Tháng Ba Nghĩa Lộ, trắng trời hoa ban

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/3/2020 | 8:12:28 AM

YênBái - Hoa ban - loài hoa của núi rừng Tây Bắc, đã trở thành biểu tượng gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc nói chung và Nghĩa Lộ - Mường Lò nói riêng. Tháng Ba về, ban nở trắng một góc trời Nghĩa Lộ.

Trong tiếng Thái, ban có nghĩa là ngọt, hoa ban nghĩa là hoa ngọt. Sự tích hoa ban của dân tộc Thái kể về tình yêu của đôi trái gái bị cha mẹ ngăn cấm nhưng vẫn một lòng chung thủy, son sắt nên màu trắng hoa ban tượng trưng cho sự tinh khôi của người con gái Thái, màu tím tượng trưng cho sự thủy chung của tình yêu đôi lứa. 

Trong các tác phẩm dân ca, dân vũ nổi tiếng của người Thái hiện hữu hình ảnh bông ban, như điệu múa hoa ban nở hay các câu hát gọi bạn, giao duyên của đêm hội Hạn Khuống… Nhiều cô gái Thái yêu văn nghệ ở Mường Lò chia sẻ rằng, trong rất nhiều tiết mục múa của dân tộc, điệu múa hoa ban bao giờ cũng thu hút được sự chú ý của nhiều du khách; còn người múa, với những động tác uyển chuyển, cánh hoa ban cài trên tóc, tôn lên vẻ đẹp thanh khiết của người con gái Thái. Hoa ban cũng hiện hữu trong nhiều phong tục, tập quán của người Thái như: hội hái hoa ban, Xên bản xên mường… 



Màu trắng hoa ban tượng trưng cho sự tinh khôi của người con gái Thái, màu tím tượng trưng cho sự thủy chung của tình yêu đôi lứa. (Ảnh: Xuân Tình )

Trong những lễ hội này, người Thái thường dùng hoa ban làm lễ vật dâng cúng để bày tỏ khát vọng sống, khát vọng lứa đôi, tấm lòng biết ơn với tổ tiên.

Trong ẩm thực của người Thái, ban cũng là một món ăn ngon và bổ, trở thành một trong những nét ẩm thực độc đáo riêng có của đồng bào Thái, nhất là khi kết hợp cùng những gia vị cũng rất đặc trưng của người Thái như mắc khén hay chẩm chéo… Bởi thế, trong mâm cơm hàng ngày của các gia đình người Thái hay bữa tiệc đón khách phương xa, món đặc sản hoa ban thường để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai đã một lần được thưởng thức. 

Đến mùa ban, những chủ homestay ở đây lại bận rộn dẫn khách đi tham quan bản làng, những điểm có nhiều hoa ban nở và chế biến một số món ăn với hoa ban kèm trong thực đơn cho khách du lịch thưởng thức, còn du khách thì thích thú với những trải nghiệm này. 



Ban trắng bên cánh đồng Mường Lò .(Ảnh: Thanh Miền) 

Những năm gần đây, thị xã Nghĩa Lộ đã quy hoạch trồng cây hoa ban bản địa tại các tuyến đường, cơ quan công sở, khu di tích lịch sử… nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của cây hoa ban và phát triển du lịch trên địa bàn. 



Những thiếu nữ Thái nhẹ gót trên một đường hoa ban Nghĩa Lộ .(Ảnh Thanh Miền)

Tiêu biểu như Thị đoàn Nghĩa Lộ với công trình "Đường ban thanh niên” 2 km từ nhà thi đấu thị xã Nghĩa Lộ đến xã Nghĩa An, sau 2 năm trồng và chăm sóc, đường hoa đã cho hoa, khoe sắc, nở rộ, tạo ấn tượng mới cho thị xã Nghĩa Lộ. 

Ở Nghĩa Lộ hiện nay có rất nhiều điểm có hoa ban nở đẹp, có cả những cây mấy chục năm tuổi như tại Trường Tiểu học Kim Đồng, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích lịch sử, văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ, trụ sở UBND thị xã, trên các tuyến đường và một số cơ quan công sở, thu hút nhiều sự chú ý, tham quan, tìm hiểu, thưởng ngoạn. 

Việc bảo tồn, phát triển cây hoa ban không chỉ giữ gìn truyền thống văn hóa mà còn góp phần xây dựng hình ảnh, diện mạo mới cho thị xã Nghĩa Lộ. Hướng tới xây dựng "thành phố hoa ban trắng”, Nghĩa Lộ sẽ còn tiếp tục trồng thêm loài hoa này ở tất cả các tuyến đường, công sở, trường học… để loài hoa ấy trở thành đặc trưng, chờ đợi những tháng Ba mà nở trắng trời trên mảnh đất này.

Một số hình ảnh mùa ban trắng Nghĩa Lộ:















Ban trắng tinh khôi bên người con gái Thái áo cỏm lưng thon, rạng rỡ tháng Ba là nét xuân đặc trưng riêng có của vùng Tây Bắc.
Thu Hạnh 

Tags Tháng Ba hoa ban trắng thị xã Nghĩa Lộ Yên Bái

Các tin khác
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ. (Ảnh minh họa - nguồn internet)

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND về việc bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 20215, định hướng đến 2030. Sau đây là toàn văn Kế hoạch:

Hoa cải vàng điểm tô vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng.

"Có một mùa hoa cải, nở vàng bên bến sông...". Đã quen! Nhưng hôm nay người xa lại ngợp trong sắc vàng miên man hoa cải trên những triền ruộng cậc thang nơi non cao Mù Cang Chải.

Những sản phẩm thổ cẩm độc đáo được hoàn thiện dưới đường may khéo léo của phụ nữ Mông.

Một phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải chia sẻ nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang nét văn hóa độc đáo của phụ nữ Mông.

Sau Tết, cứ độ tháng 2 về là những vạt cải dầu trên ruộng bậc thang Mù Cang Chải lại bung nở, rực rỡ khoe sắc, bừng sáng không gian núi rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục