Trong câu chuyện của những người nông dân vùng cao không ngớt câu chuyện vui từ cây chè Shan tuyết cổ thụ. Bên đồi chè Shan tuyết cổ thụ khá xum xuê ở thôn Bản Mới, xã Suối Giàng, anh Vàng A Khua và gia đình đang cặm cụi dọn cỏ.
Câu chuyện vui bên gốc trà cổ thụ anh Khua cho biết: "Nhà có hơn 200 gốc trà cổ thụ vẫn còn khá sung sức. Những năm thời tiết thuận lợi cũng thu về trên 2 tấn chè búp tươi. Năm nay, đầu vụ thời tiết nắng hạn, sản lượng sụt giảm đôi chút nhưng giá cả lại tăng cao, bình quân đạt 20.000 đồng/kg nên thu nhập cũng khá”.
Ngoài ra, năm nay, gia đình anh còn tham gia vào Hợp tác xã Sinh thái Suối Giàng để sản xuất ra các loại trà đặc biệt nên thu nhập cũng khấm khá hơn.
Theo anh Khua, từ khi chè Suối Giàng được chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm Tuyết Sơn Trà, đến quần thể 400 cây chè Shan tuyết được công nhận "Cây di sản Việt Nam” và nay là chứng nhận nguồn gốc hữu cơ quốc tế, chứng nhận OCOP 4 sao, giá trị của các sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ tăng lên từng ngày.
Với gần 500 ha chè Shan tuyết cổ thụ, hàng năm, sản lượng đạt trên 1.000 tấn, cây chè Shan tuyết Suối Giàng không chỉ là nguồn thu nhập chính của phân nửa hộ dân nơi đây mà còn làm nên tên tuổi thu hút khách du lịch đến với Suối Giàng. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, giá trị cây chè Shan tuyết ngày càng tăng, diện tích chè Shan tuyết cũng ngày càng được mở rộng.
Đặc biệt, nhân dân Suối Giàng đã hợp tác để sản xuất ra nhiều sản phẩm chè đặc sản và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm chè búp của nhân dân. Tuyết Sơn Trà đến Đại Lão Vương Trà đã lần lượt tiếp cận được những thị trường khó tính như Trung Quốc, Nhật Bản. Đó là tương lai tươi sáng cho sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng nói riêng và sản phẩn chè Shan tuyết cổ thụ ở Văn Chấn nói chung.
Tuy không nổi tiếng như trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng nhưng các sản phẩm búp tươi chè Shan vùng cao ở Văn Chấn đều đã có giá bình quân trên 10.000 đồng/kg. Giá trị này còn thấp so với giá trị vốn có của nó nhưng điều quan trọng là sản phẩn chè Shan vùng cao đã và đang được thị trường rất ưa chuộng. Từ chỗ khó tiêu thụ khi vào chính vụ thì nay tư thương, doanh nghiệp vào tận làng, tận bản lập xưởng chế biến tại chỗ.
Giá trị sản phẩm chè Shan vì thế mà tăng lên từng ngày. Những cây chè ở Ngã Hai, Giàng Pằng, Suối Bó quanh năm bốn mùa mây phủ giờ đã được bạn bè quốc tế biết đến. Với trên 1.500 ha chè Shan vùng cao, sản lượng đạt khoảng 3.500 tấn. Sản lượng còn khiêm tốn nhưng chè Shan đã và đang mang lại giá trị, thu nhập và việc làm ổn định cho đồng bào vùng cao.
Theo đánh giá của huyện Văn Chấn, chè Shan sẽ là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở vùng cao. Với khả năng thích nghi, chống chịu tốt, thời gian cho thu hoạch trung bình và giá trị cao, chè Shan sẽ giúp đồng bào vùng cao có nguồn thu nhập ổn định lâu dài để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Từ việc triển khai Đề án phát triển chè Shan vùng cao ở huyện Văn Chấn trong 5 năm qua, có thể nhận thấy, việc phát triển chè theo hướng hữu cơ, tự nhiên sẽ là hướng đi bền vững. Từ chỗ trông chờ hoàn toàn vào tự nhiên, nay đồng bào vùng cao biết trồng chè Shan tập trung, giâm cành để mở rộng vùng chè, nâng cao năng suất, sản lượng. Vì vậy, huyện Văn Chấn đã đề nghị Nhà nước tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đồng bào vùng cao phát triển các diện tích chè Shan một cách bền vững.
Trân trọng "món quà” mà thiên nhiên ban tặng, đồng bào Dao, Mông ở Văn Chấn đã thay đổi tư duy trong sản xuất, không ngừng nỗ lực để mở rộng diện tích nâng cao giá trị cho cây chè Shan tuyết cổ thụ trên những rẻo cao. Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền các cấp đã đưa sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ của Văn Chấn vượt ra khỏi những thung sâu, núi cao để đến với khách hàng trong và ngoài nước, góp phần mang lại cuộc sống no ấm cho người dân nơi đây.
Trần Van