Hướng tới Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2017

Thị xã Nghĩa Lộ chuẩn bị cho Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/9/2017 | 8:02:25 AM

YBĐT - Tuần Văn hóa - Du lịch (VH-DL) Mường Lò 2017 sẽ diễn ra từ 23/9 - 1/10 với 3 nội dung chính là: Lễ khai mạc Tuần VH-DL Mường Lò và lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2017, diễu diễn đường phố và các hoạt động bổ trợ khác. Với quan điểm tổ chức lễ hội nhằm khai thác giá trị bản sắc văn hóa, thể hiện thái độ, tinh thần tiếp đón, phục vụ lịch sự, văn minh, phát huy vai trò của cộng đồng làm du lịch, thị xã Nghĩa Lộ đang tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị Tuần VH-DL.

Các diễn viên tập luyện cho màn nghệ thuật trong lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò 2017.
Các diễn viên tập luyện cho màn nghệ thuật trong lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò 2017.

Tại Trung tâm Văn hóa và Thể dục - Thể thao thị xã Nghĩa Lộ, từ ngày 28/8 đến nay, hơn 70 diễn viên quần chúng được tuyển chọn từ các đội văn nghệ nòng cốt của thị xã đều đặn tập luyện mỗi tối cho màn nghệ thuật trong lễ khai mạc Tuần VH-DL Mường Lò.
 
Chị Lường Thị Nhung ở tổ Pá Khết, phường Trung Tâm được lựa chọn tập luyện múa phụ họa và biểu diễn dệt phụ họa trên sân khấu cho biết: "Chúng mình làm nông nghiệp nên tinh thần vẫn là sáng lúa, chiều ngô, tối múa xòe song năm nay thì có vất vả hơn vì đúng vào thời điểm thu hoạch lúa mùa, nắng mưa thất thường nên tiến độ thu hoạch lúa cũng bị ảnh hưởng. Nhưng có bận đến mấy thì mình vẫn thu xếp để tham gia tập luyện vì thiếu một người là khó vào đội hình, ảnh hưởng đến tiến độ tập luyện chung”.
 
Bạn Hoàng Thị Thanh Cửu ở bản Phán Thượng, xã Nghĩa Lợi thì chia sẻ: "Mình vừa công việc đồng áng vừa con nhỏ nhưng gia đình vẫn tạo điều kiện cho đi tập đều đặn. Bận nhưng mình thấy rất vui và tự hào khi được biểu diễn, giới thiệu các điệu múa dân gian của người Thái".
 
Đạo diễn Đinh Phú Bình cho hay: "Các diễn viên chủ yếu là quần chúng, là con em dân tộc trên địa bàn nên khi được phân vai, phân cảnh tập luyện rất chú ý, tiếp thu nhanh, đặc biệt là thể hiện rất có hồn bởi rất am hiểu ý nghĩa phong tục tập quán đó. Hiện nay, đội hình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tập luyện để trước khi vào tổng duyệt ngày 21/9 sẽ có 2 - 3 buổi duyệt sơ bộ”. 
 
1.000 diễn viên quần chúng, nghệ nhân, học sinh tham gia màn đại xòe cũng đã hoàn thiện danh sách. Vì các diễn viên xã, phường, trường học trên địa bàn thị xã đều đã nhuần nhuyễn 6 điệu xòe cổ nên không phải tập luyện nhiều. Hiện, các cơ quan chuyên môn đang tập trung vào hoàn thiện kịch bản xòe để huy động diễn viên tập trung chạy đội hình.

7 đơn vị phường, xã cũng đang tích cực tập luyện cho màn diễu diễn đường phố. Xã Nghĩa An biểu diễn đặc trưng của hát Hạn Khuống và Hạn Cống. Đoàn Nghĩa Lợi thể hiện nội dung xe then. Đoàn phường Trung Tâm thể hiện nội dung viết chữ Thái cổ. Đoàn phường Pú Trạng trình diễn trang phục Thái đen qua các thời kỳ kết hợp với giới thiệu ẩm thực. Đoàn phường Cầu Thia hát chèo. Đoàn Nghĩa Phúc diễn tả không gian văn hóa dân tộc Mường. Đoàn phường Tân An thể hiện phong tục cưới hỏi của người Thái đen Mường Lò.
 
Bà Hoàng Thị Văn - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân An tham mưu về nội dung diễu diễn của phường cho biết: "Phường đã huy động 30 người tham gia tập luyện diễu diễn từ ngày 6/9, trong đó yêu cầu trên xe là hình ảnh cô dâu, chú rể, bà mai mối và đại diện nhà trai, nhà gái, nam thanh nữ tú trong ngày cưới, điểm nhấn là làm mô phỏng lễ tằng cẩu cho cô dâu. Phía dưới là đoàn người nhà trai với các lễ vật cưới hỏi và một số loại nhạc cụ... Việc tập luyện cơ bản thuận lợi vì đều là những người địa phương am hiểu phong tục tập quán”.

Các công tác khác như làm khèn bè, hội thi ẩm thực, hoạt động của 2 tuyến phố văn hóa thương mại và ẩm thực… cũng được thị xã đẩy nhanh tiến độ cùng với nhiều hoạt động chỉnh trang đô thị, bảo đảm an toàn giao thông. Thị xã đã giao cho các thành viên Ban Tổ chức Lễ hội Tuần VH-DL Mường Lò 2017 phụ trách từng nội dung, hoạt động của lễ hội để kịp thời nắm bắt tiến độ chuẩn bị, báo cáo nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành theo dự kiến và bảo đảm chất lượng.
 
Đồng thời, thành lập 4 tiểu ban phục vụ giúp việc Ban Tổ chức. Các kế hoạch, phương án cụ thể đã được các tiểu ban họp bàn và thống nhất để làm tốt công tác chuẩn bị cho lễ hội. Hiện, thị xã đang tập trung tập luyện để tổng duyệt vào tối 21/9, hứa hẹn một mùa lễ hội ấn tượng, thu hút khách du lịch.

Hạnh Quyên

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục