Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - di tích đặc biệt của quốc gia

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/1/2020 | 10:07:39 AM

YênBái - Nhắc đến Mù Cang Chải là người ta nghĩ ngay tới những thửa ruộng bậc thang trải dài như những nấc thang lên tận trời. Kiệt tác hiếm có trong nền văn minh lúa nước Việt Nam lại do chính đôi tay con người sáng tạo ra để thích ứng với điều kiện đất đai, khí hậu và thủy lợi mà thiên ban tặng.

"Sóng núi" Mù Cang Chải.

Kỳ quan từ bàn tay con người

Lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải gắn liền với lịch sử cư trú của tộc người Mông - tác giả của những thửa ruộng bậc thang, chủ nhân cư trú đầu tiên tại vùng đất này. 

Theo các nhà nghiên cứu địa chất thì Mù Cang Chải là địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đất đai chủ yếu là đất feralit vàng đỏ. Điều này, giải thích vì sao người Mông không thể trồng lúa theo phương thức nương rẫy mà thay vào đó, họ phải tận dụng những quả đồi thấp, có diện tích rộng, độ dốc vừa phải, tận dụng được cả nước mưa và nước suối dẫn từ độ cao tràn xuống ruộng thấp để hình thành ruộng bậc thang. 

Đây là một quá trình công phu, tốn nhiều công sức. Công việc khai khẩn được nối tiếp từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên các triền ruộng tựa bức tranh nghệ thuật hoành tráng treo trên các sườn núi. Và nếu tìm hiểu kỹ hơn, sẽ thấy mọi nét văn hóa trong đời sống của đồng bào đều xoay quanh những thửa ruộng bậc thang. 

Từ những chiếc cuốc khum khum phù hợp với việc đào ruộng đắp bờ, đến những nếp nhà hay hoa văn trên trang phục của phụ nữ... Tất cả, tạo nên sự đồng điệu đến kỳ lạ.  

 Năm 2007, những thửa ruộng bậc thang độc đáo ở Mù Cang Chải, Yên Bái chính thức được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia. Đây là một dấu mốc quan trọng và đáng nhớ. 

Bà Lù Thị Lỳ, xã La Pán Tẩn chia sẻ: "Nhiều năm nay, chúng tôi hiểu được việc đồng áng của mình ngoài lấy lương thực cho gia đình thì còn góp phần gìn giữ danh thắng ruộng bậc thang. Chúng tôi thường xuyên sửa chữa bờ cho đẹp, làm cỏ sạch, không vứt rác bừa bãi để du khách đến nhiều, du lịch ngày càng vui hơn”. 

Nhờ bàn tay, khối óc và sự cần cù của người Mông nơi đây, qua nhiều thế hệ đã làm nên một di sản văn hóa, một "tác phẩm điêu khắc” khổng lồ, một kỳ quan, danh thắng quốc gia. Tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp cùng với những lễ hội, những nét văn hoá cổ truyền, đặc sắc của đồng bào Mông nơi đây như: lễ mừng cơm mới, hội Gầu tào, đánh pao, bắn nỏ... đã tạo nên một Mù Cang Chải đẹp và hấp dẫn.



Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ hai bên trái) tham quan gian hàng trưng bày các mặt hàng đặc sản của huyện Mù Cang Chải.

Vẻ đẹp luôn mới

Từ trên đỉnh núi cao, du khách có thể phóng tầm mắt xuống các thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại dưới chân những dãy núi xanh mờ sẽ cảm nhận được sự phóng khoáng, kỳ vĩ và tuyệt đẹp của cảnh sắc nơi đây. Hơn nữa, với địa hình núi cao, vực sâu, địa hình bị chia cắt nhiều nên mỗi "thửa ruộng - mâm xôi” đều xen giữa các khe nước lớn nhỏ, trập trùng là những rừng thông bạt ngàn. 

Cứ thế, ruộng, rừng, khe, suối... tầng tầng, lớp lớp xếp lên nhau. Đến Mù Cang Chải mùa nào cũng cho ta trải nghiệm thú vị. Nếu ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ mang vẻ độc đáo như khoác lên mình chiếc áo mới, lấp lánh trong sắc màu tuyệt đẹp của đất nâu, của trời xanh, của mặt nước óng ánh dưới nắng vàng rực rỡ thì sau vài tuần sẽ là những "mâm xôi xanh” của lúa đương thì con gái mơn mởn. 

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải càng đẹp hơn, quyến rũ hơn vào mùa lúa chín - lúc mà hương sắc của "biển vàng” này cứ cuồn cuộn tỏa hương khắp núi rừng xứ Mù Cang. 

Ra đời trong sự nghèo khó, xuất phát từ một nơi xa xôi, hẻo lánh nhưng giờ, ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân trong nước mà những du khách nước ngoài cũng đang dành sự chú ý đặc biệt tới nơi đây. 

Hình ảnh ruộng bậc thang không chỉ xuất hiện trên những thước phim phóng sự mà còn thấy trưng bày trong những triển lãm tranh, ảnh của những nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước. Nhưng những ai đã có cơ hội tận mắt ngắm nhìn đều thổ lộ rằng sẽ quay lại nơi đây. Bởi vẻ đẹp của Mù Cang Chải là vẻ đẹp luôn mới. Đó chính là điểm thu hút đặc biệt của Mù Cang Chải hay nhiều người ví đó là cái duyên thầm kín mà hấp dẫn của "nàng tiên” trên núi. 

Chị Veroniek Iris Jacobs - du khách người Bỉ đến Mù Cang Chải vào mùa lúa chín chia sẻ: "Phong cảnh ở đây tuyệt đẹp. Đây là một vùng đất đặc biệt, con người thật hiền hòa, tốt bụng, trang phục rất đẹp, đồ ăn thì rất ngon. Chắc chắn tôi sẽ còn quay lại đây!”. 

Với người Mù Cang Chải và những người yêu Mù Cang Chải thì danh thắng quốc gia không chỉ nằm trong địa bàn 3 xã: Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn mà tất cả những gì thuộc về Mù Cang Chải đều nằm trong danh thắng "đặc biệt”, bởi Mù Cang Chải còn ẩn chứa biết bao nét đẹp, những điều kỳ thú đang chờ được khám phá. 

Thanh Ba

Tags Ruộng bậc thang Mù Cang Chải di tích đặc biệt

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục