Nam Cường - điểm đến văn hóa tâm linh
- Cập nhật: Thứ năm, 21/2/2013 | 2:01:08 PM
YBĐT - Nằm êm đềm, soi bóng bên hồ Nam Cường, Khu di tích lịch sử văn hóa đền Mẫu - đình Nam Cường - chùa Vạn Thắng, xã Nam Cường từ lâu đã trở thành điểm đến văn hóa tâm linh quen thuộc của đông đảo người dân Yên Bái và nhân dân từ khắp mọi nơi mỗi độ tết đến xuân về.
Lễ thả chim cầu an được nhân dân đặc biệt yêu thích.
|
Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tôn vinh những bậc tiền bối có công dựng làng mở đất đan xen với các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Theo sách xưa, vùng đất Nam Cường được các bậc tiền bối ở Nam Định lên khai phá từ năm 1903. Năm 1923,các cụ cao niên trong xã đã về đền Kiếp Bạc (Hải Dương) rước chân nhang của Trần Triều Hiển Thánh Hưng Đạo Đại Vương và chân nhang của Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giầy (Nam Định) về thờ tại đền Mẫu Nam Cường. Đền được đặt tên là Mẫu Nghi Thiên Hạ với ý nghĩa tôn thờ Thánh Mẫu.
Lễ hội đền Mẫu Nam Cường gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần rước lễ diễn ra trang trọng với nghi thức truyền thống. Người dân trong xã dâng lên Mẫu những sản vật thơm ngon của địa phương để tỏ lòng tôn kính và cầu cho dân làng một năm mới sức khỏe dồi dào, mùa màng tươi tốt, tránh được những thiên tai, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Phần dâng hương, người dân tỏ lòng biết ơn các thủ chiêu và các bậc tiền bối đã có công lập xã.
Sau phần rước lễ, dâng hương là lễ thả chim cầu an. Thả chim cầu an là một nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong lễ hội đền Nam Cường mà người dân rất yêu thích. Gia đình được chọn để đại diện cho cả dân làng trong xã làm lễ thả chim phải là gia đình gương mẫu, làm ăn phát đạt, con cháu ngoan ngoãn, học giỏi, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. 12 con chim bồ câu được phóng sinh là nguyện ước của dân làng với 12 tháng trong năm được bình an và hạnh phúc.
Chị Nguyễn Thị Bích ở phường Minh Tân cho biết: “Năm nào tôi cũng đến với Khu di tích văn hóa đình - đền - chùa xã Nam Cường để cầu phúc, cầu bình an cho gia đình. Đó là những phút giây quý giá mà tôi được hòa mình vào chốn tâm linh, thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng khi tìm về với cội nguồn dân tộc. Đặc biệt, tôi rất thích lễ thả chim phóng sinh để cầu phúc, cầu an, mong cho một cuộc sống gặp nhiều may mắn trong lễ hội”.
Kết thúc lễ thả chim là đến lễ mừng thọ cho các cụ cao niên trong xã. Đây là phong tục truyền thống mà các con cháu thể hiện sự kính trọng, tấm lòng hiếu thảo đối với các bậc cao niên.
Phong tục này đã giúp các cụ cảm thấy thêm ấm áp. Cùng với các phần lễ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, trong lễ hội còn có lễ trao phần thưởng cho các học sinh đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Hoạt động này đã trở thành động lực khuyến khích các cháu chăm ngoan, học giỏi cũng như mọi người mong ước con cháu trong làng, trong xã ngày càng học rộng tài cao.
Sau phần lễ, tất cả người dân trong làng, nhất là các nam nữ thanh niên sẽ tham gia vào phần hội sôi nổi và vui nhộn, mang tính cộng đồng cao với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: hội đua thuyền dâng hương, kéo co, cầu lông, cờ tướng, chọi gà... Vào buổi tối, cùng với các tiết mục văn nghệ do chính những người dân xã Nam Cường biểu diễn, lễ thả hoa đăng cầu an được tổ chức ngay tại hồ phía trước đình - đền - chùa đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân. Những hoạt động sinh hoạt mang đậm màu sắc dân gian đã tạo cho lễ hội đền Mẫu Nam Cường những sắc thái văn hóa riêng có.
Những ngày đầu xuân, du khách tìm về với Khu di tích lịch sử văn hóa đền Mẫu - đình Nam Cường - chùa Vạn Thắng để cầu mong những điều hạnh phúc, bình an, may mắn và giúp cho tâm hồn thư thái, khởi đầu cho một năm mới với nhiều điều tốt lành.
Thả chim cầu an là một nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong lễ hội đền Nam Cường mà người dân rất yêu thích. Gia đình được chọn để đại diện cho cả dân làng trong xã làm lễ thả chim phải là gia đình gương mẫu, làm ăn phát đạt, con cháu ngoan ngoãn, học giỏi, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. 12 con chim bồ câu được phóng sinh là nguyện ước của dân làng với 12 tháng trong năm được bình an và hạnh phúc. |
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Nằm hiền hòa bên con suối Nhì, Bản Hốc xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái từ lâu đã được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến là điểm du lịch văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc.
YBĐT - Cùng với các các điểm đến tâm linh và Lễ hội Sông Hồng khai mạc tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, Đền Nhược Sơn sẽ trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình du xuân, cầu lộc cầu tài đầu năm của khách muôn phương trong những ngày xuân Quý Tỵ 2013.
YBĐT - Suối Giàng nổi tiếng với những cây chè tuyết Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Lộc non sao lên, pha nước sôi, hương vị bốc lên thơm ngây ngất, uống vào thấy đượm vị ngọt lâu trên đầu lưỡi.
YBĐT - Đình và Đền Quy Mông được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là di tích văn hoá lịch sử cấp tỉnh năm 2010. Lễ hội Đình và Đền Quy Mông được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng hàng năm, hứa hẹn là điểm đến du xuân đầu năm của du khách thập phương.