Mường Lò vang vọng khèn bè

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/9/2017 | 6:40:49 AM

YBĐT -  Tại Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò 2017, thị xã Nghĩa Lộ sẽ giới thiệu chiếc khèn bè lớn nhất Việt Nam, đăng ký sách Kỷ lục Guinness Việt Nam.

Các nghệ nhân tập luyện màn diễn xướng khèn bè.
Các nghệ nhân tập luyện màn diễn xướng khèn bè.

Đến với bản người Thái ở Mường Lò, chẳng có ai không một lần say sưa trong men nồng nàn, êm dịu của rượu cần, thú vị khi xem điệu múa xòe uyển chuyển, nhẹ nhàng của các cô gái Thái trong trang phục truyền thống cùng với điệu khèn bè dìu dặt.

Tiếng khèn nghe một lần vấn vương, lưu luyến mãi không về. Với người Thái, khèn bè là nhạc cụ kết tinh của tình yêu, là linh hồn trong âm nhạc dân ca, dân vũ, là biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo, riêng biệt của đồng bào. Chính bởi sự quan trọng ấy, nhằm tôn vinh khèn bè, tại Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò 2017, thị xã Nghĩa Lộ sẽ giới thiệu chiếc khèn bè lớn nhất Việt Nam, đăng ký sách kỷ lục Guinness Việt Nam.

Kết tinh hồn dân tộc...

Không giống với khèn của các dân tộc khác, khèn bè của dân tộc Thái Mường Lò được cấu tạo với 14 ống nứa nhưng phải là nứa tép bánh tẻ, nhỏ, mỏng, ít mấu và xếp từ thấp đến cao. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Lớp sáp ong này cần bịt kín để tạo ra âm thanh cho khèn. Một trong các kỹ thuật khó nhất là xử lý các lam đồng, từ độ dày, độ dài tới độ bóng bề mặt. Với 5 cung và 1 quãng 8, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ và múa hiện đại.
 
Bởi vậy, khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Thái và cả trong các tiết mục sân khấu. Điều đặc biệt là ở khèn bè Thái có những âm thanh sóng đôi như: lả - lá, 2 nốt rế, 2 nốt son, đồ - đố, phà - phá, mà các nghệ nhân gọi là pò mè - tức là bố mẹ. Đó cũng là triết lý âm - dương, sự sinh sôi phát triển của cuộc sống được thể hiện vô cùng tinh tế. 

Chiếc khèn bè của người Thái như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, là sự kết tinh những giá trị vật chất của tự nhiên và tình yêu quê hương, dân tộc của người nghệ nhân. Nó là sản phẩm minh chứng cho sự phát triển trong lĩnh vực âm nhạc, là biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo, riêng biệt của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lò.
 
Khèn bè được sử dụng làm nhạc cụ đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái. Tiếng khèn bè cất lên lúc da diết, sâu lắng như tình yêu cháy bỏng mà người con trai gửi tới người con gái, lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo, tiếng gió hát.
 
Nghệ nhân Lò Văn Biến chia sẻ: "Đã bao đời nay, những chiếc khèn bè đơn sơ, mộc mạc đã tạo nên những thanh âm rộn ràng, rạo rực cho những điệu xòe, điệu khắp trong các dịp lễ hội. Tiếng khèn trầm bổng, sâu lắng, dồn dập làm thổn thức bao trái tim chàng trai, cô gái Thái. Không chỉ thế, khèn bè còn là một biểu tượng cho sự gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết của những con người trong bản Thái”. Có thể vì thế, người Thái có câu: 

"Tiếng khèn làm đẹp bản Mường
Như nắng dệt gấm trên quê hương
Như núi lam xanh sương đêm vừa gội
Như suối hát tình ca
Như tiếng người yêu gọi...".

... Đến Kỷ lục Guinness Việt Nam

Để tôn vinh cây khèn bè, thị xã Nghĩa Lộ đã dựng cây khèn bè lớn để ghi danh vào Kỷ lục Guinness Việt Nam. Đây cũng là một điểm nhấn vô cùng quan trọng trong Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2017 và cũng là món quà dành tặng du khách dịp này. Nhiều tháng nay, thị xã đã huy động các nghệ nhân và chuyên gia để chế tác chiếc khèn bè cao khoảng 2 m, chiều ngang hơn 5 m để xác lập kỷ lục.
 
Bà Hoàng Thị Vân - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Chiếc khèn bè lớn nhất này có thể thổi như chiếc khèn bình thường, chứ không phải là chiếc khèn mô hình. Nhiều tháng nay, chúng tôi đến từng bản, từng nhà, gặp từng người dân tìm hiểu về truyền thuyết của cây khèn bè Thái để xây dựng kịch bản cho màn xác lập này”.

Bật mí ban đầu của những nhà tổ chức thì màn vinh danh cây khèn bè Thái sẽ vô cùng hấp dẫn. Sử dụng cây khèn kỷ lục sẽ là 5 nghệ nhân khèn bè của thị xã. Cùng với đó, trên sân khấu xác lập kỷ lục sẽ có tất cả những nhạc cụ của người Thái Mường Lò, một số đồ dùng sinh hoạt của người dân bản địa cũng được đưa lên sâu khấu như một nhạc cụ. Tất cả tạo nên bản hòa tấu kể câu chuyện truyền thuyết về chiếc khèn bè của người Thái Mường Lò.
 
Dưới sự chỉ đạo của tổng đạo diễn chương trình, màn xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam, cũng đã lên khung, nghệ nhân văn hóa dân gian đã bắt đầu tập luyện. Bà Hoàng Thị Vân cho biết thêm: "Sau khi chiếc khèn xác lập kỷ lục được hoàn thành, chúng tôi đã gửi xuống Hà Nội để hấp sấy chống mối mọt. Kết thúc đêm khai mạc và xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam, chúng tôi sẽ cho trưng bày và du khách có thể đến chụp hình lưu niệm và thử thổi cùng các nghệ nhân”.

Nhà soạn nhạc người Đức Paul Hindermith đã từng nói: "Những người cùng nhau tạo ra âm nhạc không thể trở thành kẻ thù, ít nhất là khi điệu nhạc chưa kết thúc”. Chơi nhạc cũng là một cách để tự tình và cũng để giao tiếp giữa con người với con người. 

Đến với vùng đất này để cùng chiêm ngưỡng cây khèn bè lớn nhất Việt Nam, để cùng hòa với âm thanh núi rừng và sự thân thiện trong văn hóa ứng xử giao tiếp của người Thái, du khách có thể cảm nhận được tinh thần lạc quan và đời sống văn hóa phong phú của người Thái Mường Lò.
 
Thanh Ba

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục