Sóng vàng trên non

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/9/2017 | 8:08:32 AM

YBĐT - Cứ ngỡ như trời tạo hóa hình thành, sắp đặt nên những tầng nấc ruộng bậc thang, nhưng kiệt tác hiếm có trong nền văn minh lúa nước Việt Nam lại do đồng bào Mông sáng tạo ra. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn thành từng đợt sóng vàng khắp sườn núi, lớp nọ gối lớp kia trải dài đến bất tận…

Vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
(Ảnh: Thanh Miền)
Vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miền)

Kiệt tác của đồng bào Mông

Dọc quốc lộ 32 về phía Tây Bắc, vượt qua đèo Khau Phạ mờ sương, càng lên cao bức tranh ruộng bậc thang Mù Cang Chải hiện ra càng rực rỡ. Du khách có thể thỏa thích ngắm từng bậc thang vàng óng tuyệt đẹp ngay bên đường ở xã Chế Cu Nha.
 
Ruộng bậc thang nằm trên độ cao hơn 2.000 m - là một công trình nghệ thuật giữa núi rừng hùng vĩ do chính những người dân bản địa tạo nên. So với làm lúa nương, ruộng bậc thang không chỉ cho năng suất cao, ổn định lương thực cho người dân mà còn làm nên một danh thắng kỳ vĩ. Đó là sản phẩm hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở vùng cao Mù Cang Chải.
 
Hiện nay, Mù Cang Chải có 2.500 ha ruộng bậc thang, tập trung ở các xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình.

Khai hoang ruộng bậc thang là quá trình công phu, tốn nhiều công sức, thể hiện kinh nghiệm trồng lúa nước lâu đời của đồng bào Mông. Các điểm đón nước cho ruộng bậc thang được lấy từ các nguồn khe phía trên, việc sẻ nước từ bờ trên xuống bờ dưới cũng theo cách không nối liền mạch nhằm hạn chế tối đa khi có mưa lũ tạo dòng chảy mạnh gây vỡ bờ và rửa trôi hết độ màu của đất.
 
Để tạo sự đồng mức cho từng mảnh ruộng, người Mông dùng nước làm thành một đường cân bằng, chỗ gồ ghề thì cào bằng thêm, chỗ cao thì san bớt lên bờ, vì vậy các thửa ruộng quanh quả đồi đều có mực nước và độ cao giống nhau, tạo thành các bậc thang đều khắp núi đồi... Những công việc này được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, dần phát triển thành một vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải rộng lớn tựa như tuyệt tác nghệ thuật - điểm đến để khám phá, tìm hiểu về cách thức canh tác ruộng bậc thang, về con người nơi đây.

Ruộng xếp tầng, xếp lớp trải rộng, những "mâm xôi vàng”, "mâm xôi xanh” này hiện lên hùng vĩ giữa bạt ngàn núi rừng Tây Bắc thể hiện cuộc sống ấm no của đồng bào. Chị Vàng Thị Nu, người dân bản địa cho biết: "Tôi cũng như nhiều người dân nơi đây rất tự hào về ruộng bậc thang với những thành quả của cha ông. Chúng tôi sẽ giữ gìn và phát huy giá trị đó. Cùng với đó, mỗi thửa ruộng bậc thang không chỉ cung cấp lương thực phục vụ sinh hoạt gia đình mà còn là điểm thu hút các du khách tham quan, trải nghiệm”.
 

Vũ điệu núi rừng. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

Hòa cùng lễ hội

Cùng với chuỗi lễ hội của tỉnh, hàng năm, vào trung tuần tháng 9, Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức. Bà con các dân tộc cùng nhau xuống núi trảy hội, gặp gỡ giao lưu. Du khách trong và ngoài nước cũng tề tựu về đây chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang khoe sắc vàng rực rỡ và tham gia chuỗi các sự kiện văn hóa đặc sắc như: phiên chợ vùng cao, triển lãm ảnh ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, hội thi giã bánh dày, khèn Mông, chọi dê...
 
Các môn thể thao dân tộc như: tung còn, ném pao, đánh quay, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy... cũng được tổ chức. Các hoạt động du lịch sinh thái như: chinh phục đỉnh núi Púng Luông, thác Mơ 3 tầng (xã Mồ Dề), suối nước nóng và hang động ở Nậm Khắt, rừng chè cổ thụ La Pán Tẩn cũng không kém hấp dẫn. Ngoài ra, Mù Cang Chải đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch "Mù Cang Chải Ecolodge” ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt…

Sự cần cù của người Mông đã hình thành nên công trình kỳ vỹ giữa đại ngàn Tây Bắc, hòa quyện vào đó là bản sắc văn hóa truyền thống. Đến hẹn lại lên, du khách lại đến với Mù Cang Chải để đắm mình vào mùa vàng lúa chín lấp lánh - điểm đến hấp dẫn, thân thiện.

Minh Tuấn

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục