Hướng tới Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2017

Mường Lò: Từ gìn giữ văn hóa đến phát triển kinh tế du lịch

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/9/2017 | 11:13:12 AM

YBĐT - Các hoạt động trong Tuần Văn hóa- du lịch năm nay có rất nhiều điểm mới, điểm nhấn.

Du khách nước ngoài hứng thú khi tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ.
Du khách nước ngoài hứng thú khi tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ.

 Tuần Văn hóa - Du lịch (VH-DL) Mường Lò là hoạt động thường niên và đã trở thành thương hiệu của du lịch Mường Lò, Nghĩa Lộ. Hàng năm, Ban Tổ chức đều nghiên cứu, tìm tòi giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc để giới thiệu với du khách. Từ việc gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống đã tạo được những kết quả trong phát triển kinh tế du lịch. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ trước thềm Tuần VH-DL Mường Lò 2017 để hiểu thêm về hướng phát triển du lịch trong thời gian tới của thị xã và những hoạt động đặc sắc trong Tuần VH-DL năm nay.

P.V: Thưa đồng chí! Tuần VH-DL Mường Lò đã trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh, của thị xã. Hàng năm, "Tuần VH-DL Mường Lò” mang lại lợi ích kinh tế du lịch gì cho thị xã?

Đồng chí Hoàng Thị Hồng Hạnh: Mỗi năm, Tuần VH-DL lịch Mường Lò thu hút khoảng 10.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ du lịch tại địa phương, đã góp phần tăng doanh thu đối với các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng ăn uống, các dịch vụ vui chơi giải trí...
 
Các cơ sở, dịch vụ du lịch cũng có nguồn thu từ các hoạt động lễ hội này, nhất là đối với hoạt động du lịch cộng đồng đã có thêm nguồn thu từ các dịch vụ ăn uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, giao lưu, trải nghiệm...
 
Nhiều tour du lịch được kết nối với các huyện bạn trong vùng, tạo nên những hoạt động thu hút khách. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, từng bước nâng cao về số lượng và chất lượng. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống trong những năm qua tăng nhanh. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng tăng dần qua từng năm; số hộ làm du lịch Homestay tăng dần, chất lượng phục vụ có bước chuyển biến mạnh.
 
Mặt khác, góp phần quan trọng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Một số giá trị văn hóa tiêu biểu đã được vinh danh, trở thành di sản văn hóa quốc gia. Từ đó, tạo sức thu hút đối với du khách. Cùng với đó, kiến thức, kỹ năng về du lịch được nâng lên, nguồn nhân lực làm du lịch được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường.
 
Đặc biệt, qua các hoạt động của tuần văn hóa thu hút được các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực để đầu tư tại thị xã. Tuần Văn hóa cũng đã tạo ra được thương hiệu cho du lịch của thị xã vì thế trong 4 mùa đều thu hút du khách, tạo được nguồn thu ổn định.

P.V: Thưa đồng chí! Việc bảo tồn các giá trị văn hóa của người bản địa hiện nay ở thị xã Nghĩa Lộ như thế nào? Để phục vụ phát triển du lịch - văn hóa - hướng đi của du lịch Mường Lò mà địa phương đã chọn là gì?

Đồng chí Hoàng Thị Hồng Hạnh: Để bảo tồn các giá trị văn hóa của người bản địa trên địa bàn, thị xã Nghĩa Lộ đã chủ trương và quan tâm đặc biệt đối với việc khai thác, bảo tồn, khôi phục và lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc thông qua lao động sản xuất cũng như đời sống văn hóa tinh thần. Hàng năm, thị xã tổ chức 2 lễ hội chính gồm: Lễ hội rằm tháng Giêng và Lễ hội Tuần VH-DL Mường Lò. Trong các hoạt động của lễ hội có nhiều giá trị văn hóa dân gian truyền thống như: Hội Hạn khuống, xòe, các làn điệu dân ca, dân vũ, các nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian...
 
Bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa trang phục, văn hóa ẩm thực, văn hóa chữ viết bằng hình thức tổ chức hội thi ẩm thực, hội thi trình diễn trang phục các dân tộc, học và viết chữ Thái cổ... Cùng với đó là một số lễ tết quan trọng trong tín ngưỡng của người Thái. Vùng Mường Lò Nghĩa Lộ đã có nhiều giá trị văn hóa đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia như: Di tích lịch sử văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ; Ba cây đa di sản, Nghệ thuật Xòe Thái; Diễn xướng Hạn khuống.
 
Hiện nay, thị xã đang tiến hành phục dựng Đền thờ Cầm Hánh, một di tích lịch sử cấp tỉnh, đây sẽ trở thành một điểm đến trong hành trình của du khách khi muốn khám phá mảnh đất Nghĩa Lộ -Mường Lò. Với những lợi thế đó, thị xã Nghĩa Lộ đã định hướng phát triển du lịch là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, tín ngưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo. Trọng tâm trong phát triển du lịch của thị xã là hình thức du lịch cộng đồng.

P.V: Tuần VH-DL Mường Lò năm nay có điểm gì nổi bật, khác biệt so với những năm trước thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Thị Hồng Hạnh: Các hoạt động trong Tuần VH-DL lịch năm nay có rất nhiều điểm mới, điểm nhấn, không chỉ đem lại niềm tự hào cho nhân dân các dân tộc thị xã mà chắc chắn sẽ đem lại sự hài lòng, sự bất ngờ cho du khách.
 
Đầu tiên phải nói tới nội dung của màn nghệ thuật chào mừng trong lễ khai mạc, được đầu tư có chiều sâu, trong đó giới thiệu nhiều di sản văn hóa phi vật thể, không chỉ của riêng Nghĩa Lộ, mà còn giới thiệu chung các di sản của khu vực miền Tây tỉnh Yên Bái. Những giá trị văn hóa tiêu biểu của Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải sẽ được đưa vào nội dung các chương của màn nghệ thuật với Chủ đề "Sóng vàng trên non”.
 
Trong chương trình này, nghệ thuật xòe Thái một lần nữa sẽ được tỏa sáng thông qua hình thức biểu diễn có sự đổi mới, thể hiện sự trao truyền giữa các thế hệ, trong màn đại xòe có sự tham gia biểu diễn của 800 diễn viên, nghệ nhân, trong đó có 50 cụ cao tuổi và 100 cháu học sinh tiểu học; có sự tham gia của dàn nhạc cụ dân tộc, với vai trò chủ đạo là các giai điệu của khèn bè Thái. Cùng với đó là vinh danh "Hạn Khuống của người Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Điểm nhấn là việc chế tác và sử dụng thành công chiếc khèn bè của đồng bào dân tộc Thái có kích thước rất lớn, đang được đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam. Ấn tượng của chiếc khèn bè kỷ lục, không phải ở kích thước to lớn mà thông qua việc xác lập kỷ lục, Nghĩa Lộ giới thiệu tới đông đảo du khách một nhạc cụ giữ vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc của đồng bào dân tộc Thái.
 
Cùng với đó là màn diễu diễn đường phố. Trong đó, mỗi đơn vị xã, phường lựa chọn và thể hiện một giá trị văn hóa dân gian truyền thống để biểu diễn, giới thiệu cùng du khách trên đường phố, như: Hội Hạn khuống; Lễ Tằng cẩu cho cô dâu trong đám cưới của người Thái đen; Lễ hội Xe then; Lễ Khai hạ của dân tộc Mường; Trình diễn trang phục dân tộc Thái các thời kỳ; giới thiệu văn hóa ẩm thực; viết tặng chữ Thái cổ; nghệ thuật hát chèo…

P.V: Đến nay, công tác chuẩn bị cho các hoạt động của Lễ hội như thế nào rồi, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Thị Hồng Hạnh: Đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Màn nghệ thuật chào mừng với 110 diễn viên trong đó có 80 diễn viên quần chúng và 30 diễn viên của đoàn nghệ thuật đã được huy động tập luyện tương đối thuần thục, đảm bảo yêu cầu của đạo diễn.
 
Màn diễu diễn đường phố các xã, phường đã chủ động xây dựng kịch bản, tập luyện tại cơ sở, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, xe và đã tổ chức tập luyện chung trên đường, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về nội dung, nghệ thuật và kịch bản đã được phê duyệt. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực tập luyện và sắm trang phục, đạo cụ, trang trí xe mô hình với quyết tâm đoạt giải của ban tổ chức. Chiếc khèn bè lớn được khẩn trương hoàn thiện những chi tiết cuối cùng cho đảm bảo tính thẩm mỹ, thị xã đã trưng tập 50 diễn viên triển khai tập luyện, biểu diễn các giai điệu cho thêm thuần thục.
 
Triển lãm ảnh đẹp Tây Bắc đã thu hút được nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh tham dự. Đặc biệt, có sự tham gia của nghiếp ảnh người Pháp với nhiều ảnh đẹp Mường Lò và Mù Cang Chải. Du lịch cộng đồng đã có thêm nhiều hoạt động giúp du khách có nhiều cơ hội được trải nghiệm văn hóa truyền thống; hai tuyến phố văn hóa tiếp tục được chỉnh trang và tăng cường hoạt động kinh doanh; sẽ có 20 gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của địa phương với sự tham gia của các đơn vị huyện bạn. Các phương án bố trí nơi ăn, nghỉ cho đại biểu, khách mời đã được bàn bạc thống nhất. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn cũng đã sẵn sàng đón du khách.
 
Đặc biệt, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; an toàn thực phẩm; phòng chống cháy nổ đã được triển khai có phương án chi tiết cho từng hoạt động. Ngày 19/9, thị xã sẽ tiến hành hợp luyện và ngày 21/9 sẽ tổng duyệt. Thị xã Nghĩa Lộ đã sẵn sàng chào đón du khách đến với Tuần VH-DL Mường Lò. 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!       
                                                                                         
Thanh Ba (Thực hiện)  

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục