Yên Bái - bước tiến diệu kỳ

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/6/2020 | 7:59:56 AM

YênBái - Đường nối quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai cùng tuyến đường Âu Cơ, cầu Văn Phú, cầu Tuần Quán, cầu Bách Lẫm, cầu Yên Bái, cầu Cổ Phúc đã và đang được đầu tư. Những cánh đồng trọng điểm lúa: Mường Lò, Đại Phú An, Mường Lai… đạt từ 60 - 65 tạ/ha...

Những cây cầu mới bắc qua sông Hồng trên địa bàn thành phố Yên Bái.
Những cây cầu mới bắc qua sông Hồng trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Trong câu chuyện xoay quanh chủ đề về sự phát triển của tỉnh, anh bạn ngành thống kê nhận định: dù với nhà quy hoạch, nhà quản lý hay với mỗi người dân thì chất lượng hạ tầng giao thông luôn là chỉ số có tính biểu đạt cao, thể hiện mức độ phát triển của mỗi vùng miền. Bởi lẽ, đường sá đi nhanh, về gần thông thoáng, thuận lợi chính là những phúc lợi sát sườn, dễ thấy, dễ cảm nhận và giàu sức thuyết phục nhất về sự cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. 

Tôi tán đồng ý kiến của anh và thật mừng là đường giao thông của tỉnh phát triển đồng bộ. Vừa qua, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác 19/5, tỉnh long trọng tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến đường nối quốc lộ 32C nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai. 

Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình hoàn thành toàn bộ tuyến đường, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. 

Như vậy, đường nối quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai cùng tuyến đường Âu Cơ, cầu Văn Phú, cầu Tuần Quán, cầu Bách Lẫm, cầu Yên Bái, cầu Cổ Phúc đã và đang được đầu tư sẽ kết nối trung tâm thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và các huyện khu vực phía Tây của tỉnh với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đây là "mắt xích” giao thông quan trọng trong tiến trình sớm trở thành đô thị loại II của thành phố Yên Bái. 

Trở lại câu chuyện về sự đổi thay kỳ diệu của tỉnh trong thời gian qua, anh bạn ngành nông nghiệp khẳng định: vì nằm ở trung tâm khu vực miền núi phía Bắc, vùng đất giao thoa giữa hai tiểu vùng khí hậu Đông Bắc và Tây Bắc đã tạo cho nông nghiệp Yên Bái những lợi thế mà không tỉnh miền núi nào có được. Tổng diện tích lúa hai vụ của tỉnh là 41.548 ha, năng suất trung bình đạt từ 50 - 55 tạ/ha, sản lượng lương thực có hạt đạt hàng năm đạt 314.000 tấn. 

Những cánh đồng trọng điểm lúa: Mường Lò, Đại Phú An, Mường Lai… đạt từ 60 - 65 tạ/ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân hàng năm đạt 3.247 tỷ đồng, giá trị bình quân thu nhập trên mỗi héc - ta năm 2019 đạt 61 triệu đồng, năm 2020 ước đạt 65 triệu đồng/ha.

Nhiều giống lúa thơm ngon nổi tiếng như nếp Tú Lệ, Séng cù, ĐS1, J02, Hương chiêm, Bắc thơm… mỗi năm tỉnh cấy khoảng 1.500 ha lúa đặc sản. Nông dân đã biết lựa chọn các giống lúa chất lượng cao để sản xuất lúa hàng hóa có giá bán cao hơn lúa thường hoặc như bà con xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn đã chuyển từ cấy lúa nếp lấy thóc sang cấy lúa nếp làm cốm. Khoảng chục năm nay, cốm Tú Lệ đã trở thành thương hiệu của Yên Bái và điều đó khẳng định sự chuyển đổi tư duy kinh tế của nông dân. 

Lật lại những trang sử hào hùng của tỉnh Yên Bái, chúng ta có thể thấy, 120 năm xây dựng và phát triển, 34 năm thực hiện đường lối đổi mới, Yên Bái đã nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo thêm nguồn lực cho phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt đời sống. 

Nền kinh tế của tỉnh năm 2019 phát triển và tăng trưởng khá, đặc biệt là nhóm các chỉ tiêu cơ bản phản ánh sự chuyển động và phát triển rõ nét kinh tế - xã hội địa phương như: tăng trưởng kinh tế 7,03%, thu ngân sách trên 3.250 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hơn 38 triệu đồng; tỷ lệ giảm nghèo 6,12% (cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay); sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa tăng từ 24% - 30% so với năm 2018. 

Đời sống của nhân dân ngày càng đi lên, kinh tế phát triển, tỉnh đã mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước bằng những chính sách ưu đãi, thông thoáng và hiện có quan hệ hợp tác với 100 tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nên số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập mới tăng lên theo từng năm. Hết năm 2019, toàn tỉnh có gần 2.200 doanh nghiệp, hơn 400 hợp tác xã, trên 3.000 tổ hợp tác và trên 20.000 hộ kinh doanh. 

Song hành cùng nỗ lực để phát triển kinh tế, giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được quan tâm chăm lo, bảo tồn, phát huy; giáo dục, y tế, an sinh xã hội đạt kết quả tích cực. 

Tỉnh đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển các thành phần kinh tế; ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm; cơ bản hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm.

Đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng văn hóa và con người Yên Bái "Thân thiện, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo, tận dụng và phát huy hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng chất lượng, hiệu quả văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân gắn với thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững, tỉnh đề ra 32 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phấn đấu hoàn thành trong năm 2020 với những giải pháp tích cực, mang tính khả thi cao.

Ghi nhận những thành tựu trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu tại buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái nhân dịp đồng chí lên dự Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" cấp quốc gia xuân Kỷ Hợi - 2019: "Yên Bái chưa bao giờ có được cơ đồ tốt đẹp như hôm nay". Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Canh Tý cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp quê hương, tình cảm thân thiện của người dân Yên Bái và cảm tác nên những câu thơ:        

Sông Hồng sóng cuộn phù sa
Chảy xuôi Yên Bái chia ra hai bờ
Mường Lò đẹp đến sững sờ
Khiến hồn lữ khách thẫn thờ miên man
Chập trùng dãy ruộng bậc thang
Lúa xanh óng ả bạt ngàn nhấp nhô.

120 mùa xuân xây dựng và phát triển, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, với bề dày truyền thống anh dũng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động 75 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang phấn đấu xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững. 

Quang Thiều

Tags Yên Bái bước tiến phát triển giao thông cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Các tin khác
Cụ Cao Xuân Thọ kể lại những ký ức xưa về Điện Biên Phủ.

Dù đã 97 tuổi nhưng cụ Cao Xuân Thọ (xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn còn hừng hực khí thế khi kể lại những ngày tham gia phá bom, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Nữ du kích miền Nam tại cuộc hợp luyện đội hình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, điều thiết thực nhất là phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, chúng ta hãy nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, không cam chịu nghèo nàn lạc hậu, dám nghĩ dám làm, phát huy trí thông minh sáng tạo, làm nên những Điện Biên Phủ lớn nhỏ trong sự nghiệp đổi mới, trên mọi lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa…

Chương trình nghệ thuật chào mừng buổi gặp mặt, tri ân Chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 17/4/2024.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các đơn vị nghệ thuật đã xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật hướng về Điện Biên Phủ, ca ngợi chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần con người Việt Nam trong thời đại mới.

Ông Vi Tiêu Nghị trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc đã có cuộc trò chuyện với ông Vi Tiêu Nghị - con trai Thượng tướng Vi Quốc Thanh, nguyên Trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục