Sức hút từ du lịch cộng đồng ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/5/2017 | 10:39:27 AM

YBĐT - Yên Bái là vùng đất đa sắc màu với nhiều dân tộc anh em, mỗi nơi, mỗi vùng miền lại mang những nét độc đáo riêng biệt. Chính điều này đã tạo nên sức hút kỳ lạ với du khách khi đến với Yên Bái, nhất là loại hình du lịch cộng đồng (homestay).

Đoàn du khách quốc tế tại mô hình du lịch cộng đồng của chị Hoàng Thị Loan.
Đoàn du khách quốc tế tại mô hình du lịch cộng đồng của chị Hoàng Thị Loan.

Để hiểu rõ hơn về du lịch homestay, chúng tôi tìm về gia đình chị Hoàng Thị Loan, một người đang làm du lịch cộng đồng tại bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ. Ngôi nhà sàn của gia đình chị nổi bật giữa cánh đồng lúa đang chín vàng với đầy đủ tiện nghi về ăn, nghỉ dành cho khách du lịch. Tại đây, chúng tôi gặp 2 đoàn du lịch đang dừng chân, tham quan những danh thắng ở thị xã Nghĩa Lộ.

Qua lời phiên dịch, bà Gisele Anthime, quốc tịch Pháp cho biết: “Tôi sinh ra tại Hải Phòng rồi về định cư tại Pháp. Sau 62 năm mới quay lại Việt Nam, dù lần đầu đến đây, nhưng cảm giác rất gần gũi như nơi tôi sinh ra. Mọi thứ từ cảnh vật, cây cối đến ruộng lúa đều rất đẹp. Trong chuyến đi này, tôi dự định sẽ tìm hiểu sâu hơn về đời sống, văn hóa của người dân nơi đây, do vậy, tôi đã lựa chọn loại hình du lịch homestay”.

Đã từng đi nhiều nơi trên mảnh đất Việt Nam, nhưng anh Philip, quốc tịch Pháp vẫn ấn tượng với đất và người ở cánh đồng Mường Lò.

Anh cho biết: “Chúng tôi vừa đi ngắm ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải về. Đây là lần thứ 2 tôi đến Mường Lò. Khí hậu, thiên nhiên nơi đây thật trong lành, yên ả; người dân địa phương cũng rất thân tình, cởi mở. Ngày mai, tôi sẽ dẫn cả đoàn đi tham quan Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Căng và Đồn - Nghĩa Lộ, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cả đoàn sẽ tham gia gặt lúa để hiểu hơn về sản xuất nông nghiệp của nhân dân nơi đây”.

Theo chị Hoàng Thị Loan, bình quân 1 tháng có khoảng 100 lượt khách đến ăn, nghỉ, tham quan tại đây. Đa phần họ là người nước ngoài đến đây với mục đích được tìm hiểu những tập quán, thăm thú cảnh quan thiên nhiên và con người bản địa.

Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ có trên 20 hộ dân đã và đang làm du lịch với hình thức du lịch homestay, tập trung tại bản Đêu, xã Nghĩa An và bản Chao Hạ, Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi. Ngoài ra, nhằm phát triển du lịch cộng đồng và thu hút du khách, thị xã cũng đã thành lập các đội văn nghệ, tổ ẩm thực và phát triển các nghề thủ công truyền thống, bảo tồn nét đẹp văn hóa lâu đời.

Trước sức hút, lợi thế của du lịch cộng đồng, nhiều hộ gia đình, địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đã, đang triển khai, phát triển loại hình du lịch này. Ông Lương Văn Sanh ở tổ dân phố 10, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, một trong những người đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở đây cho biết: “Du khách đến với du lịch cộng đồng chủ yếu muốn trải nghiệm cuộc sống, nét sinh hoạt, ẩm thực, tập quán của nhân dân địa phương. Họ tỏ ra rất thích thú, tò mò khi thấy hình ảnh con trâu cày ruộng, con lợn đeo gông…”.

Theo thống kê, hiện nay, thị trấn Mù Cang Chải, hiện nay có khoảng 15 hộ đang làm du lịch cộng đồng và số lượng này chắc chắn còn tăng lên trong thời gian tới. Ngoài ra, hình thức du lịch homestay tại các địa phương như huyện Yên Bình, Văn Yên đã và đang tạo sức hút, trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Anh Daniel, du khách đến từ Đức cho biết: “Chúng tôi lựa chọn du lịch homestay là vì được trải nghiệm về cuộc sống, được cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc của người dân bản địa”.

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần thu hút khách du lịch, đặc biệt là tạo việc làm tại chỗ, thu nhập cho nhân dân. Điều đáng mừng trong phát triển du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải và một số địa phương khác thời gian vừa qua là các hộ gia đình chủ động liên kết với các công ty du lịch để được hỗ trợ về kiến thức, thiết kế nhà sàn, cách giao tiếp, ẩm thực của người khách nước ngoài...

Điển hình như Công ty cổ phần Thân thiện Hà Nội liên kết trong kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng với gia đình bà Hoàng Thị Phượng, xã Nghĩa An. Theo đó, Công ty hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng để gia đình cung cấp những dịch vụ du lịch chất lượng tốt nhất. Công ty Á châu Hà Nội (Alirika) liên kết với gia đình ông Lò Văn Bình (bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi)...

Tiềm năng, lợi thế và sức hút từ du lịch cộng đồng homestay đối với du khách, nhất là những du khách ngoại quốc đã và đang tạo lợi thế cho du lịch Yên Bái. Đây vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với ngành du lịch Yên Bái. Chính vì vậy, việc phát triển đồng bộ, bài bản, có quy hoạch trong du lịch cộng đồng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để đưa du khách đến với Yên Bái ngày một nhiều hơn.

Hùng Cường

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục