Bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử của Lễ hội đình làng Dọc

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/8/2022 | 4:29:29 PM

YênBái - Nằm trong vùng Chiến khu cách mạng, thuộc xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, đình làng Dọc từ lâu đã nổi tiếng là ngôi đền mang đậm bản sắc của người Kinh và người Tày cổ với lễ hội văn hóa đặc sắc còn lưu giữ lại từ nhiều đời nay.

Đình làng Dọc được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, đến đời vua Khải Định triều Nguyễn, đình được vua ban sắc phong. Đình gồm 5 gian 2 chái, kiến trúc chữ "Đinh”. Ngoài thờ thần linh, thờ Thành Hoàng làng, đình làng Dọc còn thờ ông tổ họ Phạm, hai người này được vua Khải Định ban sắc phong và sáu dòng họ khác có công khai khẩn ra vùng đất này từ thế kỷ XVIII. 

Vì thế, lễ hội đình làng Dọc không chỉ mang đậm màu sắc tâm linh mà còn lưu truyền và bảo tồn được nét đẹp cùng những giá trị đặc sắc của văn hoá truyền thống, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Đây cũng là dịp để những người đang sống tưởng nhớ đến tổ tiên, ông cha đã có công khai khẩn ra mảnh đất này. Năm 2005, đình làng Dọc được công nhận xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh - đây là điều kiện tốt để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc trong vùng, đồng thời mở ra hướng phát triển mới, đưa kinh tế Việt Hồng những năm tới phát triển theo hướng nông, lâm nghiệp - dịch vụ gắn với khai thác tốt những tiềm năng du lịch sẵn có. 


Lễ dâng hương trong lễ hội đình làng Dọc được tổ chức từ ngày 13 - 14/7 âm lịch hàng năm. 

Lễ hội đình làng Dọc được tổ chức lần đầu vào tháng Giêng âm lịch, rơi vào hai ngày mồng Ba và mồng Bốn, được gọi là Lễ Hạ điền. Kỳ hai của Lễ hội đình làng Dọc được tổ chức vào hai ngày 13 và 14 tháng Bảy âm lịch hàng năm, hay còn gọi là Lễ hội cầu Thần Nông. 

Trong những ngày diễn ra lễ hội, đồng bào dân tộc Tày, Kinh, Thái, Mường sinh sống trong vùng  và xã Đại Lịch nô nức về dự lễ cũng như tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc. 

Không chỉ là dịp để đồng bào các dân tộc hai xã Việt Hồng và Đại Lịch bày tỏ lòng biết ơn thành kính đến các vị tổ tiên, cha ông đã có công khai khẩn và dựng nên vùng đất trù phú này, Lễ hội đình làng Dọc còn là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu kết đoàn. 


Lễ hội đình làng Dọc gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ là sự kết hợp hài hòa giữa nghi thức tế lễ truyền thống với những điệu xòe, then đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày. 

Không mâm cao cỗ đầy, trong phần lễ cúng Thành hoàng, tổ tiên và các bậc tiền nhân có công khai khẩn vùng đất này, lễ vật dâng cúng thường là những sản vật đặc trưng của địa phương để cảm tạ và cầu mong một mùa màng tươi tốt, ấm no với cuộc sống sung túc, đủ đầy trong cả năm.

Phần hội cũng được tổ chức rất đa dạng, phong phú với các môn thể thao như bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co... cùng những điệu xòe, then duyên dáng của các bà, các chị, các em gái người Tày, người Kinh thể hiện tinh thần đoàn kết, tôn vinh thành quả lao động sản xuất. Gắn với lịch sử thăng trầm của vùng đất phía Tây Nam tỉnh Yên Bái, có lịch sử lâu đời, đình làng Dọc có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng. 

Ông Triệu Khánh Thiện - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết: "Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của Lễ hội đình làng Dọc, xã Việt Hồng đã thành lập 2 đội văn nghệ xã, mời các nghệ nhân truyền dạy những điệu múa, điệu xòe, làn điệu hát then của đồng bào Tày để tổ chức trong các dịp lễ hội. Ngoài ra, tại 6 bản, xã chỉ đạo thành lập 6 đội văn nghệ phối hợp cùng cán bộ văn hóa xã truyền dạy những điệu múa để phục vụ các đoàn du khách đến thăm quan, trải nghiệm trong các dịp lễ hội cũng như khám phá truyền thống cách mạng của địa phương. Bên cạnh đó, xã cũng chỉ đạo cán bộ văn hóa xã phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Trấn Yên sưu tầm những giá trị văn hóa lịch sử, văn hóa dân gian giới thiệu cho các đoàn khách đến thăm quan, du lịch và trải nghiệm các di tích lịch sử cấp quốc gia tại địa phương như: Nhà ông Trần Đình Khánh, gốc Vải đình Trung, hang Dơi, điểm du lịch cộng đồng bản Vần. Xã Việt Hồng dự kiến đến tháng 11/2022, hoàn thành và ra mắt sản phẩm OCOP du lịch bản Vần để phục vụ du khách thăm quan, khám phá lịch sử lưu trú và trải nghiệm vào các dịp lễ hội...”. 

Lễ hội là một trong những hoạt động hưởng ứng Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 dự kiến được tổ chức trong tháng 9/2022.

Thanh Tân

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục