Lễ cúng ruộng và cúng vía trâu trong tết Xíp xí

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/9/2017 | 1:57:18 PM

YBĐT - Tết Xíp xí tổ chức vào 14/7 Âm lịch hàng năm là tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ. Tết Xíp xí bao giờ cũng gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Trong phần lễ có 5 lễ cúng và quan trọng nhất là lễ cúng ruộng "tam tế na” được tổ chức đầu tiên trong các lễ cúng.

Lễ cúng ruộng trong tết Xíp xí.
Lễ cúng ruộng trong tết Xíp xí.

Thời điểm này là lúc lúa vụ mùa hàng năm đang vào chắc hạt, năm nào nhuận 2 tháng 6 như năm nay thì lúa bắt đầu cho thu hoạch. Đây cũng là lễ cúng đặc trưng thể hiện yếu tố tâm linh, quan niệm ước mong một vụ mùa bội thu, cuộc sống no ấm của đồng bào dân tộc Thái gắn với nền văn minh lúa nước lâu đời.

Trong lễ cúng ruộng "tam tế na", mâm lễ gồm: 1 đầu lợn, 1 bộ lục phủ ngũ tạng lợn, 2 gói thịt lợn băm để sống, 2 gói xôi, bánh xíp xí, vòng bạc, vải sải, trầu cau, rượu, muối…
 
Trước đó, ông mo rất cầu kỳ làm những chiếc ô nhỏ và những hình trang trí bằng giấy màu để bày lên mâm cỗ; các hộ trong bản thì chuẩn bị nơm, rọ, ớp, tấm nan đan… đều là những dụng cụ đi ruộng hàng ngày để hái rau, bắt cua, cá. Mâm cúng được đặt ngang đầu ruộng của cả bản hướng ra cánh đồng. Khi tiến hành nghi lễ, ông mo quay mặt hướng về phía cánh đồng, vái tứ phương cầu cho chúa trời, chúa đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, đừng mưa bão làm đổ lúa, cầu cho mùa màng tốt tươi, lúa không bị sâu bọ phá hoại, cây lúa cho hạt to, chắc, mẩy, có một vụ mùa bội thu.
 
Kết thúc lễ cúng, ông mo mang những nan đan cắm ở đầu ruộng với ý nghĩa bảo vệ cho đồng ruộng chống lại thú dữ và sâu bệnh phá hoại mùa màng. Người dân trong bản mang cá ra thả để lưu giữ cá ruộng cho vụ đông. Trước đây, lễ cúng ruộng thường được tổ chức cho cả bản, ngày nay vẫn được duy trì và tùy theo từng gia đình nào có điều kiện thì vẫn tổ chức mâm lễ cúng riêng ruộng của gia đình mình.
 
Cùng với lễ cúng ruộng là lễ cúng vía trâu. Người Thái coi con trâu là "đầu cơ nghiệp”, là nguồn sức kéo chính trong cày ải đất để làm ruộng. Vì vậy, con trâu là tài sản lớn nhất, là con vật thân thiết với mọi người trong gia đình, được chăn dắt, chăm sóc hàng ngày.
 
Lễ cúng vía trâu được tiến hành ở dưới gầm sàn. Ông mo hoặc bà mo sẽ cúng cầu mong con trâu của gia chủ luôn khỏe mạnh để làm tốt việc đồng áng. Sau lễ cúng vía, con trâu sẽ được gia chủ cho ăn những bó cỏ lau non ngon nhất, còn thịt gà, bánh và xôi sẽ được chia cho trẻ con chăn dắt trâu trong gia đình coi đây như một phần thưởng cho người chăn trâu hàng ngày. Trẻ con trong các gia đình mang bánh, xôi, gà lên bãi chăn trâu cùng liên hoan và chơi các trò chơi dân gian như: cướp cờ, ô quan, đánh khăng…

Còn 3 lễ cúng không thể thiếu trong tết Xíp xí là lễ cúng tổ tiên, lễ cúng họ ngoại và lễ cúng thần linh thể hiện sự tôn kính, biết ơn đối với các bậc thần linh và những người đã có công khai ấp, lập bản, lập mường; biết ơn các đấng sinh thành và cầu mong cho các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, hòa thuận, biết bảo ban nhau làm ăn phát triển kinh tế.

Đến nay, người Thái ở Nghĩa Lộ - Mường Lò vẫn duy trì được ngày tết truyền thống Xíp xí với các nghi lễ và trò chơi dân gian ý nghĩa đặc sắc. Chính vì vậy, trong thực hiện đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch, nhằm khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, thị xã Nghĩa Lộ đã quan tâm chỉ đạo các xã, phường tuyên truyền, khuyến khích người dân giữ gìn những nghi lễ, thủ tục tốt đẹp trong tết Xíp xí và tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động lực thúc đẩy lao động sản xuất cho bà con nhân dân. Năm 2014, thị xã còn hỗ trợ tổ chức lễ hội tết Xíp xí ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình, các thôn, bản tổ chức tết Xíp xí hàng năm vui tươi, an toàn, tiết kiệm và không có gia đình nào trong thôn, bản là không có tết.

Năm nay, đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò đón tết Xíp xí trong hương gạo lúa mới của vụ mùa với những chiếc bánh đôi, những đĩa xôi ngũ sắc thơm phức. Niềm vui như được nhân đôi với không khí của ngày mùa và niềm hân hoan chuẩn bị cho Tuần văn hóa - du lịch Mường Lò 2017. Tết Xíp xí 2017 sẽ là một trong những nét văn hóa thu hút sự quan tâm của du khách và cả những người Thái xa quê về để tham dự ngày tết truyền thống đầy ý nghĩa này của dân tộc mình.

Hạnh Quyên

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục