Hưởng ứng Năm Du lịch Yên Bái 2017 và Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc

Bản Hốc: Điểm đến du lịch cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/5/2017 | 8:05:31 AM

YênBái - YBĐT - Người Thái ở Bản Hốc không chỉ có vốn văn hóa đặc sắc mà còn được thiên nhiên ban tặng cho nguồn nước suối khoáng nóng dồi dào.

Bản Hốc thanh bình.
Bản Hốc thanh bình.

Vài năm trở lại đây, gia đình anh Vi Quang Thuật ở Bản Hốc, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) đã thôi hẳn công việc đồng áng để chuyên tâm phục vụ khách du lịch.  Hàng ngày, tùy lượng khách đến du lịch, nghỉ dưỡng tại bản mà gia đình anh đều đảm nhận hướng dẫn du khách tắm khoáng nóng, sửa soạn nơi ăn, chỗ nghỉ và chuẩn bị những món ăn đặc sắc của dân tộc mình để phục vụ du khách.

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Thái đặc sắc, đầu năm 2017 anh đã xây dựng thêm sàn Hạn khuống và tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá những nét đẹp văn hóa dân tộc mình.

Anh Thuật chia sẻ: “Vì muốn gìn giữ những nét đẹp của văn hóa dân tộc Thái nên mình làm sàn Hạn khuống này để dân bản cùng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thu hút khách du lịch. Mình mong muốn cả bản cùng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng bản làng xanh, sạch, đẹp để ngày càng có nhiều du khách đến thăm quan”.

Nằm bên con suối Nhì thơ mộng và hùng vĩ, thôn Bản Hốc, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) có cảnh quan thiên nhiên giao hòa, xứ sở của những điệu xòe, điệu khắp, điệu then nhẹ nhanh, uyển chuyển. Người Thái ở bản Hốc không chỉ có vốn văn hóa đặc sắc mà còn được thiên nhiên ban tặng cho nguồn nước suối khoáng nóng dồi dào. Đó chính là điều kiện để nhân dân và chính quyền địa phương phát huy lợi thế, tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng.

Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm gần đây các hộ dân ở Bản Hốc đã chú trọng đầu tư, chỉnh trang khuôn viên, nhà cửa và sắm sửa một số vật dụng thiết yếu phục vụ du khách thăm quan và lưu trú tại nhà. Đến nay cả thôn đã có 6 hộ tham gia làm dịch vụ du lịch cộng đồng với mối liên kết chặt chẽ để tạo điều kiện tốt nhất cho du khách đến trải nghiệm.

Đến bản Hốc các hộ dân sẽ giúp du khách khám phá những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, thông qua các món ẩm thực độc đáo của dân tộc và các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ với cư dân nơi đây. Đặc biệt, du khách sẽ được nghỉ ngơi thư giãn, tắm suối khoáng nóng và tận hưởng nét độc đáo trong cuộc sống của đồng bào Thái, cùng nghỉ ngơi trong ngôi nhà sàn rộng rãi với chăn, đệm sạch sẽ, thơm tho do chính đồng bào làm ra.

Anh Sa Văn Hướng - một hộ dân tham gia dịch vụ du lịch tại Bản Hốc chia sẻ: “Gia đình cũng như các hộ làm du lịch trong bản luôn tìm tòi, thể hiện những nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa dân tộc để phục vụ du khách. Thông qua các món ẩm thực của người Thái hay các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ đã có nhiều khách thăm quan lưu trú và trở lại cùng với anh em bạn bè. Gia đình và bà con dân bản sẽ tiếp tục cố gắng xây dựng bản làng văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc và đa dạng hóa các hoạt động du lịch để thu hút ngày càng nhiều du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng”.

Với mục tiêu xây dựng thôn Bản Hốc thành khu du lịch cộng đồng làng Thái cổ, những năm qua xã Sơn Thịnh đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến 2.000m2 đất, cây cối làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời kêu gọi các nguồn đầu tư bê tông hóa 1.500m đường liên thôn, nội thôn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương vận động nhân dân làm nhà sàn truyền thống giữ nét văn hóa của dân tộc Thái, thường xuyên quét dọn nhà cửa sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng khuôn viên xanh, sạch, đẹp.

Trong đó, phải chú trọng việc giao tiếp, ứng xử có văn hóa thì du lịch cộng đồng mới phát triển đúng hướng và bền vững. Với quan điểm nhất quán là phát triển du lịch gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa và bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường xã Sơn Thịnh đã triển khai nhiều hoạt động tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân và nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả của du lịch, tạo thế cho du lịch phát triển bền vững.

Hiện địa phương đã và đang tích cực bổ sung, rà soát quy hoạch thôn Bản Hốc để phát triển du lịch, tập trung vào khai thác du lịch cộng đồng, tắm suối khoáng nóng và tăng cường công tác quảng bá du lịch nhằm kêu gọi vốn đầu tư để sớm hình thành khu du lịch cộng đồng làng Thái cổ.

Ông Lê Gia Thuần - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh - Văn Chấn cho biết: “Với chủ trương xây dựng Bản Hốc thành làng du lịch Thái cổ cùng với việc vận động nhân dân giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường xã đã kêu gọi các nguồn đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch. Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ du lịch thăm quan của du khách vẫn còn hạn chế, cấp ủy, chính quyền địa phương rất mong muốn các tổ chức, cá nhân đến đầu tư để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn, đáng nhớ của du khách trên hành trình du lịch Tây Bắc”.

Trần Van - Phan Tuấn (Đài TT - TH Văn Chấn)

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục