Phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Phải quyết liệt, sâu sát cơ sở

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/5/2019 | 8:31:33 AM

YênBái - Bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) đã và đang có dấu hiệu bùng phát mạnh tại một số địa phương trong tỉnh.

Các hộ chăn nuôi phải cùng vào cuộc phòng, chống dịch bệnh và không nên tái đàn vào thời điểm này. (Hồng Duyên)
Các hộ chăn nuôi phải cùng vào cuộc phòng, chống dịch bệnh và không nên tái đàn vào thời điểm này. (Hồng Duyên)


Từ ổ dịch đầu tiên được phát hiện ngày 5/5 tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn thì đến 16/5/2019 đã bùng phát 167 ổ dịch ở 17 thôn thuộc 9 xã, thị trấn của 6 huyện là: Văn Chấn, Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Yên Bình và Lục Yên. Các ngành chức năng, hộ gia đình đã tiến hành tiêu hủy 847 con lợn, với tổng trọng lượng trên 40 tấn. 

Hiện, dịch vẫn tiếp tục có chiều hướng bùng phát trên diện rộng. Vì vậy, việc phòng chống BDTLCP là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát cơ sở.

Nguyên nhân phát sinh bệnh, bước đầu đánh giá là do các cơ sở chăn nuôi không tuân thủ khép kín đảm bảo vệ sinh thú y. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, các hộ gia đình chăn nuôi còn cho một số người buôn bán lợn và anh em ở một số tỉnh có dịch vào thăm cơ sở chăn nuôi. 

Ngành nông nghiệp, cấp phát đủ thuốc sát trùng cùng các vật tư để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch và vùng uy hiếp, vùng đệm. Tỉnh, huyện thành lập các chốt kiểm soát BDTLCP tại ổ dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc tại ổ dịch và vùng uy hiếp, vùng đệm cũng như trên các tuyến đường trọng yếu. 

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh nếu phát hiện có gia súc ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn để kiểm tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm. 

Tuy nhiên, để bảo vệ đàn lợn hiện có, hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan lúc này đang gặp những khó khăn nhất định cần có sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát cơ sở hơn nũa của các cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Thực tế cho thấy, tổng đàn lợn của Yên Bái không lớn, nhưng chủ yếu là chăn nuôi nông hộ với 49.000 hộ trải khắp các thôn bản, phố phường từ vùng thấp đến vùng cao. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như người dân, nhất là hộ chăn nuôi có nơi, có lúc còn lơ là, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cấp bách chống dịch. 

Để phòng chống BDTLCP, từ tháng 2/2019 Yên Bái đã thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã và xây dựng Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 14/3/2019 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với BDTLCP. Tỉnh, huyện, xã cơ bản triển khai thực hiện khá tốt, nhưng vẫn còn có những địa phương cấp xã, thôn, bản vẫn rất lơ mơ. 

Xã Minh Quân, huyện Trấn Yên là xã đã có ổ dịch tại thôn Liên Hiệp, sau khi phát hiện đã tiến hành tiêu hủy và áp dụng các biện pháp phòng dịch theo quy định. 2 ngày sau khi tiêu hủy chúng tôi trở lại xã Minh Quân để hiểu rõ hơn công tác phòng chống dịch ngay tại tâm dịch. 

Chủ tịch UBND xã Lê Trung Kiên cho biết: "Hiện, toàn xã có 119 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 2.040 con lợn. Thôn Liên Hiệp (thôn đang có dịch) có 15 hộ nuôi lợn với 368 con. Ngay sau có dịch, xã tiến hành khoanh vùng dập dịch theo quy định. Xã giao cho các tổ chức chính trị, đoàn thể, tổ chức tuyên truyền người dân hiểu về sự nguy hiểm và tác hại của BDTLCP tới toàn thể nhân dân; thành lập chốt ra vào thôn kiểm soát vận chuyển cũng như phun thuốc khử trung tiêu độc...”. 

Để rõ hơn, chúng tôi vào thẳng tâm dịch, qua chốt kiểm dịch đặt ở đầu đường vào thôn được chừng 500 m các lái buôn gà, vịt, ngan vẫn đến đây để mua đem bán. 

Ông Nguyễn Văn Loan, thôn Liên Hiệp đang cùng vợ bắt ngan bán cho thương lái kế bên là chuồng chăn nuôi lợn chừng ba chục con cả lớn lẫn bé và chuồng nuôi không được che chắn. Hỏi ông về BDTLCP, ông Loan cho hay: "Ở đây đang có dịch đấy! Lợn không được bán, chết người chăn nuôi. Gia đình cứ cách một ngày lại phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại một lần”. 

Thực tế, người chăn nuôi cũng đã ý thức hơn trong chăn nuôi và phòng chống dịch, nhưng còn rất chủ quan, chuồng không che chắn, không cách ly, vẫn để người buôn bán động vật, người lạ ra vào khu chăn nuôi nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Bên cạnh đó cho thấy, tuy đã lập chốt kiểm dịch ở đầu đường vào thôn nhưng như thế không đủ, bởi đường thôn bản nối liền thôn nọ đến thôn kia không có ai kiểm soát.  

Để công tác phòng chống dịch hiệu quả, các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở phải triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 14/3/2019 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với BDTLCP. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo xã, bí thư, chủ tịch, các tổ chức chính trị phải sâu sát, xuống tới thôn, bản, hộ dân hướng dẫn, tuyên truyền để cùng người dân, hộ chăn nuôi cùng vào cuộc phòng chống dịch bệnh không những cho gia đình mình, địa phương mình mà còn không để dịch bệnh có cơ hội lây lan sang địa phương khác. Đây là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên chứ không chỉ hội họp, hô hào chung chung. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng không "quay lưng” lại với thịt lợn, thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn khỏe mạnh. Cho phép giết mổ những đàn lợn khỏe mạnh, người dân, hộ chăn nuôi cũng không nên tái đàn lúc này, dù lợn giống có nguồn gốc rõ ràng và khỏe mạnh.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vừa tiêu huỷ hơn 8 tấn lợn hơi bị dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước đã đủ điều kiện để tái đàn lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 96% số xã không còn dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tăng và tái đàn lợn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi lợn

Ngày 5/11, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản 3460/UBND – NLN về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại.

Sau nhiều tháng công bố hết dịch, tháng 9 vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Yên Bái, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục