Chào mừng lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ II - năm 2016

Phát triển du lịch sinh thái vùng quế gắn với du lịch tâm linh

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/10/2016 | 2:46:47 PM

YBĐT - Để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái vùng quế gắn với du lịch tâm linh, huyện đã thành lập 3 tuyến du lịch gồm: tuyến du lịch tâm linh đền Đông Cuông - đền Nhược Sơn; tuyến du lịch sinh thái Nà Hẩu và thăm quan các đồi quế, làng quế và các cơ sở sản xuất, chế biến quế; phát triển các làng nghề.

Lễ hội đền Đông Cuông luôn thu hút rất đông du khách.
Lễ hội đền Đông Cuông luôn thu hút rất đông du khách.

Được mệnh danh là “vương quốc” của quế, cây quế trên mảnh đất này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn gắn liền với các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây. Cùng với đó, Văn Yên còn có nhiều di tích tâm linh với những nét tín ngưỡng đặc sắc. Đây là điều kiện lý tưởng để huyện phát triển du lịch sinh thái vùng quế gắn với du lịch tâm linh.

Những năm qua, Văn Yên đã không ngừng cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng các tuyến đường giao thông, các di tích tâm linh đền, chùa, đồng thời quy hoạch vùng sản xuất quế tập trung gắn với thu hút các cơ sở chế biến, sản xuất các sản phẩm từ quế. Do đó, giá trị cây quế không ngừng được nâng cao, đặc biệt, với định hướng lâu dài, huyện Văn Yên đã và đang thu hút ngày càng nhiều du khách đến với mình theo hình thức du lịch sinh thái vùng quế gắn với du lịch tâm linh.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, trong 9 tháng đầu năm 2016 đã có trên 185 nghìn lượt du khách đến với Văn Yên, trong đó chủ yếu là tham dự các hoạt động lễ hội tại đền Đông Cuông (xã Đông Cuông). Như vậy, dù lượng du khách đến với Văn Yên trong những năm qua liên tục tăng, nhưng lại tập trung chủ yếu vào tháng Giêng trong dịp lễ hội.

Vì thế, để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái vùng quế gắn với du lịch tâm linh, huyện đã thành lập 3 tuyến du lịch gồm: tuyến du lịch tâm linh đền Đông Cuông - đền Nhược Sơn; tuyến du lịch sinh thái Nà Hẩu và thăm quan các đồi quế, làng quế và các cơ sở sản xuất, chế biến quế; phát triển các làng nghề, trong đó tập trung vào hoạt động trình diễn của các nghệ nhân sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế.

Hiện nay Văn Yên đã ổn định quy hoạch vùng quế với diện tích trên 40.000 ha ở tất cả các xã, thị trấn thông qua việc triển khai các nguồn hỗ trợ của tỉnh về phát triển cây quế gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là dự án hỗ trợ người dân trồng quế dọc 2 bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ngoài ra, huyện xây dựng 1 Website riêng giới thiệu về sản phẩm quế; phối hợp với ngành chức năng đưa chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên ra nước ngoài.

Đồng chí Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Thời gian qua, cùng với tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư, chế biến sâu các sản phẩm từ quế, huyện đã tập trung nhiều giải pháp để giữ gìn, bảo tồn 90 cây quế trội bản địa (để gây giống) và 14,5 ha quế tập trung tại các gia đình và xã trọng điểm vùng quế. Thông qua đó, xây dựng và hình thành các điểm du lịch sinh thái gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nơi đây”. 

Ngoài ra, để đa dạng hóa loại hình du lịch sinh thái, huyện tập trung xây dựng, phát triển các làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ quế và các hộ, các tổ, nhóm làm du lịch cộng đồng. Ông Nguyễn Anh Tiến - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Nói đến cây quế Văn Yên là nói đến người Dao. Chính vì vậy, các giá trị văn hóa của người Dao như: hát Páo dung, lễ Cấp sắc 12 đèn, lễ hội Cầu mùa… luôn được huyện quan tâm, bảo tồn”.

Bên cạnh các hoạt động trên, huyện Văn Yên cũng thường xuyên nâng cấp, cải tạo các di tích tâm linh trên địa bàn. Đặc biệt, trong thời gian qua, ngoài 100 tỷ đồng được Nhà nước đầu tư làm đường dẫn và xây bờ kè thì hàng năm chính quyền địa phương cũng bỏ ra hàng tỷ đồng để nâng cấp, trùng tu các hạng mục của đền Đông Cuông.

Được biết, để phục vụ cho hoạt động thăm quan của du khách trong những ngày diễn ra Lễ hội Quế năm nay, huyện đã phối hợp với Trung tâm Quản lý du lịch và Phát triển du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xây dựng các tuyến du lịch, làm tờ rơi giới thiệu; đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên gồm các cán bộ văn hóa, người dân và giáo viên thông thạo ngoại ngữ để hướng dẫn các điểm thăm quan cho du khách.

Đồng chí Lê Minh Đức khẳng định: “Thời gian tới, huyện tiếp tục ký kết, phối hợp với các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai và liên kết với các công ty lữ hành triển khai hiệu quả các tuyến du lịch, du lịch sinh thái vùng quế gắn với du lịch tâm linh”.

 Hùng Cường

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục