Đồi thông Eo Gió, Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/10/2019 | 8:17:24 AM

YênBái - Được hình thành từ những ngày đầu thành lập huyện Trạm Tấu, đồi thông Eo Gió, Trạm Tấu đã và đang là điểm hấp dẫn cho du khách thập phương.

Cùng với du lịch suối khoáng nóng, Đồi thông Eo Gió là nơi nhiều du khách chọn khi đến với Trạm Tấu. Ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến cùng lãnh đạo huyện Trạm Tấu trong một lần đi khảo sát Đồi thông Eo Gió.
Cùng với du lịch suối khoáng nóng, Đồi thông Eo Gió là nơi nhiều du khách chọn khi đến với Trạm Tấu. Ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến cùng lãnh đạo huyện Trạm Tấu trong một lần đi khảo sát Đồi thông Eo Gió.

Cánh rừng thông này được những công nhân lâm trường đầu tiên của huyện Trạm Tấu gieo trồng từ những năm 70 của thế kỷ trước. 

Qua nhiều thăng trầm của thời gian, gắn bó với nhiều cuộc đời công nhân trồng rừng, đồi thông Eo Gió như một nhân chứng lịch sử cho tinh thần giữ đất, giữ rừng, giữ chế độ Xã hội chủ nghĩa của đồng bào dân tộc Mông trên huyện vùng cao này. 

Nhiều năm trở lại đây, đồi thông Eo Gió trở thành một điểm hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ, những người ưa du lịch phượt, du lịch mạo hiểm; cũng là địa điểm hấp dẫn để tổ chức các hoạt động dã ngoại, picnic; là nơi lý tưởng để các bạn trẻ hòa mình với thiên nhiên vùng cao Tây Bắc. 

Dáng thông thẳng đứng, nhành lá kim toát lên sự mạnh mẽ, kiên cường nhưng vẫn mảnh khảnh, dịu dàng như con người Trạm Tấu. 

Bước vào đồi thông, con người như rũ bỏ mọi mệt mỏi chốn phố thị để lắng dịu tâm hồn trước thiên nhiên: sáng ra,  sương mờ ảo diệu; nắng lên lại le lói chiếu qua tán lá như ngàn vạn ánh đèn lung linh; chiều, hoàng hôn sẫm tím tận chân trời xa. Trong gió ngàn, đồi thông Eo Gió còn tự tạo cho mình những khúc nhạc hoang dã, mang đến cảm giác yên bình, thư thái cho du khách đến đây.

Đồi thông Eo Gió rộng khoảng 20 ha, là một trong những đồi thông lâu năm nhất ở huyện Trạm Tấu. Để quản lý tốt đồi thông này, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện đã giao cho các nhóm hộ dân ở thị trấn Trạm Tấu bảo vệ. 

Đồi thông Eo Gió không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với những thế hệ công nhân lâm trường đầu tiên gắn bó với mảnh đất này. 

Đồi thông Eo Gió hiện nay là điểm du lịch đang được huyện Trạm Tấu giới thiệu và quảng bá trong chuỗi du lịch miền Tây, huyện đã có cơ chế bảo vệ và phát triển du lịch, trong tương lai không xa sẽ mang lại nguồn thu bền vững từ bảo vệ rừng và du lịch cho người dân Trạm Tấu.

 Phương Thùy (Trung Tâm TT - VH huyện Trạm Tấu)

Tags Trạm Tấu đồi thông du lịch khám phá mạo hiểm

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục