“Chất liệu” để phát triển du lịch

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/4/2017 | 6:33:17 AM

YBĐT - Giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống ngày càng lan tỏa rộng khắp, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Các lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng dân tộc rất độc đáo được tổ chức ở những quy mô lớn nhỏ khác nhau tại các địa phương trong tỉnh.

Hát đối đáp giao duyên của người Cao Lan (Yên Bình).
Hát đối đáp giao duyên của người Cao Lan (Yên Bình).

Xác định bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc là “chất liệu” quý để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, các cấp, các ngành đã quan tâm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa bản địa gắn với các hoạt động du lịch và đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Đặc biệt, cộng đồng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc, cùng phát triển du lịch đã mang lại những giá trị kinh tế.

Tính đến tháng 2/2017, tỉnh Yên Bái hiện có 89 di tích lịch sử văn hóa (trong đó có 13 di tích lịch sử quốc gia, 76 di tích cấp tỉnh), 714 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số.

Những năm gần đây, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, cụ thể bằng các đề án, các hoạt động, như Đề án tổng thể “Bảo tồn, khai thác và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010, chiến lược phát triển văn hoá dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đến năm 2020”, tỉnh đã khôi phục 30 di sản văn hóa phi vật thể.

Qua việc khôi phục, bảo tồn các lễ hội truyền thống không chỉ tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân mà còn quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống ngày càng lan tỏa rộng khắp, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Các lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng dân tộc rất độc đáo được tổ chức ở những quy mô lớn nhỏ khác nhau tại các địa phương trong tỉnh.

Trước mỗi hoạt động, công tác quảng bá, tuyên truyền rầm rộ, tạo điều kiện người dân hiểu ý nghĩa của của các lễ hội, các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thu hút du khách tới tham gia.

Bên cạnh đó, những năm qua, Yên Bái đã phục dựng 4 nhà sàn truyền thống của người Tày ở huyện Yên Bình, Lục Yên, nhà truyền thống của người Mông ở Suối Giàng. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng tới việc tôn tạo, bảo tồn các làng, bản cổ dân tộc thiểu số như: Pang Cáng của dân tộc Mông ở Suối Giàng, Viềng Công của dân tộc Thái ở Hạnh Sơn (Văn Chấn); Ngòi Tu, dân tộc Cao Lan, xã Vũ Linh (Yên Bình)... và các làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng như nghề làm giấy gió dân tộc Dao, nghề đan lát, nghề rèn, trạm khắc bạc, nghề xe lanh, dệt vải, thổ cẩm...

Đặc biệt, lễ Cấp sắc của người Dao đỏ xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, Nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ, Nghệ thuật trình diễn dân gian Hạn khuống của người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đang phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu xây dựng Hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật xòe Thái” đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái đóng góp rất lớn trong hoạt động du lịch góp phần rất quan trọng trong việc phát triển du lịch của tỉnh. Với phương châm giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số làm nền tảng để phát triển du lịch, theo đó các mô hình du lịch cộng đồng bước đầu được triển khai có hiệu quả, mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình.

Du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ; Du lịch cộng đồng tại bản Kim Nọi (xã Kim Nọi), huyện Mù Cang Chải; du lịch cộng đồng tại xã Phúc An (huyện Yên Bình), thôn Cầu Có, (xã Đông Cuông, huyện Văn Yên), xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) đã đi vào hoạt động và bước đầu mang lại những kết quả đáng khích lệ, thu hút du khách đến thăm quan, tìm hiểu nền văn hóa bản địa.

Đặc biệt, đã tư vấn các đơn vị lữ hành khi xây dựng các tour, tuyến du lịch đến các điểm du lịch văn hoá. Những nét đặc sắc của văn hoá dân tộc được giới thiệu, quảng bá thông qua món ăn, những làn điệu dân ca, dân vũ, các hoạt động văn hóa đặc sắc... như một phần không thể thiếu của tour.

Điều này tạo nên bản sắc của du lịch Yên Bái và đây cũng là điểm cộng thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Yên Bái tăng đều trong những năm gần đây. Năm 2016, tỉnh Yên Bái đón 490.000 lượt khách (tăng 6,1% so với năm 2015), doanh thu ước đạt 250 tỷ đồng (tăng 9,3% so với năm 2015). Có thể thấy, những năm qua, việc khai thác các giá trị văn hóa điển hình của các dân tộc thiểu số phục vụ du lịch đã và đang đem lại nguồn thu cho các địa phương, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tuy vậy, sự đa dạng của các nghi lễ, tập tục, lễ hội... của đồng bào các dân tộc trên địa bàn dường như chưa được khai thác hết tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch ở địa phương. Do đó, việc định hướng quy hoạch và phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch cần chú trọng sử dụng, khai thác các yếu tố văn hóa bản địa, cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của địa phương tạo môi trường lành mạnh để phát triển du lịch bền vững.

Cùng với đó, cần chọn lọc những giá trị văn hóa đặc sắc để đầu tư hình thành cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa; phát triển sản phẩm du lịch, loại hình du lịch đặc trưng, giàu bản sắc trên cơ sở rà soát các tài nguyên văn hoá nổi trội, phân loại đánh giá các loại hình văn hóa, giá trị văn hóa đặc trưng của từng tộc người gắn với từng vùng miền.

Đồng thời, việc gìn giữ bảo tồn và xây dựng sản phẩm du lịch phải được triển khai song song, để người dân thấy ngay được lợi ích của việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, huy động được sự tự nguyện của cộng đồng chủ nhân văn hóa sẽ tạo ra môi trường văn hóa ổn định.

Thanh Ba

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục