Triển vọng du lịch ở Thượng Bằng La

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2018 | 1:57:38 PM

YBĐT - Từ tháng 6/2018, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn bắt tay vào xây dựng tour du lịch cộng đồng với phương thức liên kết các hộ dân có nhu cầu tạo thành chuỗi các điểm du lịch: di tích lịch sử quốc gia đèo Lũng Lô, các hang động, thác nước, nhà sàn dân tộc Tày, trải nghiệm vườn cam và các điệu dậm thuông, múa sạp, hát then, đàn tính…

Biểu diễn hát then – đàn tính tại cơ sở của chị Nguyễn Thị Hằng trong tour du lịch cộng đồng xã Thượng Bằng La.
Biểu diễn hát then – đàn tính tại cơ sở của chị Nguyễn Thị Hằng trong tour du lịch cộng đồng xã Thượng Bằng La.

Ông Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong xã, các hộ dân có nhu cầu đã liên kết cùng nhau làm du lịch, từ những mắt xích nhỏ ấy sẽ tạo thành chuỗi hoàn chỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. 

Theo đó, xã kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp ủng hộ kinh phí, vật liệu, hiện vật; các khối đoàn thể ủng hộ bằng ngày công, vật liệu để xây dựng. 

Riêng các nhà văn hóa, du lịch cộng đồng giao cho các thôn lựa chọn và gia đình đăng ký hưởng ứng tự đầu tư tu sửa, mua sắm theo hướng giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, phát triển các loại dịch vụ: văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, ẩm thực và nghỉ ngơi theo yêu cầu nhằm thu hút khách du lịch.

Điểm đến đầu tiên trong tour du lịch là Di tích lịch sử quốc gia đèo Lũng Lô – nơi hơn 60 năm về trước là đoạn đường huyết mạch chuyển quân và tiếp tế lương thực phục vụ kháng chiến chống Pháp, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.
 
Tại đây, xã chủ trương vận động nhân dân kiến tạo cảnh quan đẹp nhưng không làm phá vỡ các di tích và môi trường, từ đó tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng phát huy tinh thần yêu nước, khơi gợi niềm tự hào dân tộc. 

Cách đó không xa, du khách có thể chiêm ngưỡng những kỳ tích của tạo hóa trong các hang động tự nhiên: hang Thương Binh (thôn Dạ), hang Thẳm Thoóng (thôn Thắm), hang động thôn Mỏ...
 
Đặc biệt, tại khu vực hang động thôn Mỏ thuộc khu lán trại gia đình ông Sầm Văn Thắng, xã huy động nhân dân xây dựng 10 lán cọ làm điểm dừng chân cho du khách, tạo một đoạn đường leo núi, trải nghiệm các hoạt động câu cua, chơi thác, dã ngoại, chụp ảnh bảo đảm an toàn tuyệt đối.
 
Bên cạnh đó, xã quy hoạch các địa điểm đẹp, bằng phẳng, rộng rãi, thuận tiện đi lại để vận động nhân dân đăng ký trồng đồi hoa các loại. Xã còn tiến hành khảo sát, lựa chọn một vài hộ gia đình có khuôn viên vườn cam đẹp để trở thành một điểm đến trong tour du lịch.
 
Với hình thức tham quan, tự tay lựa chọn trái mong muốn và thưởng thức ngay tại chỗ sẽ không chỉ là một trải nghiệm thú vị mà còn góp phần quảng bá thương hiệu cam ngon xã Thượng Bằng La.

Sau một ngày trải nghiệm đầy lý thú, điểm dừng chân cuối cùng sẽ là những ngôi nhà sàn truyền thống nằm rải rác tại các thôn, bản với những món ăn dân dã chế biến từ những nguồn thực phẩm sạch do chính những nông dân vun trồng.
 
Là một trong những hộ dân đăng ký tham gia liên kết vào tour du lịch cộng đồng, chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Noong Tài cho biết: "Ngoài các hoạt động chính bao gồm: khu bể bơi ngoài trời, khám phá ẩm thực dân tộc, chiêm ngưỡng các điệu múa, làn điệu dân ca của người Tày, nhà nghỉ cộng đồng, tôi còn liên kết với các hộ dân trên địa bàn để dẫn khách trải nghiệm những hang động, mỏ nước, thác xả tràn; liên kết với các đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã tổ chức cho khách trực tiếp câu cá và được mang về thưởng thức chiến lợi phẩm của mình. Với lượng khách như hiện nay, tôi dự kiến sẽ mang lại doanh thu hàng năm từ 300 - 400 triệu đồng/năm”.

Với sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân, tin rằng, du khách đến với tour du lịch cộng đồng trên miền đất anh hùng Thượng Bằng La sẽ có những trải nghiệm khó quên, để rồi dù chia tay nhưng sẽ còn trở lại.

Hoài Anh

Các tin khác
Diễn viên trong đoàn trình diễn của xã Nghĩa Phúc tích cực tập luyện trình diễn lễ hội đâm đuống.

YBĐT - Xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ là địa phương có tới 35% đồng bào Mường sinh sống. Đâm đuống vẫn được người Mường ở Nghĩa Phúc gìn giữ, lưu truyền. Hiện, người già trong xã còn lưu giữ được cả chiếc đuống gần 100 năm tuổi. 

Bánh chưng đen - một loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò

YBĐT- 70% các mặt hàng thuộc 18 gian hàng của thị xã Nghĩa Lộ tại Chợ quê và Lễ hội bánh Mường Lò năm 2018 là các loại bánh được làm từ tinh hoa hạt gạo Mường Lò. Điểm nhấn quan trọng trong là Hội thi làm bánh chủ đề "Hương vị Mường Lò” sẽ khai mạc vào sáng ngày 22/9.  

Phiên chợ vùng cao Mù Cang Chải bày bán nhiều mặt hàng thổ cẩm của đồng bào Mông

Thông tin từ UBND huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Chợ phiên vùng cao Mù Cang Chải năm 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 20/9 đến 30/9.

Đoàn diễu diễn của các xã, phường trong ngày khai mạc Tuần VH&DL Mường Lò năm 2017. (Ảnh: Minh Tuấn)

YBĐT - Tuần Văn hóa - Du lịch (VH&DL) Mường Lò năm 2018 có chủ đề "Lễ hội dân gian về miền ban trắng Mường Lò”. Đây là hoạt động thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Nghĩa Lộ - Mường Lò, tạo sự phát triển mạnh về du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục