Hưởng ứng Năm Du lịch Yên Bái 2017 và Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai – Tây Bắc

Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/5/2017 | 1:55:06 PM

YBĐT - Du lịch cộng đồng tại khu vực Đông hồ Thác Bà huyện Yên Bình đang là một trong những tour thu hút du khách tham gia, mang lại thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa của các dân tộc và giữ gìn cảnh quan tự nhiên của vùng...

Du khách nước ngoài thích thú với phong cảnh thiên nhiên và con người ở mảnh đất Vũ Linh.
Du khách nước ngoài thích thú với phong cảnh thiên nhiên và con người ở mảnh đất Vũ Linh.

Đánh thức tiềm năng

Bầu trời trong xanh những ngày tháng 5 thật thuận tiện cho những chuyến du lịch. Một không gian tĩnh lặng dưới mái hiên nhà sàn được dựng lên giữa những vòm đồi xanh ngắt của keo, bạch đàn mọc sát bên mặt nước ngắt xanh của hồ Thác Bà. Những du khách nước ngoài ở Khu Du lịch sinh thái Lavie Vũ Linh (thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh) mải miết dõi theo người dân chèo thuyền, buông lưới, dồn dập mái chèo, “cành cạch” tiếng thanh tre gõ mạn thuyền lùa cá vào lưới… Đó có lẽ là hình ảnh mà họ chưa bao giờ bắt gặp ở trời Tây hay tại những nơi đô thị của Việt Nam. Những vị khách đang thật sự tĩnh lặng, chăm chú hình ảnh độc đáo mà rất đỗi bình dị này.

Trong hành trình lần đầu tiên đến với Khu Du lịch Lavie Vũ Linh của mình, anh Nicolas (du khách Pháp) sau những cuộc tản bộ quanh khu du lịch và làng văn hóa Ngòi Tu, lênh đênh trên hồ Thác Bà rồi chứng kiến những sinh hoạt thường ngày của người dân đã thực sự cảm thấy thỏa mãn.

Anh cho biết: “Đây thực sự là vùng đất đẹp, không khí trong lành, người dân rất thân thiện. Tôi rất thích cách những người dân nơi đây bắt cá. Khi về, tôi sẽ kể cho bạn bè để họ hiểu thêm về mảnh đất này”.

Cũng im lặng, chăm chú dõi theo ngư dân đánh bắt cá như Nicolas, bạn Nông Thị Liên - hướng dẫn viên du lịch Công ty Free Wheelin Tour lại cảm thấy xúc động. “Đó là những hình ảnh quen thuộc, nó giúp tôi nhớ lại hình ảnh của quê hương mình” - Liên chia sẻ.

Có lẽ, một cuộc sống đơn giản bên mái nhà sàn, không khí yên bình tạm rời xa những ánh đèn phố thị, những tiến bộ công nghệ để hòa mình vào cuộc sống bình dị, giản đơn nhưng không kém phần độc đáo của nét văn hóa của người Dao, Ngòi Tu đã thực sự đưa du khách đến những cảm xúc đặc biệt, sâu lắng ẩn chứa trong tâm hồn.

5 năm trước đây, ông Fredo Bình – Giám đốc Công ty TNHH Lavie Vũ Linh từng chia sẻ, việc phát triển du lịch của Công ty luôn tập trung vào 3 lĩnh vực: “Giáo dục - Môi trường - Sinh thái”, tất cả hoạt động du lịch đều gắn với tự nhiên nên sẽ hạn chế tối đa những kết cấu hạ tầng có thể ảnh hưởng lớn đến cảnh quan khu du lịch.

Cùng với đó, Công ty nắm bắt nhu cầu của du khách nước ngoài rất thích nét đặc sắc văn hóa người Dao, thích đạp xe, tản bộ, chèo thuyền quanh Ngòi Tu; họ cũng rất thích cùng tham gia vào các hoạt động trồng cây, đánh bắt, sinh sống giống như người dân bản địa… Đến bây giờ, Lavie Vũ Linh dường như không thay đổi mấy so với 5 năm trước, chỉ xuất hiện thêm vườn cây ăn quả rộng 1 ha quanh khu nhà nghỉ dưỡng với những loại cây: xoài, nhãn, ổi, bưởi, cam đang đến kỳ cho quả.

Vẫn kiên trì với mục tiêu làm du lịch của mình, chị Trần Thu Hằng - Trưởng đại diện Dự án tại Yên Bái của Công ty TNHH Lavie Vũ Linh cho biết: “Cùng với sự hình thành và phát triển của Lavie Vũ Linh, nhiều lao động là con em dân tộc Dao tại Ngòi Tu và các thôn lân cận đã được Công ty tạo công ăn việc làm, đào tạo kỹ năng làm du lịch cộng đồng, từ đó góp phần tạo công ăn việc làm, cho thu nhập ổn định, đời sống nâng lên rõ rệt. Hiện nay, Công ty đã hoàn chỉnh 2 khu nhà sàn với nhiều cấp độ phòng phục vụ du khách. Ngoài ra, còn có 7 hộ gia đình địa phương được Công ty hỗ trợ đào tạo tham gia làm du lịch cộng đồng. Mỗi năm, Ngòi Tu đã đón tiếp hàng nghìn đoàn khách chủ yếu từ các nước: Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển, Úc. Riêng với Lavie Vũ Linh trong 4 tháng đầu năm 2017 đã tiếp đón 500 lượt du khách, Công ty vẫn sẽ làm du lịch gắn liền mục tiêu “Giáo dục - Môi trường - Sinh thái”.

Đặc biệt, Công ty đã tiếp đón các tour du lịch gắn với giáo dục cho trẻ em học tập ngoại ngữ kết hợp hoạt động trải nghiệm thực tế đã tạo môi trường thuận lợi và ấn tượng tốt với các bậc phụ huynh và con em là du khách trong nước, trong tỉnh”.

Người Đông hồ làm du lịch

Anh Joe Long - du khách đến từ Anh quốc cùng đoàn du lịch “phượt” đã quyết định chọn mô hình du lịch cộng đồng của gia đình ông Hoàng Văn Bội ở thôn Ngòi Tu làm một trong 4 địa điểm dừng chân trong hành trình khám phá Việt Nam. Anh nói: “Điều kiện lưu trú ở đây khá tốt, mọi hoạt động diễn ra thật bình yên bên trong những ngôi nhà sàn bằng gỗ thật ấm áp. Tôi rất thích khám phá văn hóa người Dao ở Ngòi Tu”.

Nói đến du lịch cộng đồng tại thôn Ngòi Tu và thôn Đồng Tý, xã Phúc An, ai cũng biết gia đình anh em họ Tướng là điển hình trong phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Gia đình các anh: Tướng Văn Bội, Tướng Văn Thương, Tướng Văn Thành đều là những người từng có nhiều năm tham gia làm việc tại Khu Du lịch Lavie Vũ Linh nên sau khi gây dựng mô hình du lịch cộng đồng đều có nhiều kinh nghiệm và liên kết chặt chẽ với Khu Du lịch.

Anh Tướng Văn Bội ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh chia sẻ: “Từ khi cùng phối hợp với Công ty TNHH Lavie Vũ Linh tôi đã có thêm nhiều hiểu biết về nhu cầu, sở thích của những du khách thích khám phá vùng miền. Từ năm 2000 đến nay, công việc được triển khai khá thuận lợi và các du khách đều hài lòng về thái độ phục vụ của gia đình”.

Anh Tướng Văn Thành là một trong những hộ gia đình làm du lịch cộng đồng hiệu quả tại thôn Đồng Tý, xã Phúc An, bắt đầu làm du lịch từ năm 2004 với 2 nhà sàn bằng gỗ có thể lưu trú từ 40 - 50 du khách. Với chi phí ăn uống, ngủ nghỉ một khách là 200 nghìn đồng/ngày nên gia đình dần trở thành nơi dừng chân của nhiều du khách. Trung bình hàng năm, gia đình tiếp đón 600 - 700 du khách, cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Thành cho biết: “Lượng khách đông dần lên hàng năm nên tôi luôn ưu tiên đầu tư làm đẹp nhà sàn, xây mới nhà ăn, một số phòng nghỉ và công trình vệ sinh để thuận tiện việc phục vụ khách”.

Chính quyền vào cuộc

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, huyện Yên Bình thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch “Yên Bình - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”, phát triển du lịch bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường theo hướng du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch.

Theo ông Lương Thanh Hùng - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Yên Bình, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân hiểu và nắm chắc tầm quan trọng của việc phát triển du lịch trên địa bàn là tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân; tiếp tục quán triệt và chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt các nghị quyết phát triển du lịch của Trung ương, của tỉnh và của huyện.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch; lồng ghép các chương trình dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; đồng thời, phục dựng lại các lễ hội, làng nghề truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ; chủ động tuyên truyền quảng bá hình ảnh quê hương và con người Yên Bái gắn với tiềm năng, thế mạnh vùng hồ Thác Bà trong phát triển du lịch, trong đó tập trung vào phát triển du lịch sinh thái - du lịch thể thao, giải trí trên hồ và du lịch văn hóa, tâm linh...

Ông Nguyễn Công Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc An:

Để xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, địa phương đã tổ chức cho các hộ dân trong xã đi học tập kinh nghiệm làm du lịch homestay ở các địa phương khác như: Nghĩa Lộ, Sơn La, Hòa Bình.

Đến nay, xã đã có 3 mô hình du lịch cộng đồng, mỗi năm thu hút hàng trăm du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Để tiếp tục thu hút khách du lịch đến địa phương, chúng tôi tiếp tục nhân rộng các mô hình homestay đến 9/9 thôn trong toàn xã với nhiều hoạt động: thành lập đội văn nghệ; tổ chức các lễ hội truyền thống giới thiệu bản sắc văn hóa và xây dựng làng nghề đan rọ tôm để du khách tham quan, trải nghiệm.

Anh Matt Apert - du khách Mỹ:

Có 2 tuần ở Việt Nam, tôi lựa chọn một trong những điểm du lịch trong chuyến hành trình lần này là Vũ Linh.

Đến đây, tôi được đi tham quan bản làng, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo, thưởng thức các tiết mục dân ca của bà con rồi trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị khác như đi thuyền tham quan hồ Thác Bà, thưởng thức các món ăn đặc trưng.

Đặc biệt, khung cảnh rất nên thơ và con người hiếu khách. Nơi này thực sự cuốn hút tôi! 

Hoài Văn - Thanh Chi

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục