Hướng tới Lễ hội Bưởi Đại Minh và Đua thuyền trên hồ Thác Bà năm 2017

Đòn bẩy cho du lịch phát triển

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/10/2017 | 11:08:14 AM

YBĐT - Lễ hội Bưởi Đại Minh và Đua thuyền trên hồ Thác Bà năm 2017 được tổ chức trong 3 ngày, từ 10 đến 12/11 tại xã Đại Minh và thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình. Đây là lễ hội lần đầu tiên được tổ chức, hứa hẹn sẽ là sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo và hấp dẫn, riêng có trên quê hương hồ Thác.

Lãnh đạo huyện Yên Bình thăm vườn bưởi của gia đình anh Cao Văn Mạnh ở thôn Đồng Nếp, xã Đại Minh.
Lãnh đạo huyện Yên Bình thăm vườn bưởi của gia đình anh Cao Văn Mạnh ở thôn Đồng Nếp, xã Đại Minh.

Điểm nhấn của Lễ hội Bưởi Đại Minh và Đua thuyền trên hồ Thác Bà năm 2017 là hội chợ trưng bày trái bưởi và cây bưởi giống Đại Minh. Tất cả 15 thôn của xã Đại Minh sẽ lựa chọn những trái bưởi to và ngon nhất hái trên những cây bưởi hàng trăm năm tuổi, được gắn nhãn mác để trưng bày và giới thiệu với du khách. Gần 100 thôn nữ duyên dáng, trong trang phục độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng hồ sẽ đua tài bóc bưởi và chế biến các sản vật đặc trưng của vùng hồ từ giống bưởi quý Đại Minh. 

Hội thi ẩm thực "Hương vị vùng hồ” của 26 xã, thị trấn trong huyện cũng hứa hẹn đem đến cho du khách nhiều điều thú vị. 

Đây là lễ hội lần đầu tiên được tổ chức hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2017 Lào Cai – Tây Bắc của huyện Yên Bình. 

Do vậy, để tổ chức Lễ hội thành công, hấp dẫn, tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách du lịch trong và ngoài nước, huyện đã chỉ đạo tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về Lễ hội cũng như giới thiệu về tiềm năng, nét đẹp văn hóa độc đáo của mảnh đất, con người Yên Bình, tôn vinh giá trị cây bưởi, người trồng bưởi… Đồng thời, yêu cầu tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn, nhất là 2 địa phương xã Đại Minh và thị trấn Thác Bà - nơi diễn ra Lễ hội tập trung mọi nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng và chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Lễ hội. 

Ông Phạm Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh cho biết: "Xã đã chỉ đạo mỗi thôn lựa chọn từ 3 đến 5 vườn bưởi đẹp, có chất lượng để phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch; đồng thời, chuẩn bị đủ sản phẩm bưởi ngon để trưng bày, giới thiệu quảng bá tại Lễ hội. Đặc biệt, nhằm phục vụ tốt cho hội thi thôn nữ duyên dáng vùng bưởi, mỗi thôn trong xã cũng đã cử ra 5 cô gái đẹp, duyên dáng, khéo tay để trình diễn trang phục và thi bóc bưởi, chế biến các món ăn đặc sản từ bưởi, thi nấu ăn "hương vị hồ Thác”. Nhân dân ở 15 thôn của xã cũng đã tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp và luyện tập văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để phục vụ Lễ hội”.
 

                                                          Đi thuyền trên hồ Thác

Đại Minh là quê hương của vùng đất bưởi Khả Lĩnh. Toàn xã có gần 900 hộ, hầu như nhà nào cũng trồng bưởi với tổng diện tích gần 150 ha. Nhà trồng nhiều có vài trăm gốc, nhà ít cũng có vài chục gốc bưởi. Trung bình mỗi năm, người dân Đại Minh thu khoảng hơn 20 tỷ đồng tiền bưởi, riêng năm 2017 dự kiến thu từ 50 tỷ đồng trở lên.
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Ngà ở thôn Minh Thân chia sẻ: "Gia đình tôi trồng gần 300 gốc bưởi, trong đó có khoảng chục cây có tuổi đời từ 60 năm tuổi trở lên. Năm ngoái, ở thời điểm này, tôi đã bán hết vườn bưởi cho các thương lái nhưng năm nay gia đình giữ lại chưa bán để phục vụ Lễ hội”. Được biết, vườn bưởi của gia đình chị Ngà cũng là một trong những mô hình bưởi đẹp mà xã Đại Minh lựa chọn để khách du lịch tới tham quan trong những ngày diễn ra Lễ hội.

Song song với đó, công tác chuẩn bị cho Hội đua thuyền trên hồ Thác Bà cũng đang được các địa phương trên địa bàn huyện Yên Bình triển khai thực hiện nghiêm túc. Lễ khai mạc hội đua thuyền sẽ được tổ chức tại chân đền Mẫu Thác Bà và địa điểm đua thuyền diễn ra tại bến cảng thuộc khu phố 7, thị trấn Thác Bà với sự tham gia của gần 100 vận động viên đến từ các xã, thị trấn trong huyện, tranh tài ở 3 nội dung đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ.
 
Ông Hoàng Công Thành - Chủ tịch UBND thị trấn Thác Bà cho hay: "Thị trấn đã phối hợp với Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà chuẩn bị an toàn điểm bơi, hồ bơi cũng như ca nô cứu hộ, áo phao cho các vận động viên và có kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trước trong và sau Lễ hội. Đồng thời, chỉ đạo tất cả các khu phố chuẩn bị 20 sản vật địa phương để tham gia gian hàng hội chợ quê và thành lập đội thi ẩm thực. Thị trấn cũng đã tổ chức ra quân chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường sạch, đẹp để đón chào du khách”.

Lễ hội Bưởi Đại Minh và Đua thuyền trên hồ Thác Bà sẽ chính thức khai mạc vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 10/11/2017 tại sân vận động xã Đại Minh. 

Đến với Lễ hội, du khách sẽ có dịp tham quan cây bưởi tổ có tuổi đời hơn 100 năm, tham quan 13 cây bưởi đầu dòng của làng bưởi Khả Lĩnh, tham quan những vườn bưởi đẹp quả sai trĩu cành, thưởng thức vị thơm ngọt, dịu mát của trái bưởi tiến vua và các món ăn đặc sản mang đậm "Hương vị hồ Thác” được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có, do chính bàn tay khéo léo của người dân bản địa làm nên.
 
Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm, tham gia vào các trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào vùng sông Chảy và thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan; khám phá vẻ đẹp bí ẩn, kỳ diệu của thiên nhiên hồ Thác qua các tour du lịch: Thủy điện Thác Bà - Phúc An - Xuân Long; Thác Bà - Ngòi Tu - động Thủy Tiên; Thác Bà - động Cẩu Quây - Tân Hương; Thác Bà - đát Ô Đồ; các tour du lịch tâm linh như: đình Khả Lĩnh, chùa Nổi, đền Cửa Ngòi, đình chùa Phúc Hòa, đền Mẫu Thác Bà… Lễ hội lần đầu tiên được tổ chức, hứa hẹn sẽ là sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo, hấp dẫn.

                                                                                Kiều Mười - Đức Thành (Đài TT-TH Yên Bình)
 
Ông Nguyễn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình:
 

Lễ hội Bưởi Đại Minh và Đua thuyền trên hồ Thác Bà nhằm quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Yên Bình để đầu tư phát triển vào lĩnh vực du lịch. Đồng thời, thu hút khách du lịch tới tham quan quảng bá, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững.

Ông Phạm Xuân Thảo - Trưởng thôn Làng Cần, xã Đại Minh:
 

Để chuẩn bị cho Lễ hội, chúng tôi lựa chọn 3 vườn bưởi đẹp nhất của gia đình bà Hoàng Thị Bảng, ông Vũ Văn Hải và bà Đỗ Kim Tuyến để giới thiệu với khách du lịch. Thôn cũng đang tổ chức cho 2 đội văn nghệ và thể thao thường xuyên luyện tập để tham gia biểu diễn. Hy vọng, thông qua lễ hội lần này, du khách sẽ hiểu hơn về nguồn gốc, giá trị cây bưởi cũng như tiềm năng du lịch của vùng hồ Thác Bà.
 
Ông Cao Đức Sinh - Trưởng khu phố 7, thị trấn Thác Bà:
 

Khu phố 7 là địa điểm diễn ra hội đua thuyền, chúng tôi đã huy động hơn 100 công ra quân vệ sinh, tu sửa sân bãi. Đồng thời, phát quang toàn bộ tuyến đường dẫn xuống bến cảng để phục vụ các vận động viên đua thuyền và du khách tới tham quan. Bà con nhân dân thị trấn Thác Bà đang háo hức chờ ngày khai hội.


Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục