Ba vùng văn hóa đặc sắc của Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/4/2017 | 11:36:20 AM

YBĐT - Phong tục, tập quán đặc trưng từng dân tộc gắn với địa hình tự nhiên của từng vùng miền đã tạo nên ba vùng văn hóa riêng biệt. Mỗi vùng là một mảng màu độc đáo trong bức tranh văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Lễ rước Mẫu sang sông Lễ hội đền Đông Cuông.
Lễ rước Mẫu sang sông Lễ hội đền Đông Cuông.

Mỗi dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều có những phong tục, tập quán đặc trưng gắn với địa hình tự nhiên của từng vùng miền. Chính điều đó đã tạo nên ba vùng văn hóa riêng biệt. Mỗi vùng là một mảng màu độc đáo tạo nên bức tranh văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái sống động, rõ nét.

Đầu tiên phải nói đến vùng văn hóa phía Tây tỉnh Yên Bái, bao gồm các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ. Hàng năm, điểm du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã thu hút hàng nghìn lượt du khách tìm đến thưởng ngoạn.

Ở Mù Cang Chải, bà con người Mông còn mang tới phiên chợ nhiều sản phẩm thủ công, đặc sản của địa phương như: quả sơn tra, mật ong, bánh dày, rượu thóc La Pán Tẩn, thảo quả, dụng cụ canh nông của người Mông, thổ cẩm, nhạc cụ... đáp ứng nhu cầu thưởng thức và mua sắm quà lưu niệm của du khách.

Du lịch ở Nghĩa Lộ điểm nhấn lại là những nét văn hóa truyền thống của người Thái, đặc biệt là xòe Thái. Du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ ở thị xã Nghĩa Lộ. Hiện, toàn thị xã có hơn chục hộ phát triển dịch vụ du lịch homestay với đặc trưng ẩm thực, dân ca, dân vũ vô cùng đặc sắc.

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái còn có những nét văn hóa rất đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương trong tỉnh cũng là tiềm năng để phát triển du lịch.

Đó là vùng văn hóa sông Chảy, gắn với Danh thắng cấp quốc gia hồ Thác Bà (huyện Yên Bình, huyện Lục Yên), bên cạnh vẻ đẹp sơn thủy hữu tình còn có những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan với hát đối Xịnh Ca độc đáo (xã Tân Hương, huyện Yên Bình), dân tộc Dao trắng với các làn điệu dân ca, dân vũ say đắm lòng người, dân tộc Tày với hát đón dâu (quan làng) (xã An Phú, huyện Lục Yên)... cùng với những lễ hội, kiến trúc nhà ở, nghề thủ công truyền thống...

Đặc biệt, vùng này còn là nơi hội tụ các di tích văn hóa - lịch sử của tỉnh Yên Bái, nổi bật là quần thể Di tích khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại (Lục Yên). Đây là nơi còn lưu giữ những giá trị văn hóa thời Trần và giá trị khảo cổ học quý giá.

Để khai thác và phát huy phục vụ trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Yên Bái đã bước đầu quy hoạch bảo tồn, tu bổ và phục hồi các giá trị văn hóa trong quần thể di tích này trong tổng thể khu danh thắng hồ Thác Bà.

Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học nhằm nghiên cứu, tìm tòi và tôn vinh giá trị văn hóa vốn có của nó. Ngoài mục đích gìn giữ những cổ vật quý của quốc gia, bổ sung vào kho tàng văn hóa - lịch sử của dân tộc, còn xây dựng các tài liệu tuyên truyền giới thiệu về vùng đất ngọc Lục Yên để phục vụ khách du lịch đến với nhiều mục đích khác nhau: tham quan thắng cảnh, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu và thưởng thức văn hóa bản địa kết hợp với cơ hội phát triển kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và các sản phẩm chế tác từ đá quý.

Vùng văn hóa sông Hồng (thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, huyện Văn Yên) là nơi tập trung các lễ hội tâm linh tín ngưỡng như: lễ hội đền Đông Cuông, đền Nam Cường, đền Tuần Quán, đền Nhược Sơn, chùa Am... hàng năm được duy trì tổ chức, trở thành những điểm du lịch tâm linh. Lễ hội đền Đông Cuông thờ Mẫu Thượng ngàn là một trong những lễ hội lớn nhất, có ảnh hưởng trong khu vực và cả nước, kéo dài từ ngày Mão đầu tiên của năm mới và duy trì đến Rằm tháng 4 Âm lịch.

Cùng với các lễ hội là nhiều hoạt động, trò chơi dân gian mang đậm truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Vùng văn hóa sông Hồng là nơi hội tụ những lễ hội đền, chùa được tổ chức thường niên nhằm phục vụ tín ngưỡng của người dân địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển loại hình văn hóa du lịch tâm linh.

Khai thác các giá trị văn hóa từ các lễ hội gắn với các hoạt động du lịch là một trong những ưu thế để thu hút khách du lịch. Lễ hội đã tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống làm tăng sự đa dạng và phong phú, tạo cho người dân địa phương biết thêm và có cơ hội thưởng thức các giá trị văn hóa bản địa.

Bên cạnh đó, vùng còn những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày, Mường ở huyện Trấn Yên, dân tộc Xa Phó ở xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, dân tộc Dao với lễ cấp sắc của người Dao đỏ xã Đại Sơn, huyện Văn Yên… cũng là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch.

Minh Tư

Các tin khác
Hát đối đáp giao duyên của người Cao Lan (Yên Bình).

YBĐT - Giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống ngày càng lan tỏa rộng khắp, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Các lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng dân tộc rất độc đáo được tổ chức ở những quy mô lớn nhỏ khác nhau tại các địa phương trong tỉnh.

Đỉnh núi Tà Chì Nhù cao 2.979m, thuộc địa phận xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), là đỉnh núi cao thứ 6 Việt Nam.

YBĐT - Là đỉnh núi cao thứ 6 Việt Nam, được mệnh danh là thiên đường nơi hạ giới, Tà Chì Nhù hấp dẫn khách du lịch đặc biệt là các phượt thủ với phong cảnh kỳ ảo như trong câu chuyện cổ tích, bồng bềnh mây trắng, mênh mông bãi cỏ dài như thảo nguyên bát ngát...

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc trong vườn xuân đất nước” tối 11/2/2017 tại Lào Cai.

Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc do Lào Cai và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc đăng cai tổ chức với các sản phẩm du lịch đặc trưng như: trải nghiệm du lịch cộng đồng Tây Bắc; hành trình khám phá cung đường di sản ruộng bậc thang - Tây Bắc; chợ phiên vùng cao; du lịch tâm linh dọc sông Hồng; khám phá các cung đường hành quân trong chiến dịch Điện Biên lịch sử...

Du khách

YBĐT - Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh thời gian tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch tỉnh Yên Bái - Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc sang ngày 19/5/2017 với những hoạt động chính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục