Khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Yên Bái huy động tổng lực ngăn chặn và dập dịch

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/5/2019 | 8:16:43 AM

YênBái - Xuất hiện từ ngày 4/5 tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) đã lan ra 6 xã của 4 huyện, thị xã là Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, Trấn Yên, Trạm Tấu. Dịch bệnh hiện đang có khả năng lan rộng và khó kiểm soát. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đang tập trung toàn lực khống chế và dập dịch bệnh.

Lực lượng chức năng đưa lợn nhiễm bệnh đi tiêu hủy.
Lực lượng chức năng đưa lợn nhiễm bệnh đi tiêu hủy.


Ngày 6/5, đàn lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Dương ở thôn Liên Hiệp, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên có biểu hiện ốm, đến ngày 9/5, trong số lợn ốm có 1 con đã chết và 5 con bị sốt, mệt mỏi, biểu hiện triệu chứng lâm sàng của BDTLCP. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, ngày 12/5, Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xác định mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn lợn hộ gia đình anh Dương đã dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. 

Anh Nguyễn Văn Dương cho biết: "Ngay sau khi báo chính quyền địa phương về tình hình dịch bệnh đàn lợn của gia đình, các cấp chính quyền từ huyện tới xã và cơ quan chuyên môn đã xuống cùng gia đình triển khai các biện pháp dập dịch”. 

Cũng tại thôn Liên Hiệp, ngày 13/5 tiếp tục xuất hiện thêm một ổ dịch mới tại hộ anh Cao Văn Mạnh, hiện đã có 7/21 con đã chết, được gia đình tiêu hủy. Như vậy, trên địa bàn xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đã xuất hiện 2 ổ BDTLCP với tổng số 57 con bị chết và nhiễm dịch. 

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, trong chiều ngày 13/5, huyện Trấn Yên đã huy động lực lượng dân quân tổ chức tiêu hủy số lợn còn lại của hai hộ chăn nuôi trên. Tại xã Quy Mông, 1 hộ có  45 con lợn ốm, đến ngày 13/5, kết quả xét nghiệm dương tính với với vi rút BDTLCP. 

Ngay khi xuất hiện BDTLCP, lãnh đạo huyện Trấn Yên cùng ngành chuyên môn đã có mặt tại địa phương và chỉ đạo xã Minh Quân triển khai áp dụng biện pháp phòng, chống và khống chế dịch. Huyện Trấn Yên đã chỉ đạo các ngành chuyên môn lập ngay 2 chốt kiểm dịch và phun tiêu độc khử trùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan. 

Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc kiểm soát không để người dân vận chuyển, buôn bán sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, nhất là vận chuyển lợn vào từ các xã thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. 

Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Huyện đã ra thông báo dịch trên địa bàn toàn huyện. Cùng đó, tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị bệnh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh và đàn lợn xung quanh có biểu hiện bệnh. Các đàn lợn chưa mắc cách ly, thường xuyên phun thuốc khử trùng. Huyện đã khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp; cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra khỏi vùng dịch; tăng cường điều tra, kiểm tra, phát hiện dịch bệnh, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện dịch bệnh sớm và có các biện pháp chống dịch  hiệu quả nhằm hạn chế sự lây lan của dịch ra diện rộng”. 

Tại thị xã Nghĩa Lộ, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 01 và Kế hoạch số 36 của UBND thị xã về thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm BDTLCP trên địa bàn nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên trên địa bàn thị xã cũng đã xuất hiện 1 ổ BDTLCP. 

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thị xã, từ ngày 7 - 12/5 đã phát hiện lợn chết tại hộ gia đình ông Đặng Văn Lỉn ở tổ 6, phường Tân An. 

Ngay sau khi phát hiện, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành các xét nghiệm cần thiết và lấy mẫu kiểm tra, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương kết luận dương tính với virus BDTLCP. 

Tính đến ngày 13/5, tổng số lợn tiêu hủy của gia đình ông Lỉn là 18 con, trọng lượng 647 kg, đã tiêu hủy theo đúng quy trình, đảm bảo yêu cầu. UBND thị xã Nghĩa Lộ đã yêu cầu các cơ quan, phòng ban chuyên môn và UBND 7 xã, phường tập trung cao độ nắm bắt và báo cáo tình hình kịp thời với cơ quan thường trực về đàn lợn hiện có trên toàn địa bàn, dấu hiệu dịch bệnh (nếu có) để tiến hành các bước xử lý; triển khai ngay phun tiêu độc khử trùng đợt 2 trên toàn địa bàn.

Trước mắt, thị xã ra thông báo tạm dừng vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn tổ 6, phường Tân An và tổ 8, phường Pú Trạng (là địa bàn giáp ranh); phối hợp với huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn tăng cường quản lý dịch bệnh. 

Đồng thời, ra quyết định thành lập tổ kiểm soát cơ động để kiểm soát tình hình dịch bệnh, lên phương án hỗ trợ kinh phí, tổ chức phun và hỗ trợ tiền tiêu hủy cho hộ chăn nuôi theo đúng quy định. 

Hiện tại, huyện Trạm Tấu có 3 xã xuất hiện bệnh DTLCP: xã Trạm Tấu có 6 hộ,  34 lợn ốm, đã chết 31 con, kết quả xét nghiệm số 5990/CĐ-XN ngày 13/5/2019 của Trung tâm Chẩn đoán Trung ương kết luận dương tính với vi rút BDTLCP; xã Túc Đán có 35 hộ, 86 lợn ốm, chết  80 con từ ngày 9-12/5, kết quả xét nghiệm số 6038/CĐ-XN ngày 13/5/2019 của Trung tâm chẩn đoán Trung ương kết luận dương tính với vi rút BDTLCP;  xã Làng Nhì với 41 con bị mắc và nghi mắc, trong đó có 37 con đã chết. 




Cán bộ thú y phun thuốc khử trùng trong khu vực có bệnh dịch.

Tính đến hết ngày 14/5/2019, toàn tỉnh đã có 47 hộ chăn nuôi của 6 xã trên địa bàn 4 huyện, thị xã của tỉnh phát sinh dịch. Số lợn ốm, chết và tiêu hủy tổng số 465 con, tương đương trên 20 tấn lợn hơi. Ngay sau khi phát hiện BDTLCP tại 4 địa phương, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có mặt trực tiếp chỉ đạo chính quyền và các ngành chức năng tổ chức phòng chống dịch bệnh theo quy định, tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh của các hộ chăn nuôi. 

Tỉnh đã cấp 620 lít sát trùng cùng các vật tư để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các vùng uy hiếp, vùng đệm, hiện tiếp tục cấp thuốc sát trùng cho các địa phương để chống dịch. 

Có mặt trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương có dịch, ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Dự báo BDTLCP còn diễn biến phức tạp, đây là loại dịch bệnh rất nghiêm trọng và khó kiểm soát. Do vậy, chính quyền địa phương các cấp cần chủ động theo dõi, phát hiện sớm dịch bệnh, báo cáo và công bố dịch kịp thời dịch bệnh trên địa bàn; tổ chức tiêu hủy tại chỗ lợn bị bệnh kịp thời trong vòng 24 giờ và tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng bằng thuốc sát trùng, vôi bột; tuyệt đối không giấu dịch và vứt xác lợn chết ra môi trường; thành lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển, ngăn chặn mầm bệnh ra khỏi vùng dịch; hỗ trợ kịp thời kinh phí cho người chăn nuôi bị thiệt hại và trả thù lao cho lực lượng tham gia chống dịch; thành lập các đoàn công tác xuống chỉ đạo ở từng địa phương; cập nhật kịp thời thông tin về bệnh dịch để người dân biết và chủ động, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch...”.

Do BDTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc chữa, chưa có vắc xin phòng, bệnh khó kiểm soát do chăn nuôi nhỏ lẻ, việc kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn còn nhiều hạn chế, lực lượng mỏng, mật độ các phương tiện và con người lưu thông rất lớn, do đó trong thời gian tới nguy cơ bệnh phát sinh lây lan là rất cao. 

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay và thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 14/3/2019 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với BDTLCP.

Lãnh đạo các huyện thị xã, thành phố, các ngành liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống BDTLCP trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường giám sát chăn nuôi trên địa bàn, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng, thành lập chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh; các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp từ tỉnh đến huyện và lãnh đạo các xã phường, thị trấn cần chủ động hơn nữa việc kiểm soát chăn nuôi, nhất là việc nhập lợn giống, thành lập tổ kiểm soát lưu động kiểm tra giám sát chăn nuôi lợn trên địa bàn đặc biệt đối với các vùng trong ổ dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm và các xã lân cận trên địa bàn nhằm hạn chế tốc độ lây lan thiệt hại ở mức thấp nhất do BDTLCP gây ra.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái dịch tả lợn châu Phi chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh dịch

Các tin khác
Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vừa tiêu huỷ hơn 8 tấn lợn hơi bị dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước đã đủ điều kiện để tái đàn lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 96% số xã không còn dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tăng và tái đàn lợn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi lợn

Ngày 5/11, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản 3460/UBND – NLN về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại.

Sau nhiều tháng công bố hết dịch, tháng 9 vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Yên Bái, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục