Ngày 7/5, lúc cùng con cháu đi xem trình diễn khinh khí cầu in hình sao la hưởng ứng SEA Games 31 tại hồ chứa nước Ngàn Trươi, huyện Vũ Quang, ông Thanh, 70 tuổi, trú thị trấn Vũ Quang, chia sẻ rất nuối tiếc vì từng có cơ hội bắt được sao la nhưng không chú ý lưu giữ các dấu vết để cung cấp cho các nhà nghiên cứu, nhằm bảo tồn một trong những loài thú quý hiếm nhất thế giới.
Ông Thanh lập gia đình năm 1976, sau đó chuyển về xã Hương Quang, huyện Hương Khê, nay là xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang, dựng nhà, làm nông nghiệp và đi rừng mưu sinh. Hương Quang thời điểm đó rộng 14 km2, có hơn 400 hộ dân, 4 xóm, nằm lọt thỏm giữa khu rừng nguyên sinh rộng hàng nghìn hecta với nhiều cây gỗ quý như lim, táu, các muông thú như hươu, chồn, dê, lợn rừng... Năm 2002, khi vườn quốc gia Vũ Quang được thành lập, những hộ dân sống tại đây đã chuyển đi tái định cư và làm kinh tế mới ở nhiều tỉnh thành.
Những năm 1976, chính quyền chưa cấm rừng, người dân Hương Quang hàng ngày lội suối, luồn lách qua những bụi cây rậm rạp, đi sâu vào các tiểu khu cách nhà 1,5-2 km đặt bẫy, bắt thú về làm thức ăn hoặc bán kiếm thêm thu nhập. Thợ săn thường quan sát dấu chân của thú tại các lối mòn, nếu phát hiện thì đào hố, đặt bẫy bằng dây cáp dài 1,5 m, lấp đất và lá cây lại, phạm vi 100 m đặt ba bẫy. Thú rừng khi đi qua lối mòn, sa chân vào bẫy liền bị dây cáp siết lại, không thể thoát ra ngoài. Một lần người dân đi săn ít khoảng 2-3 ngày, nhiều là nửa tháng, thú dính bẫy là các loài mang rừng, lợn rừng...
"Thời điểm trên tôi và dân địa phương thỉnh thoảng bẫy được loài thú lớn, có cặp sừng nhọn hoắt trông rất lạ, khác biệt so với những con vật từng bắt trước đó. Mọi người khi đó hay gọi nó là dê sừng dài hay sơn dương, sau này giới chuyên môn phát hiện, đặt tên sao la", ông Thanh nhớ lại.
Sao la trưởng thành cao 0,9 m, dài 1,3-1,5 m, nặng 80-100 kg, con nhỏ nặng 4-5 kg. Loài này mã đẹp, lông màu nâu sẫm mượt như nhung lụa, sừng nhọn hoắt dài 50-70 cm. Thông thường con sao la mẹ hay đi cùng con, nếu di chuyển đường nào thì chúng sẽ về lại lối cũ, dấu chân để lại giống của con bò. Con vật khá nhút nhát, thường đi ăn vào buổi tối, nếu nghe tiếng động hoặc ngửi thấy hơi người thì lập tức chạy túa vào rừng sâu.
Khi đặt bẫy thú, ông Thanh thường rủ hàng xóm đi cùng. Đa số mọi người trong xã Hương Quang cũng đi săn theo nhóm 2-3 người để hỗ trợ nhau. Có lần, phát hiện con sao la mẹ dính bẫy, ông Thanh cùng bạn phải giằng co hơn 30 phút mới có thể khống chế, tháo dây cáp rồi lấy dây thừng trói bốn chân, dùng đòn gánh khiêng về nhà. Sao la khỏe, vùng vẫy mạnh, một người khó có thể khống chế. Đôi lúc đi thăm bẫy, ông Thanh phát hiện ra loài thú này đã chết tại bẫy do cựa quậy mạnh, một số con khác thì thoi thóp.
Một năm trung bình mỗi thợ săn ở Hương Quang bắt được 1-2 con. Các gia đình sử dụng thịt sao la làm thức ăn giống như thực phẩm được chế biến từ những gia súc nuôi trong nhà. Thấy cặp sừng nhọn, dài và đẹp, nhiều người đem rửa sạch rồi phơi nắng, treo lên cột gỗ trong nhà trang trí. "Từ năm 1977 đến 1980, tôi bắt được 6 con sao la, giữ lại ba cặp sừng làm kỷ niệm", ông Thanh kể.
Ông Nguyễn Đình Tiến, Chủ tịch xã Hương Quang giai đoạn 1989-2005, xác nhận vài chục năm trước, khi rừng còn được săn bắt tự do, mỗi năm người dân trên địa bàn bẫy được 4-5 con sao la, song không hề biết đó là loài thú quý hiếm.
Đầu những năm 1990, một số tổ chức nước ngoài về nghiên cứu động vật hoang dã, phát hiện tại nhà của một hộ dân ở xã Hương Quang lưu giữ bộ sừng thú rừng thon và dài. "Họ ngạc nhiên vì bộ sừng này rất đặc biệt, không giống bất cứ sừng của loại động vật nào từng công bố đến thời điểm đó. Đến tháng 5/1992, giới chuyên môn đã công bố cặp sừng này chính là của con sao la, thuộc họ bò và lần đầu tiên được phát hiện trên thế giới", ông Tiến kể.
Việc khám phá ra loài sao la đã gây chấn động vì giới khoa học cho rằng việc tìm thấy loài thú lớn vào cuối thế kỷ 20 là "khó có thể xảy ra". Các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã đến nhiều nhà dân ở xã Hương Quang đặt vấn đề mua hoặc xin lại các cặp sừng sao la để về nghiên cứu.
Gia đình ông Lê Ngọc Thanh đã bàn giao ba cặp sừng cho cán bộ kiểm lâm. Sau này chuyển nghề về công tác tại trạm y tế xã, thỉnh thoảng trò chuyện với bạn bè đi săn ngày xưa, ông Thanh luôn tâm sự không nghĩ loài thú mình từng bắt được lại trở nên "nổi tiếng" đến vậy. Những người bạn ông Thanh nghe xong cũng nuối tiếc, nói muốn lưu giữ được nhiều hơn dấu vết về sao la để cung cấp cho nhà chức trách phục vụ công tác bảo tồn.
Từ sau năm 1992, sao la hầu như vắng bóng tại rúi rừng Hà Tĩnh. Một ngày giữa năm 1994, cựu Chủ tịch xã Hương Quang Nguyễn Đình Tiến tình cờ trông thấy một người dân bẫy được con sao la cái khoảng 4-5 tháng tuổi nên bỏ ra vài trăm nghìn đồng mua đưa về nhà, sau đó bàn giao cho Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ Lâm nghiệp, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để nuôi nhằm nghiên cứu. Song 6 tháng sau con vật chết.
"Lần phát hiện mới này gợi lên nhiều hy vọng. Thời gian sau, các đoàn chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước liên tục ra vào rừng Hà Tĩnh, bắt đầu những cuộc tìm kiếm sao la kéo dài trong nhiều năm", ông Tiến cho biết thêm.
(Theo VnExpress)