Lá dong - quà tặng của núi rừng
- Cập nhật: Thứ tư, 28/12/2011 | 2:57:03 PM
YBĐT - Năm nào cũng vậy, khi vạt đào vừa hé những nụ đầu tiên cũng là lúc người Dao ở vùng cao Tân Phượng (huyện Lục Yên) lên rừng hái lá dong, chuẩn bị bán Tết.
|
Tân Phượng đó, xanh một màu xanh của núi, của rừng. Cuộc sống người Dao nơi đây bao đời đã gắn với rừng. Rừng cho người Dao gỗ để làm ngôi nhà sàn vững chãi, cho cây thuốc quý chữa lành bệnh mỗi khi ốm đau, cho măng, cho chít mỗi mùa, cho lá dong để gói bánh chưng và bán tết. Đã thành lệ, từ nhiều năm nay, khi chỉ còn chừng một tháng nữa là tới tết Nguyên đán, chị Triệu Thị Sự (thôn Khe Páo) cùng rất nhiều người làng vào rừng hái lá dong. Rừng luôn sẵn lá nhưng để mang được về nhà thật không phải điều dễ dàng. Khi con gà rừng vừa gáy sáng, người làng đã trở dậy chuẩn bị cơm nắm cho một ngày đi rừng vất vả.
Dắt con dao bên hông - vật bất ly thân với những người đi rừng, mọi người trong làng theo con đường mòn dẫn vào rừng khi trời vừa tảng sáng. Câu chuyện về giá lá dong được bàn luận sôi nổi, ai cũng mong được giá để có thêm tiền sắm cái tết cho thật đủ đầy. Còn sớm nên cây cối hai bên đường vẫn còn ướt đẫm sương đêm cộng thêm không khí lành lạnh khiến cảnh vật trở nên âm u và tĩnh mịch.
Càng vào sâu trong rừng cây cối càng rậm rạp, dây leo chằng chịt như muốn ngăn bước chân người, khi đó con dao đi rừng trở lên hữu ích. Không khí trong rừng yên ắng, nghe rõ cả tiếng côn trùng, đâu đó tiếng suối chảy róc rách, những bông hoa rừng nở trước mùa xuân.
Sau chừng ba tiếng đi bộ băng qua những con dốc cao dựng đứng, giữa tiết trời đông giá lạnh, quần áo của mọi người ướt đẫm vì sương và những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, những người làng cùng chị Sự mới đến được bãi lá dong. Trong rừng sâu, lá dong mọc thành từng bãi lớn ven những con suối, con khe, san sát nhau dưới những tán cây rậm rạp của rừng già.
Chị Triệu thị Sự hái lá dong.
Chị Sự bảo: “Ở đây, lá dong nhiều lắm, mọc ngay ven rừng nhưng muốn chọn được những lá to và đẹp để bán vào dịp tết thì cần phải đi vào những cánh rừng già mới có. Lá dong thường mọc ở những nơi ẩm ướt, đặc biệt các khe nước càng những chỗ độ ẩm cao lá dong lại càng xanh và to. Lá dong rừng gói bánh sẽ xanh hơn lá dong được trồng trong vườn nhà”. Không phải ngẫu nhiên mà lá dong được chọn để gói bánh chưng, bởi sự mềm mại của phiến lá, bởi màu xanh riêng có mà các loại lá chuối, lá chít không có được. Liệu có phải màu xanh đó có được từ nước nguồn sạch mát và không khí trong lành của núi rừng ngàn năm?
Đến bãi lá dong, mặt trời đã lên quá đỉnh đầu, chị Sự đưa tay thoăn thoắt cắt lá như một người thợ thạo nghề. Nhưng không phải lá nào cũng được chọn, lá dùng gói bánh hợp nhất phải là là bánh tẻ, không non quá và cũng không già quá, vừa dễ gói mà bánh lại xanh. Con dao rừng sắc lẹm cắt rất ngọt vào cuống lá vừa nhanh lại không rách lá - quả là những người con của núi rừng. Những đôi bàn tay thô ráp của những người quen đi rừng nhưng lại khéo léo cắt những tàu lá đẹp xanh bóng, đều tăm tắp.
Vừa cắt vừa xếp, xếp đến đâu bó luôn đến đấy, khoảng năm mươi tàu chị Sự xếp lại thành một bó, nhanh và đẹp. Lúc nghỉ tay, chị Sự bảo thêm: “Từ bé chị đã theo bố mẹ đi lấy lá dong rừng về gói bánh và dùng mỗi khi nhà có việc nhưng vào dịp tết người làng đi lấy về bán coi như có thêm tiền sắm tết, mua cho người già, con trẻ bộ quần áo mới chơi xuân”.
Xem chừng đã được vài chục bó, chị nhanh nhẹn xếp lại những bó dong rừng chuẩn bị về nhà trước khi trời tối. Vẫn con đường cũ, băng rừng, lội suối, qua những bụi lau rừng đã trổ cờ trắng xóa, hành trình trở về yên lặng hơn vì đã thấm mệt sau một ngày đi rừng và mang trên vai bó lá to. Mỗi ngày như vậy, những người đi rừng như chị Sự sẽ hái được khoảng một nghìn lá. Đường lên Tân Phượng giờ đã được mở rộng, ô tô lên tận nơi thu mua cho bà con người Dao.
Chỉ ngày mai thôi, từ núi rừng Tân Phượng, những bó lá dong rừng to và xanh sẽ vượt núi đèo về xuôi, để mọi người kịp chuẩn bị những chiếc bánh chưng vuông vức, mang tết đến với mọi nhà.
Hồng Khanh