Đại Minh mùa bưởi chín

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/11/2017 | 7:49:33 AM

YBĐT - Đón bao mùa bưởi chín, ông Khải da diết hoài nhớ mùa hoa khởi đầu của trái ngọt dâng đời: "Em bảo sẽ về thăm quê anh/ Vào giữa mùa xuân ngày lễ hội/ Cùng dòng người rước nước giếng thiêng/ Cùng dâng hương trước ngôi đình cổ/ Được ngắm hoa bưởi trắng làng quê”.

Vườn bưởi của gia đình ông bà Nguyễn Văn Đông - Nguyễn Lê Hằng Nga ở thôn Quyết Tiến 11.
Vườn bưởi của gia đình ông bà Nguyễn Văn Đông - Nguyễn Lê Hằng Nga ở thôn Quyết Tiến 11.

Thư thả dạo bước trên những con đường bê tông, anh Nguyễn Văn Quân - công chức Địa chính - Nông lâm xã Đại Minh, huyện Yên Bình nhớ nằm lòng tên nhà, tên người cũng như số tiền bưởi thu trong năm.  

15 thôn của Đại Minh thì duy nhất thôn Cát Lem không trồng bưởi vì không có đất, người dân sinh sống theo hai bên trục đường kinh doanh dịch vụ. Trong tổng số 858 hộ toàn xã, có tới 626 hộ trồng bưởi. 

Phục vụ Lễ hội Bưởi Đại Minh và Đua thuyền trên hồ Thác Bà năm 2017 của huyện Yên Bình, địa phương đã chọn 4 hộ để dẫn khách tham quan vườn bưởi. Các hộ được chọn đều có địa điểm thuận lợi, đi lại dễ dàng, vườn bưởi đẹp, chất lượng ngon. 

Mặc dù các hộ đều đã bán hết vườn bưởi cho thương lái từ giữa năm nhưng khách đến thăm vườn vẫn có thể mua bưởi tại cây theo đúng một giá thống nhất là 30.000 đồng một quả. Gia đình ông Trần Văn Hiệp ở thôn Quyết Tiến 12 có vườn bưởi 300 cây được chọn cho khách tham quan trong dịp này.
 
Không phải chuẩn bị gì nhiều vì theo ông Hiệp, thường ngày, vườn bưởi của gia đình vẫn luôn bảo đảm sạch sẽ, vệ sinh, thoáng đẹp, chỉ là Lễ hội thì sẽ làm cho đẹp hơn nữa. Ông Hiệp phấn khởi chia sẻ: "Không chỉ riêng mình tôi mà cả làng, cả xã đều rất vui khi huyện tổ chức Lễ hội Bưởi năm nay. Gia đình tôi sẽ phục vụ khách tham quan chu đáo, nhiệt tình để một lần đến là khách nhớ mãi, để khách muốn quay trở lại với Đại Minh”.

Nắng chạm đông còn vương nhớ mùa thu, vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Đông ở thôn Quyết Tiến 11 mang dáng vẻ mơ màng chẳng khác một bức tranh tĩnh vật. Những trái bưởi tròn căng đương độ chờ chín đã nhuốm ngả sang vàng. Đưa khách thăm vườn cùng tiếng xuýt xoa không ngớt, vợ ông Đông là bà Nguyễn Lê Hằng Nga rạng rỡ nụ cười má lúm.
 
Bà Nga hồ hởi: "Cả vườn nhà có 400 cây bưởi thì 100 cây đang trong thời kỳ kinh doanh. Riêng 17 cây bưởi Đại Minh trên 60 năm tuổi, nhà đã bán 16 cây được 250 triệu đồng cho thương lái ở Việt Trì đặt mua từ tháng 5 âm lịch”. 

Như những trái bóng tròn lũ trẻ trai treo tùy ý khắp vườn, phảng phất hương bưởi gần xa, bà Nga bảo rằng nếu rộ mùa bưởi chín thì đúng tầm tháng 10 âm lịch, không gian bao trùm cả làng như được tẩm hương, ngọt êm và dịu nhẹ, lại thanh nhã, rất trong trẻo.
 
Ông Đông mách một kinh nghiệm thế này: "Có thể chọn bất cứ quả bưởi nào mình ưng, nếu bưởi chín động vào sẽ tự rụng luôn”. 

Thử xem nào… Ơ, đúng thế này, chạm vào cái, bưởi rơi ngay! Quả bưởi rõ nặng tay, vỏ màu vàng tươi sáng, vừa xinh, mẩy mọng. Tự tay chủ nhà gọt lớp vỏ mỏng, bóc phần cùi trắng róc ráo tuột, tách từng múi trắng ngà để mời khách. 

Múi bưởi chín lên nước, óng trong, mềm cong, giống chiếc lược chải tóc người thôn nữ. Cảm giác nếm bưởi ngay tại vườn thật tuyệt, khác với lúc ăn đâu đó hay sang trọng trên bàn ăn nhà hàng, khách sạn…

Ông Hiệp, ông Đông, bà Nga… hay bất kỳ người dân Đại Minh nào cũng đều chung tâm trạng vinh dự xen lẫn tự hào khi Lễ hội Bưởi được tổ chức và được đón du khách ngay trên quê hương mình. Không những vậy, họ còn chung hy vọng được giới thiệu đặc sản bưởi ngọt đến với bạn bè mọi miền, gợi mở tiềm năng du lịch. 

Nói như ông Nguyễn Văn Đông thì "Một lần nếm bưởi Đại Minh, du khách hẳn sẽ nhớ mãi. Khi thương hiệu Bưởi Đại Minh còn chưa được nhiều người biết đến, Lễ hội năm nay chính là cơ hội lớn quảng bá cho trái bưởi đặc sản, cho chúng tôi, cho địa phương, phấn khởi lắm!”.
 
Trái ngon mang lại một cuộc sống sung túc cho người dân Đại Minh nên không ai có thể quên cội nguồn. Thắp nén nhang thơm nơi đình làng Khả Lĩnh là ngày xưa hiển hiện giữa hôm nay.
 
Phía trước đình, chếch mé trái, vườn nhà ông Trần Quang Khải - Trưởng thôn Khả Lĩnh có hai cây bưởi cổ hơn trăm năm tuổi rợp bóng xanh. Cây bưởi cổ vẫn đơm hoa trắng ngần mùa xuân và quả vẫn đậu trĩu mùa bưởi chín. 

Đón bao mùa bưởi chín, ông Khải da diết hoài nhớ mùa hoa khởi đầu của trái ngọt dâng đời: "Em bảo sẽ về thăm quê anh/ Vào giữa mùa xuân ngày lễ hội/ Cùng dòng người rước nước giếng thiêng/ Cùng dâng hương trước ngôi đình cổ/ Được ngắm hoa bưởi trắng làng quê”.
 
Đại Minh mùa bưởi chín, là mênh mang thăm thẳm thương nhớ những mùa hoa, là tình yêu cuộc sống thiết tha và trân quý cội nguồn.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục