Đưa sen vào làm du lịch
- Cập nhật: Thứ tư, 21/6/2017 | 8:03:26 AM
YBĐT - Hai năm trở lại đây, nhận thấy thú chơi sen, ngắm sen nở rộ trong địa bàn tỉnh, anh Nguyễn Hữu Bắc ở thôn 2, xã Vân Hội (Trấn Yên) đã nhân rộng diện tích trồng sen của gia đình lên đến 3 ha để đưa sen vào làm du lịch.
Một thoáng đầm sen Vân Hội.
|
Năm 2016, là năm đầu tiên thực hiện, có những ngày anh Bắc đón gần 100 lượt khách đến tham quan đầm sen với giá 40.000 đồng/người, đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình.
Hơn chục năm trước, trong chuyến đi thăm một người bạn ở tỉnh Phú Thọ, được tận mắt chứng kiến mô hình canh tác tổng hợp trên mặt nước gồm trồng sen và nuôi cá của một vài hộ dân ở huyện Hạ Hòa đã cho thu nhập cao và ổn định. Sau đó, anh Bắc đã năng động chuyển đổi từ nuôi cá lồng không mấy hiệu quả sang trồng sen. Với vốn ban đầu chỉ cần 600.000 đồng, anh mua được 700 gốc sen giống.
Anh Bắc cho biết: “Trước đây, gia đình nuôi cá hay bị dịch bệnh, hoặc có khi còn thua lỗ. Còn sen thì dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, khả năng chống chọi sâu bệnh cao. Trồng sen cũng chỉ mất chi phí đầu tư cho lần xuống giống đầu tiên, còn những năm sau thì chỉ chăm sóc và thu hoạch. Đầu ra cho sản phẩm cũng không phải lo lắng vì các thương lái đến tận nhà thu mua”.
Lúc ấy, cứ 3 - 5 ngày, anh hái một lứa, mỗi lứa hái khoảng 20 kg bát sen với giá dao động từ 10.000 đến 40.000 đồng/kg. Anh còn hái cả lá sen, hoa sen để bán cho thương lái. Tất cả các bộ phận của sen đều cho hiệu quả kinh tế cao như lá sen khô có giá bán khoảng 10.000 đồng/kg, hoa thì từ 1.000 đến 3.000 đồng/bông. Vì sen không tốn công chăm sóc và chỉ cho thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, nên thời gian rảnh anh Bắc nuôi thêm 2 con trâu, vài trăm con gà, 1 lồng cá và trồng 3 ha rừng. Hàng năm, tổng thu nhập của gia đình anh lên đến trên 100 triệu đồng.
Hai năm trở lại đây, nhận thấy thú chơi sen, ngắm sen nở rộ trong giới trẻ. Cảnh sắc tuyệt vời của đầm sen là nơi lý tưởng cho bức ảnh lưu lại những khoảnh khắc đẹp của tuổi trẻ; là nơi vui chơi, nghỉ dưỡng, thư giãn của gia đình vào những ngày cuối tuần; là nơi bạn bè tụ tập dã ngoại trong ngày…
Anh Bắc đã mạnh dạn nhân rộng diện tích trồng sen lên đến 3 ha để chuẩn bị đưa sen vào làm du lịch. Đầu tư 30 triệu đồng, anh dựng 4 chòi lá ở giữa đầm sen có cả cầu tre để du khách có thể đi đến từng chòi tham quan, nghỉ ngơi. Du khách đến tham quan phải di chuyển bằng thuyền mới đến được đầm sen.
Chỉ sau vài phút chèo thuyền, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, giữa bầu không khí trong lành và thơm ngát, mênh mang là sắc hồng lấp ló của nụ và hoa sen, sắc xanh của lá và sắc vàng của nắng hè. Sen nở từ độ chớm hè đến giữa thu.
Anh Bắc cho biết thêm: “Năm ngoái là năm đầu tiên tôi đưa sen vào làm du lịch. Vì làm du lịch nên không thu hái sen để bán nữa. Ban đầu cũng thấy lo lắng vì mình không quảng bá được nên sợ du khách không biết mà đến. Nhưng năm vừa rồi, số lượt khách đến tham quan cũng khá đông, nhất là vào những ngày cuối tuần, có những ngày tôi đón tiếp khoảng gần 100 lượt khách. Trồng sen làm du lịch giúp gia đình tôi thu nhập cao gấp đôi, gấp ba so với trước đây trồng sen để bán. Có những hôm tôi chèo thuyền từ sáng đến 3 giờ chiều mới được nghỉ ăn cơm nhưng phấn khởi lắm”.
Với giá vé 40.000 đồng/người, du khách sẽ được hưởng các dịch vụ bao gồm: chèo thuyền ra các chòi lá để ngắm sen, hái sen, chụp ảnh, câu cá từ sáng cho đến tối. Ngoài ra, nắm được nhu cầu của khách và học hỏi từ các hộ làm du lịch, anh Bắc còn tìm tòi, học làm các món ăn dân dã, tươi ngon để phục vụ tại chỗ như: cá nướng, gà đồi, vịt, xôi…tất cả đều mang hương vị của sen truyền thống.
Du khách Vũ Thị Thu Thảo ở thành phố Yên Bái đang chụp ảnh ở đầm sen chia sẻ: “Không khí ở đây thật trong lành và tràn đầy sức sống. Thỉnh thoảng có cơn gió nhẹ thoảng qua, hoa, lá sen rung rinh trước gió, bức tranh yên bình lại man mác hương thơm khiến mọi ưu phiền cũng như theo gió bay đi. Lần sau, tôi nhất định sẽ cùng bạn bè lại đến đây. Nơi đây rất lý tưởng để thư giãn, tránh những xô bồ, ồn ào của cuộc sống nơi phố thị”.
Việc linh hoạt, năng động khi đưa sen vào làm du lịch của anh Nguyễn Hữu Bắc không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn mở ra một hướng đi mới cho đời sống kinh tế, xã hội ở địa phương.
Hoài Anh
Các tin khác
YBĐT - Một lễ khai mạc Năm Du lịch Yên Bái 2017 hoành tráng, các hoạt động hưởng ứng ấn tượng đặc biệt, đã cho thấy hướng đi đúng của du lịch Yên Bái, ngày càng khẳng định được ví trí trên bản đồ du lịch Việt Nam. Với sự sáng tạo và dày công nghiên cứu những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc, lễ khai mạc và các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Yên Bái 2017 thực sự đã tạo động lực cho sự bứt phá của du lịch Yên Bái.
YBĐT - Ngày 6/6, UBND huyện Văn Yên tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn và Hội chợ giới thiệu các sản phẩm quế năm 2017. Đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự Hội nghị.
YBĐT - Tháng Năm tổ chức Năm Du lịch Yên Bái 2017 này, tôi nghe không biết bao bận điện thoại của bạn bè tới tấp gọi về. “Ở đền Đông Cuông có bao nhiêu bản hội biểu diễn các giá đồng đấy, cậu ơi?” - “54 bản hội, 36 giá đồng nhé!”. “Hội chợ quế to lắm phải không?” - “Đương nhiên vậy rồi!”. “Cái khu trang trại quế bọn mình hay vào chơi ngày xưa có nằm trong khu du lịch sinh thái vùng quế không vậy?” - “Cách đấy không xa đâu”.
YBĐT - Yên Bái là vùng đất đa sắc màu với nhiều dân tộc anh em, mỗi nơi, mỗi vùng miền lại mang những nét độc đáo riêng biệt. Chính điều này đã tạo nên sức hút kỳ lạ với du khách khi đến với Yên Bái, nhất là loại hình du lịch cộng đồng (homestay).