Hưởng ứng Năm Du lịch Yên Bái 2017 và Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai – Tây Bắc

Một lần đến thăm, mong ngày trở lại

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/5/2017 | 10:52:45 AM

YBĐT - Trong hành trình du ngoạn khám phá, có những vùng đất dù đến lần đầu đã luôn cảm thấy ngỡ ngàng và ấn tượng. Và cũng có những miền quê, từng một lần ghé thăm mà thân thương trong nỗi nhớ, chỉ mong sao có ngày trở lại… Miền đất luôn mang đến sự ngỡ ngàng và để lại nhớ thương cho những ai có dịp đặt chân tới ấy chính là miền Tây Yên Bái…

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ. 
(Ảnh: Thanh Miền)
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ. (Ảnh: Thanh Miền)

Điểm dừng chân đầu tiên khi lên với miền Tây là huyện cửa ngõ Văn Chấn. Cách thành phố Yên Bái chỉ hơn bảy chục cây số và nằm ở sườn Đông Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn, Văn Chấn có địa hình đa dạng, nhiều rừng núi, hang động, suối khe và thung lũng bằng phẳng tạo nên phong cảnh kỳ thú cùng những địa danh nổi tiếng.

Cánh đồng Mường Lò là vựa lúa lớn của tỉnh, nơi được coi là đất tổ của người Thái ở Tây Bắc, gắn với nhiều giai thoại đẹp. Từ trung tâm huyện Văn Chấn vượt 12 km đường đèo lên với Suối Giàng ở độ cao gần 1.400 m. Khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ, Suối Giàng là nơi đồng bào Mông sinh sống với những sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo và lễ hội mùa xuân được duy trì tổ chức hàng năm. Vùng sinh thái Suối Giàng còn là địa danh nổi tiếng bởi thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, mọc trên núi cao, đậm đà hương vị tự nhiên.

Phía bên trong đèo Ách, nơi có khí hậu khô ráo và thổ nhưỡng thích hợp, từ lâu đã làm nên vùng nhãn hàng ngàn héc-ta gắn với nghề làm long nhãn và nuôi ong mật. Vùng ngoài huyện Văn Chấn, có đèo Lũng Lô đã đi vào huyền thoại trong chiến dịch Điên Biên Phủ và dãy núi Đá Xô nơi còn ghi dấu chiến công của đội du kích trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Chân đèo Lũng Lô là những nông trường, những làng quê trù phú.

Thị trấn Nông trường Trần Phú và các xã Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Minh An… ngày càng xuất hiện thêm nhiều triệu phú đi lên từ nghề trồng cam. Cam vùng ngoài Văn Chấn luôn được ưa chuộng bởi vị ngọt thanh, trái đẹp. 

Ngược đường miền Tây, theo quốc lộ 32 qua Gia Hội, Nậm Búng là tới Tú Lệ - một thung lũng xinh đẹp phía thượng huyện, nơi cư trú lâu đời của người Thái. Từ lâu, Tú Lệ đã được biết tới với những hạt nếp Tan dẻo thơm nức tiếng đồn. Dừng chân ở Tú Lệ vào mùa nếp mới cuối thu, thưởng thức hương vị nếp Tan và sóng sánh ánh mắt sơn nữ trong chén rượu vùng cao khiến lòng ta bâng khuâng xao động bởi tình người nồng hậu quyện hòa giữa cảnh sắc núi non cẩm tú miền Tây.

Điểm dừng chân tiếp theo là thị xã Nghĩa Lộ - còn thân thương với tên gọi “thị xã miền Tây”, nơi sinh tụ của 12 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Tày, Mường… Nằm ở trung tâm lòng chảo Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ mang dáng vẻ độc đáo của một đô thị miền núi vừa hiện đại lại cũng vừa rất xa xưa. “Đêm Mường Lò, trăng đang lên dần. Vào đây anh, tay cầm tay múa xòe cùng em”.

Đến với “đất nghĩa - đất tình này”, du khách sẽ được thưởng thức những sản vật địa phương như: gà ri cơm nương; xôi ngũ sắc; pa pỉnh tộp (cá chép suối Thia, quyện thơm hương vị mắc khén, tỏi, ớt, rau húng, lá mùi và rau phắc nam...  nướng trên than lửa); món pa mốc (có nghĩa là cá xỉnh vùi tro); cay hin pho (rêu đá tẩm gia vị, gói lá dong, vùi than lửa ); thịt trâu sấy khô lùi trong tro nóng; nộm rau ban; nộm rau dớn rừng… cùng những chén rượu sóng sánh lời mời trong ánh mắt xinh đẹp của các noọng sao, giỏi giang công việc ruộng đồng, khéo tay se lanh dệt vải và cũng lại vô cùng thân thiện và duyên dáng trong từng câu khắp, điệu múa của dân tộc mình.  

Trong hành trình du lịch Nghĩa Lộ - Mường Lò, du khách có dịp trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cùng những phong tục tập quán của người dân xứ sở hoa ban qua hình thức homestay và thưởng lãm cảnh sắc nên thơ của Mường Lò - một trong “tứ quý” của vùng Tây Bắc: “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc..” bằng nhiều hình thức như dạo bộ hay đạp xe trong mênh mang màu xanh của hương đồng gió núi.

Dừng chân ở Mường Lò trong những chiều hè lao xao gió núi, ta không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh các noọng sao đẹp tựa nàng Ban trong cổ tích, hồn nhiên dỡn đùa giữa làn nước trong mát, làm nên hình ảnh vùng cao thơ mộng khiến lòng người thao thức - dù chỉ đặt chân đến một lần, còn lưu luyến mãi dòng Thia.

Nghĩa Lộ - thị xã miền Tây còn là nơi có nhiều di tích lịch sử và các công trình văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống. Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - một công trình văn hóa đẹp và tôn nghiêm giữa lòng thị xã. Tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ là di tích lịch sử ghi dấu chiến công anh hùng của quân và dân ta với tinh thần quyết tâm “Quân với dân một lòng…” giải phóng Nghĩa Lộ ngày 18/10/1952.

Đến với thị xã Nghĩa Lộ, du khách còn có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp phong sương của ba cây đa tía, trên 300 tuổi ở phường Trung Tâm, từng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng chứng nhận Cây đa di sản năm 2014.

Chia tay Nghĩa Lộ - Mường Lò, theo con đường độc đạo khoảng 30 cây số, hướng Tây - Nam, ngược dòng Nậm Tung bắt nguồn từ đỉnh Tà Xùa cao trên 2.800 m, quanh năm mây trắng vờn bay - đẹp như tiên cảnh là tới huyện Trạm Tấu. Cùng với Tà Xùa, vùng đất này còn có đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.985 m và đỉnh Phình Hồ cao 1.600 m, nổi tiếng với thương hiệu chè cổ thụ Phình Hồ, chắt lọc sương trời, khí núi làm nên hương vị đậm đà tinh khiết, thưởng thức một lần mà nhớ mãi dư vị vùng cao. Nậm Tung như một dòng suối bạc, bốn mùa reo chảy giữa lòng thị trấn. Nậm Tung còn là dòng huyền thoại về mối tình thủy chung và bi ai của đôi trai gái miền sơn cước.

Đến bây giờ, người Mông ở Trạm Tấu vẫn thường kể cho nhau nghe. Lên với Trạm Tấu, du khách có dịp thưởng lãm cảnh sắc hoang sơ và trong lành của thác Háng Đề Chơ thuộc địa phận xã Làng Nhì bốn mùa dào dạt như câu hát Gậu plềnh miên man và da diết. Trạm Tấu cũng có nhiều nguồn suối khoáng trong lành và có độ nóng vừa phải, sẽ giúp cho du khách những phút giây thư thái, trở về với thiên nhiên sau hành trình du ngoạn, khám phá cuộc sống con người cùng những bí ẩn của ngàn xanh...

Trong hành trình du lịch miền Tây Yên Bái, du khách sẽ có dịp trải nghiệm cảm giác đi trong bồng bềnh mây núi, vượt đèo Khau Phạ lên với cao nguyên Mù Cang Chải - xứ sở của ruộng bậc thang cùng những lễ hội rực rỡ sắc màu văn hóa trên triền núi cao.

Đèo Khau Phạ là một điểm tham quan lý tưởng để khám phá và trải nghiệm đối với du khách khi đến với mảnh đất ngang trời này. Với chiều dài hơn 20 km vắt ngang các sườn núi, Khau Phạ là một trong “Tứ đại danh đèo” ở phía Bắc Việt Nam. Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín - độ tháng 9, tháng 10 khi lúa trên những chân ruộng bậc thang óng vàng như mật.

Đến với “mảnh đất ngang trời này” vào dịp này, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác “bay trên mùa vàng” từ đỉnh đèo Khau Phạ, thưởng ngoạn phong cảnh nên thơ - hùng vĩ của núi ngàn và thung lũng đẹp như huyền thoại trên những cánh dù lượn. Nằm ở độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển nên đèo Khau Phạ có thời tiết mát mẻ quanh năm như Đà Lạt với sự xuất hiện của thời tiết bốn mùa trong ngày. Khau Phạ thường thấp thoáng trong sương núi. Có những ngày xuất hiện lũng mây bồng bềnh đẹp tựa biển mây ở Sa Pa.

Xuôi xuống phía Tây đèo Khau Phạ là gặp ngã ba Kim - phố núi vùng cao. Từ ngã ba Kim, vượt những cung đường uốn lượn men theo bạt ngàn rừng thông mã vĩ hơn 10 km nữa là lạc vào mê cung của Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang - một kỳ tích của đôi tay và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo mà các thế hệ người Mông nơi đây đã tạo nên tuyệt tác.

Với trên 3.500 ha, trải dài từ La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình tới thị trấn huyện lỵ, ruộng bậc thang ở nơi này tựa những đợt sóng vàng tràng giang và vô tận, khiến lòng người mê mải, đắm say, đi giữa mùa vàng Mù Cang Chải mà cứ ngỡ trong mơ.

Cùng với thưởng lãm vẻ đẹp mê hồn của sóng vàng ruộng bậc thang, du khách còn có thể chinh phục đỉnh Púng Luông huyền bí cao trên 2.900 m, thăm bãi đá cổ ở xã Lao Chải với những thông điệp mà người xưa gửi gắm vào từng đường nét, hình thù bí ẩn trên đá núi; thăm rừng nguyên sinh Chế Tạo - một trong những khu bảo tồn sinh cảnh thiên nhiên quý giá của Việt Nam.

Đến với Mù Cang Chải, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ thơ mộng và hùng vĩ của dòng Thác Mơ với 3 tầng thác đổ, nước tuôn dào dạt giữa cảnh sắc núi non hoang sơ và xanh thẳm. Thác Mơ nằm giữa hai đỉnh núi Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ Dề cách trung tâm huyện lỵ chưa đầy 30 phút đi bộ.

Từ Văn Chấn – nơi cửa ngõ miền Tây, xứ sở của chè tuyết cổ thụ Suối Giàng đậm đà hương vị tự nhiên vào với Nghĩa Lộ - đi trong mênh mang sóng lúa Mường Lò, tan chảy cùng cảm xúc đắm say giữa vòng xòe bất tận để rồi bịn rịn chia tay, ngược dòng Nậm Tung huyền thoại đến với xứ sở ngàn thông Trạm Tấu, vờn mây giỡn gió trên đỉnh Tà Xùa.

Lại càng thêm khát khao khám phá, vượt qua Khau Phạ - nơi gặp gỡ của đất trời lên với Mù Cang Chải, để trải nghiệm cảm giác siêu thoát và bay bổng trên mùa vàng, đắm chìm giữa cảnh sắc núi non hùng vĩ và ngỡ ngàng trước sắc màu lung linh của sóng ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ giữa điệp trùng mây núi Hoàng Liên…

Tất cả sẽ đồng hành cùng cảm xúc du ngoạn, khám phá và để lại những ấn tượng khó phai mờ trong hành trang du lịch lên với miền Tây Yên Bái - nơi hội tụ của cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú hòa cùng những sắc màu văn hóa độc đáo và sự thân thiện, mến khách của tình người miền Tây - vùng đất một lần đến thăm luôn mong ngày trở lại.

Thanh Tửu

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục