Về miền “gạo trắng, nước trong”

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/9/2019 | 8:12:05 AM

YênBái - Mường Lò - địa danh nổi tiếng có nền văn hóa đa dạng, phong phú; cái nôi quần tụ của dân tộc Thái, Mường; quê hương của điệu xòe, câu khắp khiến bao người mê đắm. Được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước, khí hậu, điều kiện sinh thái, Mường Lò còn được biết đến là vùng “gạo trắng nước trong” với nhiều sản vật độc đáo nức tiếng.

Mường Lò - miền quê “gạo trắng nước trong”.
Mường Lò - miền quê “gạo trắng nước trong”.


Mường Lò - theo các nghiên cứu lịch sử, đó là mảnh đất đầu tiên người Thái đặt chân tới khi di cư vào Việt Nam. Nơi đây, có cánh đồng rộng gần 3.000 ha; trong đó 1.500 ha, thuộc huyện Văn Chấn và 700 ha thuộc thị xã Nghĩa Lộ. Vùng đất này có biên độ nhiệt ngày đêm khá lớn, số giờ nắng cao, tạo điều kiện cho cây lúa tích lũy; chất đất phì nhiêu, nguồn nước trong sạch của các con suối giúp gạo Mường Lò thơm và vị đậm đà. 

Nhờ những điều kiện thiên nhiên đặc thù, nhiều giống lúa khi trồng tại đây đều trở lên thơm ngon, nhất là giống lúa Séng cù và Hương chiêm. Bởi thế, người Mường Lò vẫn hãnh diện truyền tai nhau câu "nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” để nói về những hạt gạo dẻo, thơm, ví như tinh hoa của đất trời. Quả vậy, đến rồi mới tỏ. 

Tới vùng đất xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn vào một chiều thu, hương nếp non đầu mùa phảng phất khắp không gian. 

Bước vào một nhà dân vừa giã vừa bán cốm ven đường, nếm thứ cốm xanh ngắt dẻo thơm, anh bạn đồng hành trong đoàn đến từ Đà Nẵng thốt lên: "Chao ôi! Thơm ngon kỳ lạ quá!”. Ắt hẳn đã quá quen với những bất ngờ của nhiều du khách khi lần đầu thưởng thức cốm xanh nơi đây, chị Hà Thị Thao - chủ nhà hóm hỉnh: "Cốm ở đây ngon vì do người làm đấy chú ạ!”. 

Câu nói ấy cũng chẳng sai. Nếp Tú Lệ ngon do được thiên nhiên ưu đãi khí hậu, do đất, do nước, do cả sự cần cù chăm sóc của những nông dân chân chất hiền lành. 

Vừa thoăn thoắt gói cốm bằng lá dong, như một hướng dẫn viên thực thụ, chị Thao giới thiệu thêm: "Người Tú Lệ chúng tôi có thể chế biến nhiều món từ cốm. Nào là cháo cốm vịt, bánh chưng, bánh rợm, bánh dày, chè mật, chè đường, cơm lam... Khi nào anh chị ăn cơm có thể gọi món xôi kèm thịt trâu gác bếp, thịt lợn nướng, gà đồi. Đây đều là những đặc sản Tú Lệ đảm bảo khi anh chị thưởng thức sẽ không bao giờ quên”. 

Nếp Tú Lệ có hạt tròn mẩy, trắng trong chứ không dài và đục như nếp ở nhiều vùng khác. Khi đồ xôi, nếp Tú Lệ cho hương thơm tỏa lan ngạt ngào, không quá ngậy, khi dùng tay bắt thành những nắm xôi nhỏ mà không thấy quện nhựa hay dính như một số giống nếp khác. Ăn xôi với thịt lợn, gà đặc sản và nhấp thêm ngụm rượu nếp, lâng lâng trong điệu xòe nồng thắm, lúc đó mới cảm được cái hồn của xứ Thái.

Từ hạt gạo nếp Tú Lệ, gạo tẻ Mường Lò, đồng bào dân tộc Thái nơi đây đã sáng tạo nên nhiều loại bánh truyền thống mang đặc trưng của núi rừng miền ban trắng như: bánh chưng đen, bánh chưng lá riềng, bánh chưng lá chít, bánh gù, bánh quẩy, bánh nhãn cùng xôi ngũ sắc, cháo cốm vịt, cơm lam, chè mật, chè đường... 


Dạo quanh một vòng chợ Mường Lò, đâu đâu cũng thấy hình ảnh những cô gái Thái áo cỏm, khăn piêu cùng lời mời ngọt ngào mua các thứ bánh thơm ngon này. Ở Mường Lò còn có nhiều đặc sản khác như món rêu nướng, rêu hấp, măng chua, thịt trâu sấy, nộm hoa chuối rừng… 

Không quá cầu kỳ nhưng những món ăn của vùng đất cổ luôn hấp dẫn du khách thập phương. Chẳng thế mà ít có du khách nào sau khi vào tham quan, mua sắm lại không lỉnh kỉnh nào thịt sấy, nào bánh trái, rau rừng. 

Hiện tại, thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với huyện Văn Chấn thực hiện dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò. Thông qua việc bảo hộ thương hiệu gạo Mường Lò với hình thức chỉ dẫn địa lý, góp phần giúp các địa phương quản lý, quy hoạch sản xuất, kinh doanh gạo Mường Lò chặt chẽ, hiệu quả hơn; đồng thời, nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng, giá thành gạo Mường Lò. 

Qua đó, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ổn định thu nhập cho người dân trồng lúa, từng bước cụ thể hóa mục tiêu đưa ngành nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn phát triển bền vững.

Không chỉ nhắc riêng đến các sản vật từ gạo, khi nói đến miền đất "gạo trắng, nước trong” người ta vẫn thường đặc biệt nhắc tới nền văn hóa của người Thái, người Mường và xứ sở của những lễ hội. Ở đây, có những lễ hội đặc sắc như lễ hội Lồng tồng (hội xuống đồng), lễ hội Xên bản, Xên mường (cúng bản, cúng mường) cầu cho mọi người khỏe mạnh, làng bản ấm no, mưa thuận gió hòa, trâu bò đầy chuồng, thóc lúa đầy nhà... 

Gắn liền với lễ hội là các trò chơi truyền thống của các dân tộc như: kéo co, ném còn, tó mắc lẹ, đánh yến, đu chà... Những trò chơi không chỉ hứng thú mà còn có ý nghĩa giao duyên nồng ấm tìm kiếm bạn đời. 

Kinh tế cùng với văn hóa, con người nơi đây đã song hành, hòa quyện vào nhau tạo nên vùng đất Mường Lò đặc sắc mà ít nơi có được. 

Lê Thương

Tags miền “gạo trắng nước trong” Mường Lò

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục