Cả nước còn gần 20.000 người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/4/2024 | 2:45:01 PM

Ngày 9-4, tại cuộc họp giao ban của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thông tin về nội dung cuộc gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ) tại tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Điện Biên.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu nhận quà tại chương trình tri ân chiến sĩ Điện Biên diễn ra ở Thanh Hóa.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu nhận quà tại chương trình tri ân chiến sĩ Điện Biên diễn ra ở Thanh Hóa.

Theo đó, thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và căn cứ chỉ đạo của Ban Bí thư về chủ trương thực hiện đề án kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTB-XH, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam ban hành kế hoạch tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại hai tỉnh Thanh Hóa và Điện Biên trong hai ngày 6-4 và 17-4.

Cuộc gặp mặt nhằm tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; từ đó khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Ngoài việc gặp mặt những nhân chứng lịch sử góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương tham mưu kế hoạch gặp mặt, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ chăm lo cho thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đảm bảo thiết thực, ý nghĩa.

Để gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Bộ LĐTB-XH thống kê số liệu từ các địa phương với tổng số gần 20.000 người còn sống.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lựa chọn tổ chức cuộc gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại hai tỉnh Thanh Hóa và Điện Biên là gắn với những sự kiện lịch sử quan trọng.

Với vị trí điểm đầu vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Thanh Hóa là nhịp cầu nối giữa chiến trường Bắc bộ và Bình - Trị - Thiên, là địa bàn tiếp giáp với Tây Bắc, Thượng Lào. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện rõ vai trò hậu phương chiến lược quan trọng.

Mặc dù đời sống nhân dân còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần "cả nước cùng ra trận", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", trong 3 đợt phục vụ chiến dịch, toàn tỉnh Thanh Hóa đã huy động 200 ngàn dân công dài hạn và ngắn hạn, hơn 3.500 xe đạp thồ, 1.126 thuyền ván các loại, 31 ô tô, 180 xe bò và nhiều phương tiện vận chuyển khác, cung cấp hơn 4.500 tấn gạo, 350 tấn thực phẩm và hàng trăm tấn rau các loại.

Trong vai trò "hậu phương lớn của tiền tuyến lớn” với hàng chục ngàn con em Thanh Hóa và các địa phương ở liên khu 3, liên khu 4 đã lên đường chiến đấu anh dũng, có mặt tại những nơi cam go, nguy hiểm nhất và nhiều người trong số đó đã hy sinh. Ngay tại di tích đường kéo pháo ngày nay ở xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, hình ảnh người anh hùng Tô Vĩnh Diện quê ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống, nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã được tạc vào bức phù điêu bằng đá.

Không chỉ ở Thanh Hóa, các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Bình… cũng đóng góp vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày 6-4 vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức cuộc gặp mặt, tri ân 163 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.

Ngày 17-4 tới đây, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức chương trình gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ các tỉnh, thành: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, thành phố Hà Nội và TPHCM. Cuộc gặp có sự hiện diện của gần 300 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Việc tổ chức chương trình gặp mặt tại chính mảnh đất Điện Biên là một sự tri ân, một lòng biết ơn đối với những người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Đây là một trong những chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ.

Song song với việc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam huy động nguồn lực xã hội hóa để tổ chức gặp mặt và trao quà trực tiếp cho đại biểu tham dự tại hai tỉnh Thanh Hóa và Điện Biên, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cũng đã huy động sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên, nhân viên, người lao động ngành ngân hàng trong toàn quốc chung tay cùng với MTTQ Việt Nam tổ chức các hoạt động tri ân các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đối tượng tri ân với tổng số tiền lên tới 20 tỷ đồng.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Ngày 7.5.1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái - những tư liệu trưng bày gồm hình ảnh và hiện vật gốc về bối cảnh lịch sử, chiến thắng và chiến công của quân dân cả nước cũng như những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã cho nhân dân và du khách có cái nhìn tổng quan về những năm tháng chiến tranh ác liệt mà đầy quả cảm, làm nên chiến thắng lịch sử này.

Bài học về tầm nhìn chiến lược trong trận Điện Biên Phủ còn nguyên giá trị. Ảnh: Tư liệu

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến những kỳ tích, biến cái không thể thành có thể, biến điều chưa từng có tiền lệ trở thành những trang sử hào hùng. Điện Biên Phủ và chuyển đổi số là những kỳ tích như thế…

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc  - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ tư từ trái sang) cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham quan mô hình vũ khí thực hành huấn luyện tại Lễ ra quân huấn luyện tỉnh Yên Bái năm 2024.

Cho đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn còn nhớ như in những hình ảnh mình đã được chứng kiến từ thuở bé, đó là hình ảnh người ông ngoại Phạm Văn Xiển, thương binh 2/4 ở số nhà 14, đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái trở về đời thường làm một người nông dân với rất nhiều công việc.

Tròn bảy thập kỷ đã trôi qua (1954-2024), nhưng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục