Lễ hội đâm đuống của người Mường xã Nghĩa Phúc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2018 | 8:12:19 AM

YBĐT - Xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ là địa phương có tới 35% đồng bào Mường sinh sống. Đâm đuống vẫn được người Mường ở Nghĩa Phúc gìn giữ, lưu truyền. Hiện, người già trong xã còn lưu giữ được cả chiếc đuống gần 100 năm tuổi. 

Diễn viên trong đoàn trình diễn của xã Nghĩa Phúc tích cực tập luyện trình diễn lễ hội đâm đuống.
Diễn viên trong đoàn trình diễn của xã Nghĩa Phúc tích cực tập luyện trình diễn lễ hội đâm đuống.

Lễ hội đâm đuống là một trong những đặc trưng văn hóa của người Mường. Đâm đuống là hình thức giã gạo bằng chiếc cối làm nguyên thân cây to có chiều dài 1,8 - 2 m, đường kính 50 - 70 cm, ở giữa được đục rỗng giống một máng gỗ to, chắc và đẹp. Chày giã dài như đòn gánh, tròn và thon gọn, được làm bằng thân tre, 2 đầu là mấu đặc của thân cây.


Đâm đuống trong lễ hội đã được nghệ thuật hóa kết hợp với các nhạc cụ dân tộc như: chiêng, trống… tạo nên những bản nhạc rộn ràng, âm vang với không khí vui tươi, phấn khởi. Lễ hội đâm đuống thường được tổ chức trong các dịp: ngày mùa, ngày tết, cưới xin, lên nhà mới… với ý nghĩa mô tả lại hình ảnh lao động, sáng tạo của người Mường gắn với nền văn minh lúa nước, thể hiện tấm lòng trân trọng thành quả lao động của con người trong sản xuất nông nghiệp và sự đoàn kết cộng đồng trong bản Mường. 

Nhất là những ngày mùa, trong không gian thoảng hương lúa mới, tiếng nói cười của dân bản hòa nhịp đuống âm vang, chắc nịch mang theo niềm tin và ước vọng về một vụ mùa mới bội thu, mưa thuận gió hòa, dân làng yên vui, gặp nhiều may mắn và ngày càng phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ là địa phương có tới 35% đồng bào Mường sinh sống. Đâm đuống vẫn được người Mường ở Nghĩa Phúc gìn giữ, lưu truyền. Hiện, người già trong xã còn lưu giữ được cả chiếc đuống gần 100 năm tuổi. 

Chị Đinh Thị Tiêng ở thôn Ả Thượng, xã Nghĩa Phúc kể rằng: "Ngày còn nhỏ hay được theo bố mẹ đi xem hội và xem đâm đuống. Thật vui vì bây giờ đâm đuống vẫn được gìn giữ trong cộng đồng Mường ở đây”.

Trong lễ hội diễu diễn đường phố nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò 2018, lễ hội đâm đuống của người Mường cũng sẽ được xã Nghĩa Phúc trình diễn. Công tác chuẩn bị và tập luyện Lễ hội đâm đuống được xã triển khai tích cực. 

Xã đã chuẩn bị đầy đủ các đạo cụ gồm: đuống, chày giã đuống, trống, chiêng và huy động, tuyển chọn 100 người tập luyện, chia làm 3 nhóm chính: nhóm nhạc cụ sử dụng trống, chiêng; nhóm giã đuống và nhóm biểu diễn mô phỏng múa đâm đuống.

Chị Nguyễn Thị Lan - cán bộ phụ trách văn hóa xã Nghĩa Phúc cho biết: "Mặc dù vào thời điểm bận rộn thu hoạch vụ mùa, bắt tay vào sản xuất vụ đông song chị em có mặt tập luyện rất đông đủ, hiệu quả. Không khí buổi tối những ngày này tại sân trụ sở UBND xã thật rộn ràng, thu hút cả những người dân và các em nhỏ trong xã ra cổ vũ, xem và đóng góp ý kiến vào màn trình diễn”.
 
Nói về kịch bản trình diễn đâm đuống của xã Nghĩa Phúc, ông Đặng Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã xây dựng kịch bản trình diễn chi tiết để tập luyện. Đi đầu là xe rước đuống và biểu diễn đâm đuống, trên xe có trống và chiêng cái to. 

Tiếp đó là đoàn biểu diễn nhạc cụ gõ chiêng gồm 8 cái, sau là đoàn múa đuống chia làm 6 hàng, mỗi hàng 5 người và cuối cùng là đoàn múa dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gồm 50 người để múa phụ họa cho múa đuống. 

Đây là dịp giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến du khách gần xa nên công tác chuẩn bị từ trang phục, đạo cụ và tập luyện rất công phu. 
 
Hạnh Quyên

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục