Rừng thiêng Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/1/2012 | 10:01:47 AM

YBĐT - Mỗi khu vực trong những khu rừng cấm thường gắn với những truyền thuyết, giai thoại, mang tính huyền bí… mỗi người, mỗi bản, mường đều tôn thờ như một tín ngưỡng.

Rừng hồn trâu ở xã Thạch Lương.
Rừng hồn trâu ở xã Thạch Lương.

Nói đến Tây Bắc người ta nghĩ ngay tới những ngọn núi trùng điệp mù sương, những bản làng xinh đẹp nằm soi bóng bên những dòng suối và cả những bản sắc văn hóa các dân tộc đặc sắc thể hiện qua những điệu múa xòe, câu khắp Thái… Song, ít ai biết đến một phong tục đẹp mà người dân vùng Tây Bắc đã gìn giữ từ đời này qua đời khác đó là tục cấm rừng.

Trong những ngày tiết trời chuyển xuân, ngược đường Tây Bắc đến Nghĩa Lộ - Mường Lò - Yên Bái là nơi được coi là cội nguồn văn hóa dân tộc Thái, nơi đất tổ của người Thái Đen Tây Bắc có ông tổ Lò Trượng đặt chân khai phá bản, mường nơi có “Nậm tốc tát”- thác nước rơi và bãi đá cổ, thác nước được coi là đường lên trời của những linh hồn người Thái Đen khi qua đời, còn bãi đá hàng ngàn tảng được coi là hóa thân của những con trâu trong các tang lễ của khắp vùng Tây Bắc.

Nơi có những sinh hoạt văn hóa độc đáo như: Lễ hội “Xên bản xên mường” - cúng bản cúng mường, nhằm tri ân các bậc có công khai phá và đấu tranh bảo vệ đất Mường Lò, sinh hoạt “Hạn khuống”, một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái hát đối trong những đáp giao duyên, hội “Lồng tồng” - hội xuống đồng  một sinh hoạt độc đáo của những cư dân lúa nước.

Tìm hiểu về tục cấm rừng và những khu rừng thiêng, chúng tôi tìm đến gặp nghệ nhân người dân tộc Thái Lò Văn Biến - người được coi là kho tàng sống về văn hóa dân tộc Thái…

Như chạm vào mạch nguồn suy nghĩ trong con người luôn trăn trở làm gì để bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, ông Biến bắt đầu câu chuyện: trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, hiểu được qui luật của rừng, dân tộc Thái tôn trọng rừng và đặt ra những qui định về việc bảo vệ rừng được cộng đồng tôn trọng như những luật tục. Mỗi khu vực trong những khu rừng cấm thường gắn với những truyền thuyết, giai thoại, mang tính huyền bí… mỗi người, mỗi bản, mường đều tôn thờ như một tín ngưỡng.

Ngày xưa những khu rừng cấm này không ai dám xâm phạm, dù là chỉ hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim… Ai đi qua cũng phải cúi lạy, cũng phải xuống ngựa, chị em phải cởi khăn piêu xuống lặng lẽ bước qua, những con thú bị thương trong những cuộc săn bắn nếu chạy vào đây không ai được đuổi theo và sẽ được rừng che chở bảo vệ. Có khu rừng hàng năm chỉ mở để cho phép mọi người vào hái măng một vài lần sau những cơn mưa rồi lại đóng để rừng phát triển xanh tốt.

Dưới chân Nậm tốc tát

Chúng tôi đến xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ để được ngắm khu "Rừng thiêng" nơi đây. Với tổng diện tích rừng tự nhiên 1.115 ha, chiếm 1/3 diện tích thị xã Nghĩa Lộ và có đến 530 ha được phủ xanh bởi rừng keo, rừng thông và các loại cây lâm nghiệp khác.

Những năm qua, kinh tế rừng được xã Nghĩa An chú trọng phát triển nhằm xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhân dân đồng thời cũng là cách bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp và ở đây đồng bào dân tộc Thái vẫn còn lưu mãi tục cấm rừng.

Khi được hỏi về tục cấm rừng và những khu rừng thiêng, ông Hà Văn Hồng - Chủ tịch xã Nghĩa An cho biết: Đây là một phong tục đẹp mà người Thái xưa để lại, người Thái hiểu rất rõ vai trò của rừng đầu nguồn với cuộc sống và mùa màng. Có thể nói rằng rừng góp phần nuôi sống con người và đến khi mỗi người qua đời, rừng lại đón về, ấp ủ như người mẹ. Người Thái có câu: “Tai pá phăng, nhăng pá liệng” - có nghĩa là: “Sống rừng nuôi, chết rừng chôn”.

Rừng cung cấp cho người từ ngọn măng, ngọn rau, cây nấm, thuốc chữa bệnh… đến cây cột dựng nhà, chiếc quan tài khi qua đời… Việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn, rừng thiêng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người và đã trở thành luật lệ của bản, mường.

Người Thái đời này sang đời khác vẫn nhắc nhau rằng: “Giữ rừng cho muôn đời phát triển/ Để cho muôn mỏ nước tuôn trào/ Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người. Xã Nghĩa An không có rừng già, rừng nguyên sinh nhưng không vì thế mà đồng bào dân tộc thái quên tục cấm rừng.

May mắn cho chúng tôi đi giữa những cánh rừng bạt ngàn khi gặp được ông Hoàng văn Sóng, người gác rừng đang đi tuần. Hút xong điếu thuốc lào, ông kể cho chúng tôi nghe về công việc của mình: Khu vực rừng phòng hộ của xã, rộng 68 ha chủ yếu là keo; được trồng từ 3 - 5 năm.

Cùng ngần ấy thời gian, ông Sóng đã quen với từng con đường, từng giao thông hào, nhớ từng gốc cây to. Để đi tuần hết một quả đồi ông chỉ mất khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ nhưng với chúng ta phải mất ba tiếng đồng hồ.

Bằng kinh nghiệm dày dạn của người đi rừng, ông Sóng nắm bắt được thời điểm kẻ xấu thường hay lợi dụng chặt trộm cây, từ đó ông tích cực đi tuần vào thời điểm đó để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, báo về xã để giải quyết xử lý. Trong những năm bảo vệ rừng, ông đã phát hiện hàng chục vụ chặt trộm cây lớn, kịp thời báo về xã để giáo dục, răn đe, xử phạt. Nhắc nhở bà con nhân dân chỉ nên tỉa cành về làm củi thường xuyên phát quang cỏ rậm đề phòng cháy rừng.

Hiện nay, xã Nghĩa An có 350 hộ trồng rừng chiếm trên 50% tổng số hộ của toàn xã, trong đó, nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu từ rừng. Để bảo vệ rừng được như hiện nay,  các thôn, bản còn đề ra các hương ước riêng về PCCCR và quản lý bảo vệ rừng, qui định mức phạt với các gia đình để trâu, bò vào phá rừng mới trồng. Mỗi năm 2 lần các gia đình tổ chức phát quang cây cỏ dại, tỉa thưa cây và phát tán cho cây. Nếu gia đình nào muốn đốt nương thì phải xin phép và được sự đồng ý của UBND xã.

Nguyễn Nhật Thanh

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục