đào, sau đó đứng đào. Những đường giao thông hào mỗi ngày một vươn dài, như con trăn, như gọng kìm tiến sát lại cứ điểm của quân Pháp. Nhưng gọng kìm càng thắt chặt, quân Pháp càng run sợ, tìm mọi cách ngăn cản. Hai bên tranh chấp nhau từng mét chiến hào ở Điện Biên.
Chiến sĩ Điện Biên dưới chiến hào.
Ngoài đào hào, bộ đội Việt Nam còn đào hầm hàm ếch để rút ngắn cự ly đi lại, tranh thủ nghỉ ngơi, tránh pháo của địch khi trời sáng. Hầm hàm ếch nằm ven đường trục chính cao một mét, được lát cành cây ngụy trang, rộng đủ cho tổ ba người nằm. Sau một đêm đào hào, làm trận địa, đơn vị cử người về phía sau lấy cơm, nước uống, còn lại về các hầm hàm ếch nghỉ.
Sau khi chiếm được cao điểm D1, D2, D3, E1, Việt Minh gặp khó khăn khi đánh đồi A1. Hầm chỉ huy của Pháp tại đây được đào sâu và vô cùng kiên cố, xung quanh có lớp lớp hàng rào dây thép gai dày 4 m, cao 1 m kèm theo hai xe tăng bảo vệ. Cứ 20 m, chúng đặt một lô cốt kiên cố, trên mỗi lô cốt có hai khẩu đại liên "chéo cánh sẻ" đua nhau bắn phá. Ở trên trời thì 4 - 5 chiếc máy bay thi nhau ném bom, nã đạn. Vì vậy, nhiều lần đơn vị ông Miều đánh chiếm được nửa quả đồi nhưng lại bị địch đánh bật ra. Hai bên cứ giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào trên đồi A1.
"Trước tình thế đó, chỉ huy chiến dịch quyết định dùng phương án lấy hầm trị hầm để tiêu diệt cứ điểm trên đồi A1. Đơn vị tôi cùng một đại đội công binh được giao nhiệm vụ đào một đường hầm từ vị trí của ta đến nơi dự kiến là hầm ngầm của địch", ông Miều kể.
Lần này, mỗi chiến sĩ được phát một cuốc chim, một xẻng gấp để làm nhiệm vụ. Điện Biên tháng 4 đang là mùa mưa, bầu trời xám xịt màu chì, mưa tầm tã suốt nhiều ngày nhưng những người lính vẫn cần mẫn đào bới. Do đất đồi A1 rất rắn và cứng nên ông Miều và đồng đội phải mất ba đêm để đào cửa hầm. Càng đào vào sâu bên trong, các chiến sĩ càng khó thở vì không có không khí. Nhiều người đã hi sinh vì bị ngạt. Trước tình thế đó, những thanh niên tuổi đôi mươi bèn nghĩ ra cách tự đan quạt nan, quạt không khí vào bên trong để tiếp tục được công việc.
Khó khăn chồng chất nên việc đào đường hầm dự tính trong 7 ngày phải kéo dài hơn dự kiến. Các chiến sĩ mất 12 ngày mới đào được khoảng 33m, cho đến khi chạm phải đá cứng nghi là hầm ngầm mới dừng lại. Lúc này, ông Miều và đồng đội được lệnh đào thêm một ngách ở cuối đường hầm để chứa thuốc nổ.
"Sau đó chúng tôi vận chuyển thuốc nổ vào vị trí. Mỗi gói bộc phá nặng 20 kg, trong một đêm, chúng tôi đã chuyển 960 kg đến cuối đường hầm. Hoàn thành nhiệm vụ này, có 41 đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm xuống", người cựu binh nghẹn lời.
Đêm 6/5/1954, khối bộc phá được kích nổ, tiêu diệt gần một đại đội của địch. Trung đoàn 174 sau đó đã đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 trong vài giờ.
Người cựu binh đúc kết, ở chiến trường Điện Biên, bằng việc đào hào, quân đội Việt Nam đã chia cắt được các cụm cứ điểm của địch, cắt đứt phân khu trung tâm và phân khu Nam, đặt các cứ điểm và sở chỉ huy của chúng trong tầm ngắm của pháo và súng cối.
Khi bước vào đợt 3 của chiến dịch, các chiến hào được củng cố với cách đào lấn, đào dũi, các đường hào luồn dưới hàng rào thép gai áp sát lô cốt quân Pháp và cho phép bộ đội ta di chuyển giữa ban ngày, bất ngờ từ dưới chiến hào lên tiến công các mục tiêu bên trong của địch.
Ngày 7/5/1954, Việt Minh chiếm hết các điểm cao quan trọng ở phía Đông, mở đường tiến vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Đến 17h30 cùng ngày, các hướng tiến công đánh thẳng vào sở chỉ huy Pháp, bắt sống tướng De castries và toàn bộ cơ quan tham mưu của tập đoàn cứ điểm, kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ví, hệ thống giao thông hào của ta là tập đoàn cứ điểm di động thứ hai bên cạnh tập đoàn cứ điểm mạnh mẽ của Pháp. Chỉ khác là trong khi ta liên tục di chuyển, áp sát từng "mạch máu" của con nhím Điện Biên Phủ thì Pháp lại thụ động đối phó một cách yếu ớt khi không thể triệt tiêu được những đường hào của ta đang ngày càng phát triển.
Nhà thơ Tố Hữu sau đó cũng tái hiện những gian khổ, hy sinh của người lính Điện Biên trong mấy câu thơ: "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn".
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường, cuối năm 1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ, chiếm lĩnh tất cả các điểm cao của một vùng thung lũng rộng lớn, sau đó xây dựng tập đoàn cứ điểm liên hoàn nhằm "bình định Đông Dương". Tập đoàn này gồm 49 cứ điểm nằm trong 8 cụm thuộc 3 phân khu: Bắc, Nam và Trung tâm. Mỗi cụm cứ điểm đều có khả năng phòng ngự độc lập, có hệ thống công sự trận địa vững chắc và hỏa lực rất mạnh. Ở đấy có hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiếp tế, chi viện bằng đường không.
Lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ được gọi là Binh đoàn tác chiến Tây Bắc gồm 12 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, hai tiểu đoàn lựu pháo 105mm (24 khẩu), 2 tiểu đoàn súng cối 120mm (20 khẩu), 1 đại đội trọng pháo 155mm (4 khẩu), 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc) và 1 phi đội máy bay (17 chiếc). Nava - tướng tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp cùng các tướng lĩnh cao cấp của Pháp và Mỹ đều đánh giá tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là "pháo đài bất khả xâm phạm".
Việc Pháp chiếm những vị trí then chốt, nắm quyền kiểm soát vùng trời và khống chế những ngọn núi xung quanh lòng chảo Mường Thanh là một thách thức lớn đối với quân đội Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Chính trị vẫn quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh đòn quyết định để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Khác với những chiến dịch trước đây đánh vào những công sự nhỏ, chiến dịch Điện Biên Phủ phải đánh công sự vững chắc, quy mô lớn có tính chất trận địa. Vì vậy, bộ đội không thể đánh rồi rút ngay trong đêm mà phải trụ lại, vây hãm dài ngày, phải vận động tiếp cận dưới hoả lực địch cả ngày lẫn đêm, lần lượt đánh chiếm từng mục tiêu, sau đó giữ vững rồi vây hãm và tấn công các mục tiêu tiếp theo. Để làm được như vậy, vấn đề mấu chốt là phải xây dựng được hệ thống trận địa tiến công và bao vây liên hoàn, vững chắc. |
(Theo VnExpress)