Thác Háng Đề Chơ “mỹ nhân kiêu kỳ” giữa núi rừng Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/8/2014 | 9:27:20 AM

YBĐT - Háng Đề Chơ - một tác phẩm kỳ diệu của tạo hóa, một bức tranh thiên nhiên của sự hùng vĩ, hoang dại và kiêu kỳ. Dành cho mảnh đất ấy những mỹ từ như vậy thật chẳng xa xỉ chút nào nếu ai đã một lần được tận mắt chiêm ngưỡng!

Hùng vĩ Thác Háng Đề Chơ.
Hùng vĩ Thác Háng Đề Chơ.

Thác Háng Đề Chơ (hay Háng Tề Chơ) là ngọn thác hùng vĩ bậc nhất Tây Bắc, nằm trong bản Đề Chơ xa xôi nhất của xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu. Người ta vẫn truyền rằng, nó là một sự thách thức ngạo nghễ khiến cho những ai chưa một lần chinh phục sẽ háo hức, những kẻ thất bại thì day dứt, dằn vặt mãi, người thành công thì ngất ngây bởi sự quyến rũ đến ngợp thở của phong cảnh nơi này. Để cảm nhận được những cảm giác ấy, chúng tôi đã quyết định “xách ba lô lên và đi”.

Đoàn chúng tôi có 13 người với 7 xe máy, xuất phát ở trung tâm huyện Văn Chấn từ 7 giờ sáng, vượt những cung đường hiểm nguy đầy thách thức, qua 4 chặng đường với độ khó ngày càng tăng, mất khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ mới chinh phục được ngọn thác này.

Chặng đầu: Những con đường quanh co và cao vút từ trung tâm huyện Văn Chấn lên xã Phình Hồ, dài gần 10km, đường vẫn rất đẹp và dễ đi. Tuy nhiều dốc và khúc cua quanh co nhưng đều đã trải bê tông nên chúng tôi vượt qua khá dễ dàng. Bù lại trên đường đi là bát ngát những đồi chè xanh ngút ngàn, lên cao dần là những đồi thông và đồi trúc nối tiếp nhau. Từ trên cao nhìn xuống sẽ bao quát hết được trung tâm của Văn Chấn với những ngôi nhà bé xíu ẩn hiện giữa những đồi cây.

Chặng hai: Nơi bắt đầu của những thử thách từ xã Phình Hồ đến xã Làng Nhì. Chặng này chỉ dài khoảng 7km nhưng chúng tôi đi mất gần 1 tiếng đồng hồ. Những chiếc xe liên tục phải đi ở số 1, số 2 để vượt qua những dốc thăm thẳm đầy đá dăm, đá tảng. Tuy nhiều ổ gà, ổ trâu nhưng đường vẫn khá to. Đối với những tay lái ưa mạo hiểm như chúng tôi thì có lẽ đoạn đường này vẫn chưa làm thỏa mãn tính phiêu lưu nên đoàn xe vượt qua không mấy khó khăn. Càng lên cao, chúng tôi càng choáng ngợp bởi cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng hiện ra ngày một rõ nét. Các nóc nhà của người Mông thưa dần. Ruộng bậc thang nối tiếp nhau xanh mướt như dẫn lên đến tận trời xanh.

Chặng 3: Đánh vật với con đường tử thần từ Làng Nhì vào bản Đề Chơ. Chặng đường thực sự là thử thách đối với những tay lái dù rất cừ khôi khi phải vượt qua những khúc cua tay áo. Đường lên bản hẹp và cao dần, bám sát vào vách núi, một bên là tả ly và một bên là vực thẳm. Đường hẹp chừng mấy gang tay men theo sườn núi với lổn nhổn sỏi đá và cành cây vướng víu trước mặt, không tỉnh táo và dũng cảm thì khó mà qua được. Có những đoạn dốc thẳng đứng mà về số 1 cũng không lên nổi nên chúng tôi phải xuống đẩy xe. Hơn 1 tiếng vật lộn với cung đường tử thần, chúng tôi đã có mặt tại bản Đề Chơ. Ngọn thác hiện ra sau làn mây mờ, nhỏ xíu như sợi chỉ giữa núi rừng xanh thăm thẳm.

Chặng cuối: Đi bộ men theo triền núi từ bản Đề Chơ vào đến thác. Thác tuy đã hiện ra trước mắt nhưng phải đi khoảng 1 tiếng mới vào đến. Men theo những nương ngô, vách núi, lội qua con những con suối hiểm trở, đi qua những “cây cầu” chỉ làm bằng 2 cây gỗ nhỏ xíu nằm chênh vênh bên những tảng đá lớn, đu theo những rễ cây để xuống thác. Quả thực ở chặng này, không thể chỉ đi bằng hai chân mà phải dùng đến cả tay mới vượt qua được. Cảm giác dồn dập khi nghe thấy tiếng thác chảy ầm ầm phía xa xa càng làm chúng tôi thêm háo hức và quyết tâm.

Và tất cả như vỡ òa hạnh phúc khi chiêm ngưỡng dòng thác hùng vĩ đổ từ độ cao hơn 50m xuống, được trầm mình xuống dòng nước trong xanh, mát lạnh. Đứng cách xa mấy chục mét nhưng những hạt nước nhỏ vẫn bay ra theo chiều gió chạm vào da mặt mát dịu. Dòng thác trắng xóa, mượt mà như mái tóc dài thướt tha của thiếu nữ xinh đẹp vùng Tây Bắc làm say đắm lòng người, ai ai cũng ngây ngất trước vẻ đẹp quyến rũ ấy. Quả thực khó có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên nơi này.

Điều tuyệt vời nhất của hành trình là cảm giác chiến thắng khi chinh phục được một trong những “tứ đại hiểm địa” như dân phượt thủ vẫn thường mệnh danh. Để cảm nhận được những cung bậc thăng hoa và ngây ngất mà cảnh vật và những cung đường nơi đây mang lại thì có lẽ chỉ tự mình trải nghiệm, tận mắt ngắm nhìn mới thấy hết điều đó. Thật không hổ danh là một trong những “đệ nhất thác” của vùng đất Tây Bắc.

Hà Thị Mai Na

Các tin khác
Du thuyền trên Hồ Thác Bà.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, cánh đồng Mường Lò, chè xanh Suối Giàng, hay khu du lịch Hồ Thác Bà… là những thắng cảnh đẹp ở Yên Bái mà bạn không nên bỏ qua trong hành trình du lịch Tây Bắc đầu xuân mới.

YBĐT - Là một hồ nước mênh mông với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hồ Thác Bà được ví như một Hạ Long trên núi cao của vùng Tây Bắc. Cảnh quan sơn thủy hữu tình cùng hệ thống hang động ẩn sâu trong những dãy núi đá vôi đã biến hồ Thác Bà thành một trung tâm du lịch sinh thái đầy tiềm năng.

YBĐT -Theo con đường dốc quanh co, chúng tôi đến xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) – nơi có trên 95% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Với độ cao hơn 1000m so với mặt nước biển, Suối Giàng có nhiệt độ trung bình khá lý tưởng từ 21 – 23 oC. Không chỉ hấp dẫn với vẻ đẹp thiên nhiên, người ta còn biết đến Suối Giàng với những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

YBĐT – Cứ mỗi độ xuân về, ở Mường Lò – cánh đồng rộng lớn thứ 2 vùng Tây Bắc lại rộn ràng, xốn sang bước vào lễ hội. Vùng đất rộng lớn này còn bảo tồn nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhiều dân tộc Mông, Dao, Khơ Mú, Thái... sẽ đem đến cho du khách gần xa những cảm xúc khó quên về mảnh đất giàu bản sắc văn hóa trong dịp đầu xuân mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục