Lễ hội Đền Hùng - Tinh hoa văn hóa Đất Tổ

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/4/2017 | 1:59:07 PM

YBĐT - Đã thành truyền thống, ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch là ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Muôn dân đất Việt dù ở đâu, làm gì, đến ngày này cũng hướng lòng mình về nơi nguồn cội với niềm tự hào là “Con Lạc cháu Hồng”.

Lễ dâng hương Đức Quốc tổ Lạc Long Quân.
Lễ dâng hương Đức Quốc tổ Lạc Long Quân.

Những ngày này, ở vùng quê trung du Phú Thọ, Lễ hội Đền Hùng đã và đang được tổ chức tưng bừng, các nghi lễ và các hoạt động văn hóa là minh chứng cho sự trường tồn và sức lan tỏa của tinh hoa văn hóa nơi Đất tổ linh thiêng…

Giỗ tổ Hùng Vương là Quốc giỗ của dân tộc Việt Nam, là dịp để hội tụ tinh thần đoàn kết, sức mạnh dân tộc và Đền Hùng là nơi để muôn dân đất Việt tụ về với lòng thành kính, niềm tự hào về nguồn cội. Hành hương về Đền Hùng những ngày diễn ra lễ hội, con dân đất Việt sẽ được chiêm ngưỡng những nét văn hóa cổ truyền, phát tích từ vùng quê trung du Phú Thọ được diễn xướng ở ngay chính trung tâm của Lễ hội.

Năm nay, bắt đầu từ ngày mùng 3/3 đến ngày mùng 10/3 Âm lịch, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nghi lễ được tỉnh Phú Thọ tổ chức trang trọng, thành kính và mang đậm bản sắc vùng văn hóa Đất tổ. Điều đặc biệt, những tinh hoa văn hóa nơi đây có sự trường tồn từ bao đời nay đã có sức lan tỏa kỳ diệu trong thế hệ hôm nay.

Tại Lễ hội Đền Hùng, những người con Phú Thọ và các tỉnh lân cận trực tiếp thể hiện, diễn xướng các phong tục, tập quán trong đời sống văn hóa nơi đây.

Nghi lễ dâng hương tri ân công đức của Đức Quốc tổ Lạc Long Quân, Quốc mẫu Âu Cơ và các Vua Hùng trên non thiêng Nghĩa Lĩnh là thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm và thành kính, đặc biệt là vào ngày chính lễ mùng 10/3.

Nghi lễ dâng hương là sự thể hiện lòng biết ơn tiên tổ, tri ân công đức của thế hệ cha ông đã có công khai thiên lập địa, nghi lễ ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của người dân đất Việt, được Unessco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Lễ vật dâng lên Quốc tổ, Quốc mẫu và các Vua Hùng không thể thiếu bánh chưng, bánh dày truyền thống và những lễ vật gắn với đời sống nông nghiệp của vùng trung du Phú Thọ. Vào dịp Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ còn tổ chức dâng lễ tại các đình, đền trên địa bàn các huyện, thành thị, nơi hương hỏa, thờ cúng các vị vua, tướng lĩnh thời Hùng Vương có công lao đối với dân tộc.

Cùng với nghi lễ dâng hương là những hoạt động diễn xướng các nét văn hóa phi vật thể vốn được phát tích từ vùng Đất Tổ. Trong đó, nổi bật là hát Xoan, một loại hình nghệ thuật có từ thời Hùng Vương và tồn tại, phát triển cho đến tận ngày nay. Cùng với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Xoan được tổ chức Unessco công nhận và vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những ngày đầu tháng 3 và đặc biệt là vào dịp Giỗ Tổ, tại các ngôi đình cổ của làng Xoan miếu Lãi Lèn xã Kim Đức, đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình An Thái (xã Phượng Lâu) của thành phố Việt Trì và khu trung tâm lễ hội là nơi diễn ra hoạt động biểu diễn hát Xoan truyền thống. Tại đây, các nghệ nhân hát Xoan thể hiện các bài Xoan cổ, gắn liền với những huyền tích, truyền thuyết Hùng Vương và thể hiện những triết lý nhân sinh của nhân dân nơi cội nguồn. Cùng với hát Xoan, các tỉnh như Thái Bình, Vĩnh Phúc còn mang đến các tiết mục chèo, ca múa, múa rối nước đặc sắc.

Tại Lễ hội Đền Hùng, hội thi gói bánh chưng và giã bánh dày là hoạt động được tổ chức công phu. Xuất phát từ truyền thuyết về Lang Liêu gói bánh chưng, bánh dày dâng lễ lên Vua cha, từ lâu, gói bánh chưng, bánh dày là nét văn hóa tinh hoa của dân tộc Việt, là sự “chưng cất” nét đẹp của văn minh nông nghiệp.

Từ sản phẩm nông nghiệp là những hạt gạo nếp trắng ngần, dẻo thơm, các làng, các xã ở vùng trung du hội tụ tại trung tâm lễ hội để trổ tài gói những chiếc bánh chưng vuông vắn; giã, nặn những chiếc bánh dày dẻo, tròn. Hoạt động văn hóa này thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Giá trị nhân văn từ chiếc bánh chưng và bánh dày được thể hiện qua hình thù, chất liệu của nó, là sự biểu tượng cho trời và đất, cho tinh hoa của văn hóa, văn minh nông nghiệp trồng lúa nước từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

Những ngày này, ở trung tâm Lễ hội Đền Hùng còn diễn ra các hoạt động thi, trưng bày các sản phẩm văn hóa độc đáo như trưng bày hiện vật thời Hùng Vương, hội thi bơi chải, gắn với đời sống lao động miền sông nước, lễ hội dân gian đường phố được biểu diễn vào các buổi tối, ẩm thực các vùng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, hội trại truyền thống… Mỗi hoạt động văn hóa đều gắn liền với truyền thuyết, huyền tích thiêng liêng thời Hùng Vương, là sự thể hiện rõ nét và sinh động nhất sức sống của văn hóa cổ truyền trong cuộc sống hôm nay.

Sự hội tụ các nét văn hóa thông qua các hoạt động diễn xướng tại lễ hội đền Hùng đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu. Đó là những tinh hoa cổ truyền nơi Đất tổ Hùng Vương được lưu truyền từ đời này sang đời khác, gắn với những phong tục, tín ngưỡng vô cùng thiêng liêng của vùng trung du Phú Thọ.

Đó sẽ là nơi để mỗi người dân đất Việt khi hành hương về Đền Hùng cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa như mạch nước ngầm ngọt ngào, trong mát chảy trong đời sống văn hóa dân tộc và có sức sống lâu bền trong huyết quản của mỗi con người. Và đây cũng là nơi để con dân đất Việt vừa tự hào, vừa học được những bài học nhân sinh nơi nguồn cội. 

Nguyễn Thế Lượng (Trường THPT Hạ Hòa - Phú Thọ)

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục