Phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/5/2019 | 1:50:37 PM

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Đến ngày 20/5 cả nước có 34 tỉnh, thành có dịch, khiến 1,5 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả châu Phi. (Ảnh: Mạnh Cường)
Các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả châu Phi. (Ảnh: Mạnh Cường)

 Việc cấp bách, làm ngay lúc này là các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc chống dịch với tinh thần cao nhất, quyết tâm nhất để bảo vệ ngành chăn nuôi, ổn định sản xuất.

Yên Bái chưa phải là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển, nhất là nuôi lợn. Tuy nhiên, đang có 49 ngàn hộ chăn nuôi với trên 500 ngàn con lợn, giá trị chăn nuôi lợn đạt hàng trăm tỷ đồng, góp phần đảm bảo ổn định nguồn cung cho thị trường, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Xác định chăn nuôi gia súc, gia cầm là một ngành kinh tế mũi nhọn, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi nói chung và nuôi lợn nói riêng. Song song với đó là khuyến khích, phát triển chăn nuôi sạch, an toàn và phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Trong nhiều năm qua, trên địa bàn không để xảy ra ổ dịch nào lớn. 

Đặc biệt, trong đợt bệnh DTLCP tràn vào Việt Nam, Yên Bái đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, sau hơn hai tháng không để dịch "đổ bộ”, thì đến ngày ngày 5/5 đã phát hiện có ổ dịch đầu tiên tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. 

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Yên Bái đã huy động các lực lượng khoanh vùng dập dịch và tiêu hủy lợn theo quy định. 

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường, dịch bệnh đã và đang bùng phát mạnh trên địa bàn. Theo số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến 15 giờ ngày 20/5/2019, dịch bệnh xảy ra tại 212 hộ chăn nuôi, 19 thôn, 9 xã, phường, thị  trấn trên địa bàn 6 huyện, thị xã (Văn Chấn 1 xã: Nghĩa Lộ 1 xã; Trấn Yên 2 xã; Trạm Tấu 3 xã, Lục Yên 1 xã, Yên Bình 1 xã), đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn 924 con có bệnh DTLCP với trọng lượng 43.109 kg. Thực tế cho thấy, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường và đang có chiều hướng bùng phát trên diện rộng. 

Trong những ngày qua, Yên Bái cũng như các địa phương khác trong cả nước đã vào cuộc chống dịch một cách tích cực, đồng độ. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP, UBND huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã có dịch tổ chức phòng chống dịch bệnh, thành lập chốt kiểm soát dịch bệnh; tiêu hủy lợn mắc bệnh, phun tiêu độc khử trùng. 

Tỉnh đã cấp 2.622 lít sát trùng cùng các vật tư để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và các vùng uy hiếp, vùng đệm và các chốt kiểm dịch. 

Trước diễn biến khó kiểm soát của dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp, các huyện, thị, thành phố có chỉ thị, công điện, ra hàng loạt công văn, văn bản triển khai các biện pháp cấp bách chống dịch. Mới đây nhất, ngày 20/5, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bệnh  DTLCP.

Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong tâm: coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và tổ chức xã hội... thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các giải pháp đã đề ra; quyết tâm khống chế dịch trong thời gian sớm nhất, đảm bảo điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững, cải thiện đời sống nhân dân. 

Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh đối với kinh tế và đời sống nhân dân. 

Thông tin chính xác, kịp thời theo nguyên tắc vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo tiêu thụ được thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội. Vừa phòng chống, khống chế dịch bệnh vừa chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi ngay sau khi dịch bệnh được khống chế... 

Kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y, tăng cường năng lực thú y các cấp đủ sức thực thi nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức chỉ đạo phòng, chống, khống chế dịch tại các cấp; vận động kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí, phương tiện, vật chất kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống, khống chế dịch bệnh, giúp các hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề trong đợt dịch này. 

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị của Ban Bí thư.

Ngọc Trúc


Tags tả lợn châu Phi Yên Bái dịch tiêu hủy

Các tin khác
Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vừa tiêu huỷ hơn 8 tấn lợn hơi bị dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước đã đủ điều kiện để tái đàn lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 96% số xã không còn dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tăng và tái đàn lợn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi lợn

Ngày 5/11, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản 3460/UBND – NLN về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại.

Sau nhiều tháng công bố hết dịch, tháng 9 vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Yên Bái, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục