Hướng tới Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2017

Trang phục phụ nữ Mông: Hội tụ tài hoa nghệ thuật

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/9/2017 | 6:50:23 AM

YBĐT - Những bộ trang phục của người Mông nơi đây chủ yếu được may từ vải lanh tự dệt. Đặc biệt, những bộ váy được thêu dệt, trang trí vô cùng đặc biệt. Cầm chiếc váy trên tay có thể thấy sự cầu kỳ, tỉ mỉ, khéo léo của những cô gái Mông đầy chịu thương, chịu khó này.

Việc thêu thùa, làm trang phục được phụ nữ Mông truyền dạy từ đời này qua đời khác.
Việc thêu thùa, làm trang phục được phụ nữ Mông truyền dạy từ đời này qua đời khác.

Nhắc tới Mù Cang Chải là nhắc tới những thửa ruộng bậc thang. Trong kiệt tác ấy, người ta nói nhiều đến tài hoa nghệ thuật của người dân nơi này. Không khó để có thể thấy sự tài hoa ấy trong những nét văn hóa đặc sắc bên ngoài ruộng bậc thang. Một trong số đó phải kể đến trang phục của người phụ nữ Mông nơi đây. Trang phục của họ sặc sỡ, đa dạng, không những hội tụ đầy đủ những nét văn hóa đặc trưng mà còn thể hiện tài hoa nghệ thuật của phụ nữ Mông.

 
Những người bạn dưới xuôi của tôi lên Mù Cang Chải trở về cùng một nhận định rằng, trong tác phẩm nghệ thuật vĩ đại ruộng bậc thang Mù Cang Chải không thể thiếu được những chiếc váy của người phụ nữ Mông, bởi đó là nét chấm phá vô cùng quan trọng cho bức tranh ấy thêm hoàn hảo. Họ thích hình ảnh những phụ nữ Mông trong trang phục sặc sỡ, rất đẹp và cầu kỳ ngồi bên thửa ruộng luôn tay se lanh, thêu thùa.
 
Có lẽ, trang phục người Mông Mù Cang Chải là một loại trang phục dân tộc đẹp và cầu kỳ nhất đòi hỏi sự tính toán từng đường kim mũi chỉ, kích thước hoa văn trên từng mảnh vải. Vì vậy, trang phục của người Mông không thể lẫn với bất kỳ trang phục của dân tộc nào khác, tạo nên những nét đẹp quyến rũ rất riêng...
 
Những bộ trang phục của người Mông nơi đây chủ yếu được may từ vải lanh tự dệt. Đặc biệt, những bộ váy được thêu dệt, trang trí vô cùng đặc biệt. Cầm chiếc váy trên tay có thể thấy sự cầu kỳ, tỉ mỉ, khéo léo của những cô gái người Mông đầy chịu thương, chịu khó này.
 
Để tạo nên những chiếc váy ấn tượng đó, người phụ nữ Mông phải đi cắt lanh phơi nắng từ vài tuần trước khi tước sợi. Sau đó, lanh được đưa vào cối giã mềm rồi nối thành từng cuộn. Lanh sau khi giặt được luộc cho tới khi mềm và trắng mới đưa vào khung cửi dệt thành những tấm vải. Sở dĩ, lanh luôn được chọn làm vải trang phục dân tộc truyền thống vì có độ bền cao, khi lên váy tạo độ xòe phù hợp.

Công việc dệt vải vất vả bao nhiêu thì việc thêu váy cũng cầu kỳ bấy nhiêu. Tất cả mọi chi tiết từ những hoa văn nhỏ nhất đều được thêu chỉ tay hoàn toàn.
 
Thời gian hoàn thành chiếc váy có khi lên đến cả năm. Trong trang phục của phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải có thể thấy, hoa văn, họa tiết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp của bộ trang phục. Người Mông chú trọng nghệ thuật tạo hình dân gian thể hiện ở trang phục, đồ dùng sinh hoạt, cắt giấy... Nhưng trang trí trên vải có vị trí quan trọng nhất trong nghệ thuật tạo hình, điển hình là trên trang phục của phụ nữ Mông.
 
Hoa văn ở đây đều hết sức mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên nơi người Mông sinh sống, các loại cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông nghiệp quen thuộc.
 
Thường thấy các họa tiết dưới dạng ô nằm ngang với đường viền là hình vuông, chữ thập... cách quãng kết hợp với hình quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, xoáy kép, răng cưa, đường cong, đường lượn sóng... Bên trong là các hình ngôi sao năm cánh - sáu cánh - tám cánh, hoa bí, hoa mận, hoa đào, mạng nhện, cánh bướm, vảy cá, lá ngải cứu, búp tre, lưỡi câu, con ốc, con rắn, sừng dê...
 
Những họa tiết này đều có màu sắc tươi sáng. Trong quá trình làm lên bộ trang phục, phụ nữ Mông Mù Cang Chải kết hợp cả 3 kỹ thuật: thêu, vẽ, chắp vải tạo nên những trang trí đẹp trên nền y phục. Ngoài ra, họ còn sử dụng biện pháp kỹ thuật ghép hạt cườm nhựa, bạc… lên trang phục như khăn, mũ áo. Vượt khỏi sắc màu thiên nhiên đó là đặc điểm của nghệ thuật tạo hình trên trang phục Mông. Nó phản ánh lối sống của người Mông giàu bản lĩnh, phóng khoáng và ngoan cường chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.

Thêu váy được coi như một công việc hàng ngày của người phụ nữ Mông. Họ thêu thùa mọi lúc, mọi nơi, khi nghỉ ngơi hay lúc làm nương rẫy. Ngay từ khi còn nhỏ, những em gái người Mông đã được các bà, các mẹ dạy cho kỹ thuật thêu thùa, dệt vải. Những đường nét trên trang phục chính là tiêu chí đánh giá tài năng, vẻ đẹp của người con gái dân tộc Mông.

Đối với người Mông trang phục là cái mặc, cũng là của cải gia truyền mà ai nấy đều phải bảo tồn và phát huy sao cho ngày càng đẹp, càng quý, phản ánh được rõ nét truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, cá tính và sự giàu có của tộc người.
 
Ngày nay, trang phục của phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải vẫn giữ khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc. Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, người phụ nữ Mông đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm lòng người.
 
Mời bạn hãy đến với Mù Cang Chải để được đắm chìm trong kiệt tác thiên nhiên được làm nên bởi con người, để thưởng thức những điệu khèn ngây ngất, cùng nhâm nhi hương vị nồng say của thứ rượu vùng cao, đặc biệt đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm để cảm nhận được vẻ đẹp của những thiếu nữ miền sơn cước và sự tài hoa của người Mông Mù Cang Chải.
 
Minh Tư

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục