Tên gọi, nguồn gốc và diễn xướng của khắp cọi Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/9/2022 | 7:43:16 AM

YênBái - Khắp cọi là tài sản vô cùng quý giá của đồng bào Tày tại xã Mường Lai nói riêng và của huyện Lục Yên nói chung. Khắp cọi có ý nghĩa quan trọng trong đời sống đồng bào Tày, là yếu tố tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Tày nơi đây. Đây cũng là loại hình văn hóa dân tộc cuốn hút du khách, hưởng ứng các hoạt động lễ hội của tỉnh Yên Bái trong tháng 9 này...

Thiếu nữ Tày ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên.
(Nguồn Internet)
Thiếu nữ Tày ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên. (Nguồn Internet)

Khắp cọi là một trong những làn điệu của lượn - một loại hình dân ca của dân tộc Tày. Về mặt nội dung, theo nghĩa rộng, lượn chỉ toàn bộ kho tàng dân ca Tày, bao gồm cả then (lượn then), hát đám cưới (lượn quanh làng), phuốc pác (lượn phuốc pác) và phong slư (lượn phong slư). 

Theo nghĩa hẹp, lượn chỉ là những điệu hát giao duyên của người Tày. Cả hai cách hiểu đều có lý, song có lẽ phổ biến hơn cả là cách gọi tên lượn theo nghĩa hẹp, tức là bộ phận hát giao duyên đối đáp của người Tày. Về mặt hình thức, lượn của người Tày gồm ba loại: lượn cọi, lượn slương và lượn Nàng Hai, trong đó "lượn cọi là loại lượn sử dụng vần lưng để kéo dài khổ thơ” (Vũ Ngọc Khánh). 

Trong một tài liệu khác, tên gọi "lượn khắp” dùng để chỉ cả khắp cọi của Lục Yên và iếu của Bắc Quang, Hà Giang: "Lượn khắp dùng thể thơ tự do. Loại lượn này chỉ có ở một số vùng thuộc Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Nếu như ở người Tày có điệu "lượn”, người Nùng có điệu "sli” thì người Thái có điệu "khắp”. 

Ba điệu trên tuy có chi tiết khác nhau nhưng có những điểm chung cơ bản giống nhau, từ đó có thể thấy là cùng một gốc mà ra. Ta có thể coi điệu "khắp” ở vùng Tày Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái là gạch nối giữa điệu "khắp” của người Thái Tây Bắc và điệu "lượn” của vùng Tày Đông Bắc”. Đây có thể coi là một cách lý giải cho sự xuất hiện của khắp cọi ở Lục Yên và iếu của Bắc Quang, Hà Giang. Tuy nhiên, iếu và khắp cọi có phải là một?

Trong cuốn "Iếu” dân ca dân tộc Tày”, ý kiến các tác giả Hoàng Văn Chữ, Nông Phúc Tước, Hoàng Nừng đồng nhất iếu ở Bắc Quang, Hà Giang với khắp cọi: "ngoài tên gọi iếu đồng bào còn có những tên gọi khác như: "hiếu”, "cằm khắp”, "khắp cọi”. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát, có thể thấy rằng, khắp cọi và Iếu không phải là một tuy đều có chung một nguồn gốc. 
Trước hết, về mặt tên gọi, chưa có tài liệu nào giải nghĩa một cách rõ ràng từ "iếu” ngoài cách định nghĩa của tác giả Hoàng Thị Minh Nguyệt trong luận văn: "Hát iếu ở Bắc Quang, Hà Giang - Những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật”: "Hát iếu là những bài hát đối đáp giao duyên giữa nam nữ thanh niên, nhằm bày tỏ tình cảm lứa đôi, ca ngợi cuộc sống”. 

Ở huyện Yên Bình, huyện giáp ranh với Lục Yên có một làn điệu mà nội dung có sự tương đồng với Khắp cọi ở Lục Yên. Tuy nhiên, để phân biệt, nhiều người gọi điệu lượn này ở Yên Bình là "cọi”, ở Lục Yên là "khắp”. Riêng ở Lục Yên, loại hình này có những cách gọi khác nhau như: "hát khắp”, "khắp cọi”, "hát Nôm”, "hạt yếu”… 

Để phân biệt, có lẽ nên lựa chọn tên gọi khắp cọi như một loại hình nhỏ của lượn khắp để vừa nói lên được đặc điểm chung của thể loại vừa mang tính khu biệt với "cọi” ở huyện Yên Bình, "iếu” ở Bắc Quang, Hà Giang và "khắp” của người Thái. 

Về mặt diễn xướng, khắp cọi khi lên giọng "ứ ơi” ngân dài rồi bắt vào lời hát luôn, còn hát cọi ở Yên Bình "ứ ơi ứ hợi” lên xuống để đủ độ ba nhịp mới bắt vào lời hát. Ở iếu, biên độ sáng tác, ứng khẩu rộng hơn, nhiều và tự do hơn, người tham gia iếu phải thông minh, nhanh nhạy, có tài ứng tác. Vì vậy, dung lượng một bài cọi thường dài hơi hơn, một bài iếu có khi chỉ đôi câu tuy cũng có những bài mang tính khuôn mẫu để người iếu vận dụng và sáng tạo. 

Như thế, ở đây có thể thấy cọi ở Yên Bình tương đồng với khắp cọi ở Lục Yên về mặt văn bản mang tính cố định nhưng lại khác về diễn xướng. Iếu ở Hà Giang tương đồng với khắp cọi về mặt diễn xướng nhưng lại có nét khác biệt về phần ứng khẩu, chỉ tương đồng ở những bài mang tính "khung sườn”. 

Tuy nhiên, ở Lục Yên, nguyên tắc này có phần nới rộng hơn và gần gũi hơn với nguyên tắc của lượn Tày nói chung. Ở khắp cọi không nhất thiết phải là trai chưa vợ, gái chưa chồng. 

Ở khắp cọi cũng không nhất thiết là người nơi khác đến mà có thể là người cùng làng, cùng xã. Không gian khắp cọi cũng là ở các lễ hội mùa nhưng thông thường là ở nhà một gia chủ nào đó có trai thanh, gái lịch, không nhất thiết phải là ở nhà gia chủ có đám cưới. 

Tên gọi khắp cọi còn liên quan tới nguồn gốc tiếng hát khắp cọi ở huyện Lục Yên. Từ "khắp” là theo dòng suối chảy, từ "cọi” là theo tiếng gió thổi tác động vào cây tre, cây nứa. Câu chuyện tên gọi phản ánh rất rõ trong bài hỏi đáp về gốc khắp gốc cọi trong phần văn bản khắp cọi được sưu tầm ở Mường Lai. 

Một điểm thú vị nữa trong diễn xướng khắp cọi, đó là trong tài liệu sưu tầm của mình, ông Hoàng Quang Nhạn gọi hai bên đối đáp là "nội” (chủ nhà) và "ngoại” (khách). Trong những lời hát khắp cọi này, nhân vật khách là cô gái nên cuộc giao duyên trở nên rất hấp dẫn. 

Về nhạc cụ diễn xướng khắp cọi, việc đệm cho hát khắp cọi của người Tày trong vùng chỉ có loại nhạc cụ dỉ dèn là phổ biến nhất. Tựa như cây nhị của người Kinh, cùng một người kéo có thể phối âm cho cả giọng nam và nữ khi Khắp cọi đối đáp nhau. Một nhạc cụ nữa không thể thiếu khi diễn xướng khắp cọi là biẻm (sáo) gắn liền với nguồn gốc ra đời của khắp cọi. Ngoài ra, trong những dịp lễ hội, khi khắp cọi có thêm chiếc trống cái to đệm theo nhịp để làm cho bài khắp cọi có thêm không khí sôi nổi của ngày hội.

Có thể khẳng định, khắp cọi là tài sản vô cùng quý giá của đồng bào Tày tại xã Mường Lai nói riêng và của huyện Lục Yên nói chung. Việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy khắp cọi, để khắp cọi thực sự trở lại với đồng bào Tày nơi đây không chỉ là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên mà còn để khẳng định niềm tự hào chung của người dân Lục Yên - Yên Bái về truyền thống và những giá trị nhân văn tốt đẹp được gìn giữ trong những lời thơ, điệu hát mê đắm lòng người.

 Vũ Thị Mai Oanh (Trường Cao đẳng Yên Bái)

Tags khắp cọi Lục Yên diễn xướng đồng bào Tày Mường Lai

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục