Lan toả "âm thanh đại ngàn"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/9/2015 | 3:42:13 PM

YênBái - YBĐT - Nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2015, hội thi khèn Mông lần đầu tiên được tổ chức, hứa hẹn xuất hiện rất nhiều tài năng đến từ khắp các thôn, bản trên cao nguyên xứ Mù Cang.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong những ngày trước khi khai mạc tuần văn hóa, du lịch, một không khí tập luyện hăng say, nhộn nhịp của những nghệ nhân, những thanh niên đam mê âm thanh của đại ngàn. Tìm về xã Khao Mang - nơi có rất đông nghệ nhân múa khèn và người biết múa khèn nhiều nhất, nhì ở Mù Cang Chải.

Anh Giàng A Pàng - cán bộ văn hóa xã phấn khởi cho biết: “Hiện nay, mỗi bản có 5 - 10 người biết múa khèn nên việc chọn người tham gia hội thi không khó. Xã dự kiến có 10 người tham gia ở các nội dung múa đôi, múa đơn, múa tập thể, múa có phụ họa. Toàn đội đang tích cực tập luyện để có thể giành được giải cao nhất, mang vinh dự về cho địa phương”. Đang lúc anh Pàng giới thiệu về thế mạnh của xã thì những người đàn ông khỏe mạnh mang tới hội trường xã những chiếc khèn để bắt đầu một buổi tập luyện. Âm thanh trong trẻo, ấm áp, dặt dìu bắt đầu cất lên giữa đại ngàn xanh thẳm.

Anh Pàng cho biết thêm: “Mỗi người đàn ông Mông khi trưởng thành phải có một cây khèn như để thể hiện sức mạnh của đàn ông. Có thể họ tự làm hoặc mua, nhưng đều phải điều chỉnh nốt bấm, ống khèn, bầu khèn cho phù hợp với hơi thổi của mỗi người. Tôi có thể thổi được chiếc khèn của người khác nhưng sẽ không hay bằng chính chiếc khèn của tôi”. Ra vậy, thú chơi nghệ thuật dân gian ấy cũng thật lắm công phu. Anh Pàng đang say sưa giải thích về chiếc khèn thì những người đàn ông rắn rỏi kia vừa thổi, vừa xoay người vòng tròn với những động tác dứt khoát, khỏe khắn, hơi thổi đều đặn, giai điệu của bản nhạc, các động tác múa hòa quện với nhau.

Những tưởng hội thi khèn Mông ấy chỉ là múa hoặc thổi khèn không thôi. Nhưng xem rồi mới biết, múa khèn Mông là người múa vừa thổi, vừa thể hiện những động tác múa rất khó và đẹp mắt. Thế nên, đòi hỏi người múa khèn phải có sức dẻo dai. Chỉ có 10 phút múa, vậy mà những người đàn ông to khỏe ấy cũng phải “thở ra đằng tai”. Trong phút nghỉ ngơi, anh Sùng A Lồng ở bản Séo Dì Hồ chia sẻ, anh biết múa hơn chục năm nay, cũng đi giao lưu nhiều nơi trong, ngoài xã và cũng đã được đi hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Yên Bái năm 2014, nhưng hội thi lần này anh vẫn rất háo hức. Anh tâm sự: “Mình mong đội nhà đoạt giải lắm, nhưng nhiều người ở các xã khác cũng giỏi lắm. Qua hội thi mình sẽ học hỏi được nhiều điều cho bản thân”. Anh còn cho biết, con trai anh năm nay 7 tuổi cũng rất thích thổi khèn nên lớn hơn chút nữa anh sẽ dạy cho nó. Ấy chính là cách lưu truyền những giá trị văn hóa dân gian nơi vùng cao này. Dù rất bận với nương rẫy, nhưng biết được hội thi, anh Giàng A Tủa ở bản Sẻo Mả Pán A cũng tạm gác công việc để về hội trường xã tập luyện. Biết múa từ khi mới 12 tuổi. 15 năm múa khèn, anh Tủa nói là múa khèn đã ăn vào máu rồi nên chỉ vài buổi tập luyện cùng nhau sẽ đi thi tốt. Song, anh Tủa vẫn lo lắng: “Động tác vừa thổi vừa lăn là khó nhất, nếu không tập luyện nhuần nhuyễn sẽ không làm được. Dù có làm nhiều lần rồi thì vẫn phải luyện”.

Là người lớn tuổi nhất trong đội, anh Vàng A Chừ - hiện là Trưởng Công an xã Khao Mang và là người có nhiều kinh nghiệm múa khèn nhất đội phấn khởi cho hay: “Tôi nghĩ rằng, bà con sẽ đi cổ vũ rất đông. Mấy người trong bản tôi ngày nào cũng hỏi, bao giờ thi để còn đi xem”.

Khèn Mông và múa khèn là một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào và nay được tổ chức thành hội thi, đó là điều phấn khởi nhất cho người dân trong vùng. Kết hợp gìn giữ văn hóa dân tộc với nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân là việc làm rất ý nghĩa. Nhưng nay sự kết hợp ấy lại thêm cả thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng đồng bào Mông, quả là nhìn đâu cũng thấy lợi ích to lớn. Sức hấp dẫn sẽ là điều không thể phủ nhận tại hội thi, bởi không chỉ hấp dẫn đối với du khách mà ngay cả người dân địa phương. Không khí hào hứng phấn khởi của người dân tham dự sẽ lan tỏa niềm vui và cả văn hóa Mông với du khách. 

 Thanh Ba

Các tin khác

YBĐT - Trong những năm gần đây, Mù Cang Chải đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách, không chỉ bởi vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang chín vàng, những biển mây trắng trên đỉnh đèo Khau Phạ mà  còn được đắm mình vào những lễ hội văn hóa dân tộc Mông nơi đây. Lượng khách đến tăng theo từng năm, đặc biệt là trong thời điểm diễn ra Tuần văn hóa danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, hàng chục khách sạn, nhà nghỉ, đặc biệt là các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện đã chuẩn bị chu đáo nơi ăn nghỉ để đón tiếp du khách.

YBĐT - Cách thành phố Yên Bái 80 km về phía Tây, thị xã Nghĩa Lộ xinh xinh nằm lọt thỏm trong lòng chảo của cánh đồng Mường Lò bao la, được bao bọc bởi dãy Hoàng Liên ngàn năm mây trắng. Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai của miền Tây Bắc Tổ quốc. Mảnh đất rộng chưa đầy 3.000 ha này là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em với dân số trên 27 nghìn người, trong đó dân tộc Thái chiếm tới 44% với bao bí ẩn, hấp dẫn về văn hóa tộc người đặc sắc khiến bao người mê mẩn khám phá.

YBĐT - Mùa vàng Mù Cang Chải (Yên Bái) đang đến thật gần, làm rộn ràng cả trái tim và bước chân những người ưa chủ nghĩa xê dịch và giàu cảm xúc.

YBĐT - Trong danh mục 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là các lễ hội truyền thống, nghi lễ dân tộc, nghệ thuật trình diễn, ca vũ của các dân tộc Kinh, Tày, Mông, Dao, Thái, Sán Dìu… thuộc các tỉnh đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố, nghệ thuật xòe Thái Mường Lò của thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái xếp thứ 18 ở thể loại nghệ thuật trình diễn. Ngày 12/9 tới đây, thị xã Nghĩa Lộ vinh dự đón nhận quyết định công nhận xòe Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục