Cất cánh từ Khau Phạ

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/5/2017 | 7:49:41 AM

YBĐT - Những cung đường đèo quanh co giữa những triền ruộng bậc thang, trong trập trùng mây trắng, được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc, ấy là đèo Khau Phạ.

Vận động viên tham gia trình diễn bay dù lượn.
Vận động viên tham gia trình diễn bay dù lượn.

Từ thành phố Yên Bái, chạy xe chừng 5 giờ đồng hồ, qua xã Tú Lệ (Văn Chấn), đèo Khau Phạ hiện ra giữa trập trùng mây trắng. Những cung đường đèo quanh co giữa những triền ruộng bậc thang luôn thu hút các “phượt thủ” bấy lâu nay.

Được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc, là một trong những con đèo dài nhất, cao trên 1.200 m so với mực nước biển, đèo Khau Phạ với điều kiện tự nhiên về địa hình, của gió từ thung lũng thổi ngược và màu sắc của mùa lúa chín vàng đã trở thành điểm hấp dẫn của môn thể thao dù lượn. Điểm nhảy dù này còn được nhiều vận động viên trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những điểm nhảy dù lượn đẹp nhất thế giới.

Anh Hoàng Mộng Long - Chủ tịch kiêm Huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ Vietwings Hà Nội chia sẻ: “Từ năm 2012 đến nay, huyện Mù Cang Chải phối hợp với chúng tôi tổ chức nhảy dù lượn tại đèo Khau Phạ. Trong khuôn khổ Festival lần này, các phi công tổ chức trình diễn bay dù lượn, hướng dẫn du khách tham gia hoạt động dù bay. Đặc biệt, nét mới năm 2017, câu lạc bộ có 97 phi công sẽ tham gia, phục vụ du khách muốn tham gia bay đôi. Đợt 1, từ 13 - 14/5, đã có hàng trăm lượt khách đăng ký nhưng chúng tôi chọn khoảng 100 người để bay đôi, phải thỏa mãn hai điều kiện: là những người có tài khoản mạng xã hội có trên 1.000 bạn bè, đồng thời, phải mua bảo hiểm thể thao mạo hiểm. Đợt 1 vừa qua, đã tổ chức 100 lượt bay với mức giá 490.000 đồng/lượt. Đợt 2 sẽ tổ chức bay vào ngày 20 - 21/5”.

Ngoài hoạt động dù lượn để thỏa sức đam mê môn thể thao mạo hiểm, khám phá vẻ đẹp của ruộng bậc thang từ không trung, tại đỉnh đèo Khau Phạ còn diễn ra nhiều hoạt động như: biểu diễn khèn Mông do các nghệ nhân trên địa bàn thực hiện; trưng bày, giới thiệu sản phẩm khèn Mông; các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc… thu hút đông đảo bà con và du khách tham gia.

Du khách Anthony đến từ Vương quốc Anh phấn khởi chia sẻ: “Tôi đã đến đất nước Việt Nam của các bạn mấy lần và hầu hết đã tham quan những địa điểm du lịch của đất nước xinh đẹp này. Nhưng đối với tôi, cảm xúc khi đặt chân lên Mù Cang Chải thật lạ, rất ấn tượng với những thửa ruộng bậc thang vàng óng, trải dài, trùng trùng lớp lớp lên nhau. Đặc biệt, là Festival dù lượn. Được bay trên thung lũng là điều thật tuyệt vời. Cảm ơn những con người mến khách nơi đây!”.

Anh Trần Văn Đạt ở Cà Mau khi đến Mù Cang Chải đã cảm nhận: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Mù Cang Chải, phong cảnh đúng là tuyệt tác của tạo hóa.  Gia đình tôi cố gắng mỗi năm đến đây một lần để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ và kỳ bí của mảnh đất thân thương này”. 

Để tổ chức tốt các điều kiện cho việc bay dù lượn, huyện Mù Cang Chải đã đầu tư xây dựng các hang mục: chòi xem cho khách, điểm tập kết cho phi công và địa điểm dừng đỗ xe, địa điểm phục vụ ẩm thực của người Mông. Đây là điểm nhấn trong các hoạt động của du lịch khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Riêng Festival dù lượn Khau Phạ hưởng ứng Lễ khai mạc Năm Du lịch Yên Bái 2017 có nhiều hoạt động diễn ra tại đỉnh đèo. Chúng tôi xác định, tổ chức các sự kiện bảo đảm đúng quy mô, ấn tượng nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và nét độc đáo của thiên nhiên, con người Mù Cang Chải. Mặt khác, tạo điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước hưởng ứng các hoạt động du lịch tại Mù Cang Chải nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. Thông qua đây, tôn vinh vẻ đẹp của Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, phát huy giá trị của vẻ đẹp tự nhiên, quá trình lao động của người dân trong nhiều thế kỷ qua. Cùng với đó, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư cho du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đáp ứng nhu cầu khách tham quan, khám phá và trải nghiệm”.

Trần Minh

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục