Hạn khuống - tự hào di sản

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/2/2018 | 9:10:29 AM

YBĐT - Ngày 23/1/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chính thức công nhận Hạn khuống của người Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ vinh danh nghệ thuật trình diễn dân gian Hạn khuống và đón nhận chứng nhận di sản được tổ chức trong Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò 2017 trở thành một điểm nhấn dịp này.

Trai gái Thái giao duyên trên sàn Hạn khuống.
Trai gái Thái giao duyên trên sàn Hạn khuống.


Thêm một lần nữa, người Thái đất này không chỉ dâng trào niềm vui vì giá trị nét văn hóa dân tộc được công nhận, tôn vinh mà còn tự hào khi nó đã là di sản. Tự hào bao nhiêu, ý thức giữ gìn, phát huy di sản càng bấy nhiêu trong họ.

Cũng là một người Thái Mường Lò, lại vốn nặng lòng với văn hóa dân tộc mình, bà Lò Thị Huân - Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ không giấu nổi niềm tự hào cho cả thị xã: "Đây không chỉ là niềm vinh dự của riêng người Thái mà còn là niềm tự hào của thị xã nói chung. Sau Khu di tích lịch sử - văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ, nghệ thuật xòe Thái Mường Lò, nay đến Hạn khuống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì giờ đây Nghĩa Lộ đang sở hữu ba di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, càng tô đậm thêm bản sắc văn hóa cho vùng  đất này. Điều này, cũng đồng thời tạo thêm điều kiện cho thị xã phát triển kinh tế du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc".
 
Tự hào cũng là cảm xúc ngập tràn trong lòng Nghệ nhân dân gian Việt Nam - Điêu Thị Xiêng ở xã Nghĩa An khi đón nhận tin vui này: "Vốn yêu mến văn hóa dân tộc mình, lại là người được tham gia vào khôi phục, gìn giữ Hạn khuống thời gian qua, không cảm thấy tự hào sao được khi lần lượt xòe Thái rồi Hạn khuống trở thành di sản. Dường như cũng vì thế mà cảm thấy hãnh diện hơn khi là người Thái Mường Lò”.
 
Đúng là những người nặng lòng với văn hóa Thái như nghệ nhân Điêu Thị Xiêng thì giờ đây không thể không tự hào, hãnh diện khi đã từng có những trăn trở, khắc khoải về sự mai một của nét văn hóa này trước đó.

Hạn khuống theo tiếng Thái, "hạn” có nghĩa là sàn, "khuống” là sân, đất trong bản; "Hạn khuống” có nghĩa là cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời để mọi người trong bản gặp nhau trao đổi, tâm sự; là nơi để thanh niên nam, nữ chưa có gia đình tìm hiểu nhau thông qua việc thử tài văn chương, ứng đối, tài làm ăn… rồi có thể kết duyên vợ chồng. Cảm mến nhau từ sàn Hạn khuống mà anh Lò Văn Chắp và chị Đinh Thị Hiến ở thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An đã nên duyên chồng vợ.
 
Cũng gặp gỡ nhau trên sàn Hạn khuống năm nào để rồi chị Hoàng Thị Sươi và anh Hoàng Văn Thao ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An đến nay đã cùng nhau đắp xây tổ ấm gia đình. Rất nhiều cặp đôi đã nên duyên như thế để sàn hoa Hạn khuống càng đậm đà những giá trị thiết thực. Nhưng rồi, theo năm tháng thời gian, vì nhiều lẽ, như chuyện người am hiểu Hạn khuống dần vơi, như chuyện người biết hát đối đáp trong Hạn khuống ngày một vợi, như việc sinh hoạt Hạn khuống bấy lâu chỉ được lưu truyền bằng miệng chứ chưa được văn bản hóa… khiến Hạn khuống đứng trước nguy cơ mai một là điều rất gần nếu không có động thái nào gìn giữ.

Chẳng thể để một nét văn hóa độc đáo dần mất đi, Nghĩa Lộ đã hạ quyết tâm khôi phục và bảo tồn Hạn khuống. Già làng, nghệ nhân, người am hiểu về Hạn khuống được khuyến khích tham gia nghiên cứu, xây dựng kịch bản của lễ hội. Các lớp truyền dạy các bài hát (khắp), thổi khèn, pí, sử dụng các đạo cụ phục vụ Hạn khuống được mở ra. Hội Hạn khuống cấp thị xã được tổ chức để tuyên truyền trong đồng bào, giới thiệu tới du khách. Lễ hội tại các xã, phường cũng được tổ chức luân phiên nhau vào dịp rằm tháng Giêng, Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò.
 
Đặc biệt, thị xã đã triển khai thực hiện Đề tài "Nghiên cứu và bảo tồn lễ hội Hạn khuống của đồng bào Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ". Đề tài đã được Hội đồng Khoa học tỉnh đánh giá đạt loại xuất sắc, tiếp tục được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đã chính thức đạt được danh hiệu này vào tháng 1 năm nay. Kết quả đó như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực bảo tồn nét văn hóa này của Nghĩa Lộ.

Giờ đây, niềm tự hào di sản càng tiếp thêm động lực để thị xã nói chung và đồng bào Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ nói riêng gìn giữ, phát huy giá trị của Hạn khuống. 7 xã, phường của thị xã đều có đội văn nghệ hát được các bài khắp trong Hạn khuống; đều có đội thổi khèn bè, đánh trống và sử dụng các nhạc cụ trong Hạn khuống.
 
Tại nhà sàn văn hóa xã Nghĩa An và Nghĩa Lợi luôn dựng sẵn một sàn Hạn khuống để có thể biểu diễn cho du khách thăm quan trong dịp lễ tết, hội xuân. 2 đội văn nghệ hát thuần thục và có phong cách biểu diễn Hạn khuống tốt được lựa ra từ đội văn nghệ các xã, phường, sẵn sàng biểu diễn trong các dịp lễ hội lớn của thị xã.
 
Các nghệ nhân và người am tường hát Hạn Khuống như bà Điêu Thị Xiêng ở xã Nghĩa An, bà Hoàng Thị Văn ở phường Tân An vẫn tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ từng làn điệu, từng lời hát trong Hạn khuống bằng cả tình yêu văn hóa dân tộc để các em có thể hát có "hồn" nhất bằng cả niềm tự hào.
 
Trong lớp trẻ cũng đã có thể gọi đến nhiều cái tên hát Hạn khuống như Lò Thị Thúy, Đồng Thị Nhất… mà người truyền dạy có thể hài lòng. Hội Hạn khuống còn được các xã, phường luân phiên tổ chức trong dịp Rằm tháng Giêng hàng năm để bà con cảm thụ, du khách biết đến, tìm hiểu, thưởng thức.
 
Cùng với xòe Thái,  Hạn khuống tiếp tục tô sắc cho văn hóa dân tộc Thái xứ này đậm "chất Mường Lò", hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm. Nhưng quan trọng hơn, không phải chỉ dừng lại ở trình diễn, sàn hoa Hạn khuống thực sự đang dần trở lại đời sống từ chính nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Thái Mường Lò.

Thu Hạnh

Các tin khác
Thiếu nữ Thái trên sàn Hạn khuống. (Ảnh: Thu Hiền)

YBĐT - Về làng du lịch Nghĩa An trong dịp tết Nguyên đán, du khách không chỉ được ở trong những ngôi nhà sàn thoáng đãng, mát mẻ của người Thái đen, Thái trắng mà còn được thưởng thức nhiều món ăn rất ngon Đón năm mới, đồng bào Thái, Mường ở Nghĩa An cứ ăn tết vui xuân như vậy cho đến ngày 13 - 15 tháng Giêng thì mở hội Lồng tồng (hội xuống đồng).

YBĐT - Mường Lò - lịch sử nhắc tên một vùng đất tổ người Thái, văn hóa dân tộc nhắc tên vùng đất đậm đà bản sắc, bản đồ ẩm thực trong lòng thực khách sành sỏi chắc chắn phải nhắc tên một vùng của gạo trắng, nước trong.

Du khách đến với xã Nghĩa Lợi ngày càng nhiều (ảnh Văn Tuấn)

YBĐT - Năm 2017 khép lại, cũng là năm được đánh giá là năm ngành du lịch của thị xã Nghĩa Lộ đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

YBĐT - Năm 2017 vừa qua, du lịch Yên Bái đã đón khoảng 507.000 lượt khách, tăng 3,4% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 23.500 lượt; doanh thu từ các cơ sở lưu trú ước đạt 270,5 tỷ đồng - tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này sẽ là tiền đề quan trọng để du lịch Yên Bái cất cánh trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục