Thành phố Yên Bái tập trung cao nhất chống dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/5/2019 | 11:22:30 AM

YênBái - Ngày 24/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã chính thức xuất hiện trên địa bàn thành phố Yên Bái. Ổ dịch thứ nhất phát hiện tại xã Tuy Lộc, tiếp đến là một hộ chăn nuôi thuộc địa bàn phường Minh Tân.

Chốt kiểm dịch động vật tạm thời lập tại thôn Đoàn Kết xã Âu Lâu,
thành phố Yên Bái. (Ảnh: Hồng Duyên)
Chốt kiểm dịch động vật tạm thời lập tại thôn Đoàn Kết xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Hồng Duyên)

Công tác phòng, chống dịch được chính quyền thành phố, các phường, xã, ngành chức năng và các chủ hộ chăn nuôi trách nhiệm, chủ động phối hợp, bảo đảm đúng quy trình, không để lây lan ra diện rộng; đồng thời, giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh dịch gây ra.

Khẩn trương nắm tình hình tại địa bàn xuất hiện ổ dịch đầu tiên của thành phố ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút bệnh DTLCP, bà Phạm Minh Phương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố thông tin nhanh: "Ổ dịch được phát hiện tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mai, thôn Xuân Lan, xã Tuy Lộc. Hộ bà Mai chăn nuôi cả lợn nái và lợn thịt với tổng số 8 con; trong số này, có 2 con chết, 3 con mắc bệnh. Ổ dịch thứ 2 phát hiện tại gia đình bà Đặng Thị Lý, tổ 4, phường Minh Tân. Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của 2 gia đình với tổng số 12 con theo đúng quy trình phòng dịch...”.

Hiện tại, trên địa bàn xã Tuy Lộc có trên 5.000 con lợn; trong đó, đàn lợn của các hộ dân có gần 1.000 con, Tổng Công ty Hòa Bình Minh có trên 4.000 con. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Ngăn chặn bệnh dịch lây lan ra diện rộng, xã đã thành lập chốt kiểm dịch tạm thời ngay tại thôn Xuân Lan; đồng thời, thành lập 2 tổ kiểm soát lưu động, có trách nhiệm đến từng hộ chăn nuôi để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn, khi phát hiện lợn nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân báo cáo chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau ba ngày phát hiện ổ dịch, hiện thôn Xuân Lan chưa phát hiện thêm ổ dịch mới”. 

Bệnh DTLCP xâm nhập vào địa bàn thành phố Yên Bái muộn hơn so với các huyện, thị, địa phương trong tỉnh. Chủ động phòng, chống và đối phó với bệnh dịch, từ đầu tháng 3, UBND thành phố đã sớm xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch; ban hành công điện về việc tập trung triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch xâm nhập vào địa bàn; đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo đôn đốc thực hiện các biện pháp tổng hợp phòng chống bệnh. Chính quyền các địa phương và người chăn nuôi ý thức rất rõ về vấn đề này. 

Âu Lâu - xã ngoại vi của thành phố có gần một trăm hộ chăn nuôi lợn với 1.674 con gồm cả lợn thịt, lợn nái, lợn con và một tổ chức chăn nuôi lợn quy mô tập trung. 

Công tác phòng, chống dịch, theo như ông Nguyễn Toàn Thắng - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định, được đặt ở mức độ cao nhất. Xã đã thành lập tổ trực gồm 11 đồng chí, lập chốt kiểm dịch phun tiêu độc khử trùng tại tại thôn Đoàn Kết; cử 3 cán bộ của xã tham gia trực chốt kiểm dịch của thành phố đặt tại thôn Đắng Con...

Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 4 tổ chức chăn nuôi lợn tập trung và trên 1.000 hộ chăn nuôi với tổng đàn lợn khoảng 25.000 con. Với bệnh DTLCP, bên cạnh khó khăn chưa có vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi thì tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thuần túy, việc tuân thủ các yêu cầu bảo đảm chăn nuôi toàn sinh học, an toàn dịch bệnh vẫn còn là trở ngại đối với công tác phòng, chống dịch. 

Thành phố đã tiến hành phun 3 đợt tiêu độc khử trùng trên toàn địa bàn; thành lập 2 chốt trạm kiểm dịch, phun tiêu độc khử trùng tại thôn Ngòi Sen, xã Văn Tiến và thôn Đắng Con, xã Âu Lâu. Tăng cường phối hợp với tổ công tác liên ngành kiểm tra lưu động; công an, Đội Quản lý thị trường số 2 thành phố thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt, tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với hơn 30 cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ trên địa bàn trong việc nhập - xuất lợn, sản phẩm của lợn. 

Đối với các địa bàn có dịch, tổ chức phun tiêu độc khử trùng 1 lần/ngày. Các ngành, địa phương chủ động thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân thực hiện tốt "5 không” (không giấu dịch; không mua gia súc bệnh, sản phẩm gia súc bệnh; không bán chạy gia súc bệnh; không thả rông, không tự vận chuyển gia súc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh DTLCP bừa bãi). Quan điểm chỉ đạo của thành phố là khống chế dứt điểm, không để dịch lây lan ra diện rộng, mục tiêu giảm tới mức thấp nhất tổn thất đối với  ngành chăn nuôi của địa phương. 

Thúy Phạm

Tags Thành phố Yên Bái DTLCP chăn nuôi ổ dịch

Các tin khác
Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vừa tiêu huỷ hơn 8 tấn lợn hơi bị dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước đã đủ điều kiện để tái đàn lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 96% số xã không còn dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tăng và tái đàn lợn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi lợn

Ngày 5/11, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản 3460/UBND – NLN về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại.

Sau nhiều tháng công bố hết dịch, tháng 9 vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Yên Bái, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục