Yên Bái triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/5/2019 | 8:06:32 AM

YênBái - Sau khi phát hiện 2 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) tại huyện Văn Chấn vào ngày 5/5 thì đến ngày 13/5, Yên Bái phát hiện thêm 2 ổ dịch nữa tại hộ gia đình ông Đặng Văn Lỉn, tổ 6, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ và hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dương, thôn Liên Hiệp xã Minh Quân, huyện Trấn Yên. Như vậy tính đến ngày 13/5 trên dịa bàn tỉnh đã xuất hiện 4 ổ BDTLCP làm chết và tiêu hủy 300 con lợn với trọng lượng trên 20 tấn lợn hơi.

Lực lượng chức năng tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Lực lượng chức năng tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.


Dịch bùng phát mạnh

Theo báo cáo của Cục Thú y, BDTLCP xuất hiện từ cuối tháng 2/2019, bắt đầu từ tỉnh Hưng Yên sau đó xuất hiện tại Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh…Sau một thời gian tạm thời lặng dịu thì trong tháng 5/2019, BDTLCP có dấu hiệu bùng phát tại Đồng Nai, Bình Phước, Phú Thọ và Yên Bái. Tính đến ngày 12/5, cả nước có 2.296 xã của 204 huyện của 29 tỉnh thành trong cả nước có BDTLCP với tổng số lợn ốm lợn chết, lợn tiêu hủy là 1.220.488 con, chiếm 4% tổng số đàn. 

Tại Yên Bái tính đến ngày 13/5/2019, đã có 4 hộ chăn nuôi của 3 xã trên địa bàn 3 huyện, thị phát hiện có BDTLCP, số lợn ốm, chết và tiêu hủy 300 con lợn. Ổ BDTLCP đầu tiên được phát hiện tại hộ gia đình ông Vũ Thanh Tùng ở tổ dân phố số 9 từ ngày 4/5 và ổ dịch thứ 2 xuất hiện tại hộ ông Phạm Ngọc Hưng ở tổ dân phố 3 từ ngày 5/5. 



Lực lượng chức năng tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Sau khi có kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xác định mẫu bệnh phẩm dương tính vi rút BDTLCP, các ngành chuyên môn của tỉnh và huyện Văn Chấn đã thành lập các đoàn triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng chống dịch; tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn nằm trong vùng nhiễm dịch là 248 con (trong đó có 34 con đã chết), tương đương trên 10 tấn. 

Tiếp đến, từ ngày 7 - 9/5, tại hộ gia đình ông Đặng Văn Lỉn, tổ 6, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ có 7 con lợn ốm trên tổng số 18 con lợn (2 con chết) có triệu trứng lâm sàng BDTLCP, sau khi lấy mẫu xét nghiệm và cho dương tính với BDTLCP, thị xã đã tiêu hủy toàn bộ số lợn của gia đình và tiến hành các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. 

Tiếp đó ngày 6 và 7/5, tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dương, thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân huyện Trấn Yên có lợn ốm, từ ngày 9 - 12/5 chết 19 con/36 con. Trung tâm Thú y tỉnh đã lấy bệnh phẩm gửi xét nghiệm, ngày 12/5, Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương kết luận dương tính với vi rút BDTLCP. 

Trong ngày 13/5, huyện Trấn Yên, xã Minh Quân và gia đình đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn của gia đình, đồng thời tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Nguyên nhân phát sinh bệnh bước đầu đánh giá là do các cơ sở chăn nuôi không tuân thủ khép kín đảm bảo vệ sinh thú y. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, các hộ gia đình chăn nuôi cho một số người buôn bán lợn và anh em ở một số tỉnh có dịch vào thăm cơ sở chăn nuôi.

Cấp bách phòng chống dịch

Ngay sau khi có dịch phát sinh các địa phương, ngành chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn công tác phun tiêu độc, khử trùng ổ dịch, thông báo cho người dân và các hộ chăn nuôi thuộc vùng bị dịch uy hiếp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tỉnh đã cấp phát 120 lít sát trùng cùng các vật tư để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và vùng uy hiếp, vùng đệm. 

Huyện Văn Chấn thành lập chốt kiểm soát BDTLCP tại ổ dịch phun thuốc khử trùng tiêu độc tại ổ dịch và vùng uy hiếp, vùng đệm; nghiêm cấm việc vận chuyển lợn ra vào ổ dịch, giám sát chặt chẽ dịch bệnh ở các vùng uy hiếp, vùng đệm. Huyện Mù Cang Chải thành lập một chốt kiểm soát dịch bệnh trên quốc lộ 32 (km257), đối với huyện Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút BDTLCP đã triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch thông báo tình hình dịch, tiêu độc khử trùng ổ dịch, tiêu hủy gia súc. Như vậy, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp và có khả năng lan ra diện rộng. 

Để bảo vệ đàn lợn trên 500.000 con của trên 49.000 hộ chăn nuôi, hơn lúc nào hết các địa phương, ban ngành, xã, thôn, hộ chăn nuôi triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 14/3/2019 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP.
 
Đối với huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trấn Yên (địa phương đang có dịch): tổ chức chỉ đạo, triển khai, thực hiện theo kịch bản của kế hoạch (phạm vi nhỏ hẹp được tạm quy ước từ 1-3 hộ chăn nuôi, trại chăn nuôi trong từ 1-3 thôn, bản của 1 đơn vị hành chính); chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức vệ sinh, phụ tiêu độc khử trùng tại ổ dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm theo quy định; thành lập tổ kiểm soát cơ động, chốt kiểm soát tạm thời của huyện kiểm soát việc vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra vào vùng có dịch bệnh và trên địa bàn huyện; hạn chế người ra vào khu vực tiêu hủy lợn và vùng có dịch bệnh xảy ra; theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh nếu phát hiện có gia súc ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn của tỉnh để kiểm tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm; bố trí kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh. Báo cáo tình hình dịch bệnh về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh. 

Đối với các huyện, thành phố chưa có dịch bệnh: tiếp tục chỉ đạo thực hiện kịch bản 1 của Kế hoạch số 65/KH-UBND của UBND tỉnh; chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đàn vật nuôi trên địa bàn; tăng cường giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó khi phát hiện dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ và sẵn các trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch và xét nghiệm bệnh DTLCP; hướng dẫn người chăn nuôi, cán bộ cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP, lợn chết nhanh không rõ nguyên nhân thì lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thường xuyên thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. 

Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo dõi sát tình hình dịch bệnh, hỗ trợ đầy đủ thuốc sát trùng, vật tư cho các địa phương theo kế hoạch, đặc biệt các địa phương có dịch.  


Thanh Phúc

Các tin khác
Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vừa tiêu huỷ hơn 8 tấn lợn hơi bị dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước đã đủ điều kiện để tái đàn lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 96% số xã không còn dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tăng và tái đàn lợn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi lợn

Ngày 5/11, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản 3460/UBND – NLN về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại.

Sau nhiều tháng công bố hết dịch, tháng 9 vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Yên Bái, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục