Độc đáo chợ “5 nghìn”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/1/2019 | 4:41:40 PM

YênBái - Không họp theo phiên như những chợ quê khác, không chen lấn, xô bồ mà gần gũi, thân thuộc lại vô cùng độc đáo bởi chợ bán những sản vật địa phương và đặc biệt hầu hết các mặt hàng trước đây đều có giá 5 nghìn đồng. 

Ngày càng nhiều mặt hàng nông sản được người dân bày bán ở  chợ “5 nghìn”.
Ngày càng nhiều mặt hàng nông sản được người dân bày bán ở chợ “5 nghìn”.

Với màu sắc ấy, chợ "5 nghìn” in đậm nét văn hóa riêng có, ấn tượng nơi phía Tây của tỉnh. 

Chẳng rõ có từ bao giờ, nhưng những người buôn bán có thâm niên ở chợ bảo, khoảng chừng chục năm có lẻ chợ "5 nghìn” được hình thành bên ven tuyến Quốc lộ 32C thuộc địa bàn xã Đồng Khê (Văn Chấn) này. Hàng hóa bán ở chợ chủ yếu là các loại rau, củ, quả mà người dân tự trồng hay đi hái trong rừng như: rau cải nương, khoai sọ, bí ngô, rau dớn, cơm lam, thuốc nam đến các món bánh của đồng bào địa phương như bánh sắn, bánh chưng, bánh tò he… 

Chủ nhân của các món đồ đa phần là người Mông, Tày, Thái xưa nay chân lấm tay bùn, nhiều người trong số họ không biết chữ, có người không nói được tiếng phổ thông nhưng họ đã mạnh dạn mang các sản vật từ vườn nhà, hái trên rừng đi bán. Hàng hóa được bán theo một "quy ước” chung là giá chỉ 5 nghìn đồng, không hơn, không kém, không thêm, không bớt, nên việc mua bán khá đơn giản. 

Chợ hình thành từ đó và mở rộng khá nhanh cũng như ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư duy sản xuất hàng hóa của đồng bào địa phương. 

Bà Hoàng Thị Hưởng - xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn người buôn bán chợ "5 nghìn” chia sẻ: "Trước kia, bà con mình không biết buôn bán, làm ra củ sắn, bó rau là để ăn, nhiều thì đem tặng nhau. Sau sản phẩm làm ra nhiều ăn không hết đã đem ra chợ bán kiếm tiền mua sắm thứ khác trang trải cuộc sống gia đình. Các loại rau, củ, quả được bán tại chợ là "hàng sạch”. 

Bà con mình xưa nay trồng cây không dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên nhìn không được đẹp mã nhưng chất lượng thì đảm bảo an toàn. Điểm chợ này đã giúp người dân bản địa chúng tôi có thêm thu nhập để vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống”. 

Từ "thương hiệu” đặc biệt ấy, khách hàng của chợ "5 nghìn” không chỉ là người dân sống các xã lân cận mà đặc biệt thu hút du khách đi ngược, về xuôi dừng chân ghé chợ. 

Chị Lê Thị Hồng ở xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn chia sẻ: "Mình thường xuyên đến mua rau, củ quả ở chợ "5 nghìn”, giá cả ở đây khá rẻ lại an toàn. Chợ còn bán loại rau của đồng bào vừa lạ, vừa ngon nên tôi đã trở thành khách hàng quen thuộc ở đây rồi”. 

Còn anh Nguyễn Quang Hà, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi công tác tại huyện Văn Chấn, nhưng nhà ở thành phố Yên Bái nên đã thành quen, cứ cuối tuần về thăm nhà tôi lại ghé chợ "5 nghìn” mua ít rau, củ, bánh trái về làm quà cho gia đình. Nông sản ở đây vừa tươi, ngon, an toàn, nhiều rau củ đặc sản chỉ ở đây mới có, người bán hàng lại chất phác, thật thà”. 

Theo thời gian, chợ "5 nghìn” có nhiều đổi thay, giá chung cũng không còn 5 nghìn nữa mà có những thay đổi theo giá trị của mặt hàng nhưng điều đáng quý là từ chợ "5 nghìn” nhiều hộ người Mông, người Thái, người Tày khu vực Đồng Khê, Suối Bu, Suối Giàng... của huyện Văn Chấn đã có thêm thu nhập ổn định, cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn. Chợ cũng giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. 

Trải qua thời gian, chợ "5 nghìn” vẫn giữ được những nét giản dị, gần gũi, mộc mạc đặc trưng vốn có của mình. Không chỉ mang tính chất thương mại, chợ còn là địa chỉ văn hóa thu hút du khách gần xa. Bởi mỗi người qua đây không chỉ chọn cho mình một sản vật của núi rừng với giá cả hết sức phải chăng mà còn được tiếp xúc với những người nông dân thật thà, chất phác, hiền hậu, để từ đó thêm hiểu, thêm yêu đất và người Tây Bắc.

Thu Hiền

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục