70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: ''Bếp Hoàng Cầm'' ấm lòng người chiến sỹ tiền phương

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/4/2024 | 9:23:33 AM

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trước sự áp đảo về phương tiện và vũ khí chiến tranh của địch, “bí mật” là phương châm hàng đầu của quân đội ta, được quán triệt tuyệt đối ngay từ công tác hậu cần. Trước bom đạn của kẻ thù, chiếc bếp Hoàng Cầm giản dị đã phát huy hiệu quả thực tế, góp phần bảo đảm sức khỏe cho bộ đội ta chiến đấu và chiến thắng.

Bếp Hoàng Cầm nằm sâu trong Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm bảo yếu tố bí mật, an toàn.
Bếp Hoàng Cầm nằm sâu trong Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm bảo yếu tố bí mật, an toàn.

"Vũ khí bí mật" của lực lượng hậu cần

Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân đội ta gặp vô vàn thách thức khó khăn, ngay cả trong công tác hậu cần. Quân đội dù anh dũng bao nhiêu vẫn cần được ăn uống đầy đủ để bảo đảm sức khỏe. Nhưng với những bếp nấu củi truyền thống của ta, nấu ăn là việc khó giấu kín, vì ban đêm thấy lửa, ban ngày thấy khói. Những dấu hiệu đó dễ dàng thu hút máy bay địch đến ném bom, gây thương vong cho ta. Nhiều tổ hậu cần buộc phải phòng tránh bằng cách chuyển sang nấu ăn ban đêm, khi máy bay địch tới thì dập lửa, dội nước, nhưng nhiều khi vẫn không tránh kịp tai họa. Cơm thường bị khê, sống. Nấu ăn ban đêm, ban ngày cơm nguội lạnh, bộ đội ăn không đảm bảo sức khoẻ.

Tình trạng khó khăn này khiến anh nuôi Hoàng Cầm của Đại đoàn quân tiên phong 308 rất trăn trở. Ông đã dày công nghiên cứu, thử nghiệm và cuối cùng sáng tạo ra một kiểu bếp có thể nổi lửa mà không làm lộ sáng, đặc biệt không làm bốc khói lên cao. Bếp được đào sâu xuống đất với những đường rãnh giống như râu mực kéo dài ra xa, phía trên phủ cành cây hoặc đất ẩm tạo thành những ống thoát khói. Khói tỏa theo các đường rãnh, bốc lên bị cây và đất ẩm lọc và cản lại, lan ra, là là trên mặt đất, nhẹ như làn sương buổi sớm. Phía trước cửa bếp đào một hố sâu, trên lợp nilon hoặc lá, vừa để đồ, vừa che ánh lửa và có hầm chứa khói, hút lửa mạnh hơn.

Bếp do Hoàng Cầm sáng tạo rất phù hợp với bộ đội thời chiến, kín lửa, khói không bốc cao, anh nuôi nấu ăn cả ngày, cả tối vẫn không sợ máy bay địch phát hiện. Tháng 10 năm 1952, đơn vị quyết định lấy tên người chiến sỹ sáng tạo ra để đặt tên bếp, gọi là Bếp Hoàng Cầm. Mô hình bếp nấu độc đáo này nhanh chóng phổ biến đến các đơn vị trong quân đội và ứng dụng rất hiệu quả trong nhiều chiến dịch lớn của ta, đặc biệt là tại chiến dịch Điện Biên Phủ.

Giản dị và anh hùng 

Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh có quy mô lớn nhất, dai dẳng, kéo dài nhất, ác liệt nhất giữa ta và địch. Việc đảm bảo cung cấp và nuôi quân để bộ đội chiến đấu là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và là một thành công lớn của chiến dịch. Đến đầu tháng 2/1954, lực lượng chiến đấu của ta ở lòng chảo Điện Biên đã lên tới 43.000 người, nhu cầu vật chất tăng gấp nhiều lần so với kế hoạch ban đầu.

Ngoài gạo, thịt, thực phẩm tươi, hậu cần các cấp còn chế biến các loại thực phẩm khô, muối thịt, muối dưa... gửi lên mặt trận. Trong quá trình chiến đấu, các đơn vị cũng tổ chức tăng dự trữ lương thực thực phẩm, tăng gia sản xuất và khai thác tại chỗ, củng cố hầm ngủ nghỉ, tạo điều kiện tốt nhất, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội trong điều kiện chiến đấu khốc liệt và kéo dài,

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: "...Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu”.(1)

Ở tuyến sau, hậu cần ta đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức, nhưng ở mặt trận Điện Biên Phủ, việc đảm bảo cấp dưỡng đối diện rất nhiều khó khăn: liên tục bị bom đạn bắn phá, quân số đông với nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động khác nhau, địa hình trải rộng và phức tạp, quân ta ngày càng tiến sát quân địch… Thời gian đầu phần nhiều các đơn vị xây dựng trận địa cũng như phòng ngự đều phải ăn cơm nguội, gói bánh chưng ăn qua bữa. Nhưng trong các trận đánh công kiên, đánh trận địa, liên tục tác chiến kéo dài hàng tháng trời, ta đặt mục tiêu phải giải quyết được vấn đề ăn nóng uống nóng cho toàn quân.

Trong những điều kiện ngặt nghèo như thế, bếp Hoàng Cầm đã phát huy tối đa hiệu quả. Nhưng muốn bếp đặt được ngay ở đại đội, ngay mặt trận, các đơn vị tiếp tục có thêm nhiều sáng kiến. Anh em đào những hầm sâu, vững chắc, biến "bếp Hoàng Cầm” thành "hầm Hoàng Cầm”, không khói, không lộ ánh sáng, không nóng và chống được cả phi pháo, đưa các "anh nuôi” theo sát bước chân chiến sỹ tuyến đầu. Nhờ đó, có khi cách địch chỉ 50m, các chiến sỹ vẫn được ăn uống nóng đều đặn, có nước nóng để uống trong mùa đông, các hầm quân y dã chiến cũng có nước nóng để sát trùng dụng cụ...

Trong thực tiễn hành quân chiến đấu, Bếp Hoàng Cầm và hầm Hoàng Cầm đã phát huy giá trị lớn, góp phần quan trọng giữ gìn sức khỏe, đảm bảo quân số bộ đội. Trong khi quân địch ngày càng lún sâu vào hoảng loạn và cô lập, việc đảm bảo đời sống trong quân đội đã góp phần củng cố tinh thần và lòng tin của toàn quân ta, tăng thêm sức mạnh đưa chúng ta tới chiến thắng cuối cùng.

Từ lòng yêu nước, từ tinh thần đồng đội của một anh nuôi, chiếc bếp giản dị đã theo bước đoàn quân anh hùng, thầm lặng góp sức vào những chiến công chói lọi của các anh trong một thời hoa lửa. Ngày nay, việc dùng củi đốt đã không còn phổ biến, nhưng bếp Hoàng Cầm vẫn tiếp tục được nghiên cứu cải tiến, hoàn thiện và đưa vào huấn luyện, sử dụng rộng rãi. Bếp Hoàng Cầm không chỉ là một phát minh hiệu quả, mà còn thể hiện được bản chất của quân đội ta: rất giản dị nhưng cũng rất anh hùng.

..............

(1) Tổng cục Hậu cần, Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, t.1, tr. 292.

(Theo Báo Tin tức)

Các tin khác
Trận địa hào được xây dựng vào ban đêm, ngụy trang rất kỹ và triển khai cùng một lúc trên toàn thể mặt trận nên đã phân tán được sự đánh phá của quân Pháp. Trong ảnh: Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đêm 17/4/1954, ba mũi chiến hào của Trung đoàn 36 đã vây bọc kín cứ điểm 206 - nằm ở phía Bắc sân bay Mường Thanh, là một trong những cứ điểm quan trọng của địch.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Ký ức Điện Biên...". Chương trình diễn ra vào 20h tối 4-5-2024 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thắp hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng

Về Mường Phăng - nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ và nhân dân Mường Phăng.

Trường đoạn 4 - “Chiến thắng Điện Biên”: Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De castries - Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.

Bức tranh Paranoma tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là bức tranh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, được tái hiện một cách sinh động, ví như một câu chuyện kể trận chiến với trường đoạn, bi tráng, hào hùng... khắc họa chân dung của hơn 4.500 nhân vật giữa khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và chiến trường Điện Biên khốc liệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục