Chăn nuôi an toàn sinh học: Giải pháp hữu hiệu phòng chống dịch tả lợn châu Phi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/9/2019 | 9:27:07 AM

YênBái - Bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) xuất hiện và lây lan mạnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ nhiều tháng nay, nhưng nhiều trang trại chăn nuôi lớn vẫn sản xuất, kinh doanh an toàn, xe cộ vẫn ra vào vận chuyển lợn đến kỳ xuất bán, vận chuyển thức ăn cho đàn.

Đoàn công tác của Viện Chăn nuôi lợn, Cộng hòa Ukraina thăm trang trại lợn của Công ty TNHH Đầm Mỏ tháng 3/2018.
Đoàn công tác của Viện Chăn nuôi lợn, Cộng hòa Ukraina thăm trang trại lợn của Công ty TNHH Đầm Mỏ tháng 3/2018.

Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Đầm Mỏ ở xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái là một điển hình. Trang trại được xây dựng trên diện tích 5 ha và được đánh giá là trang trại chăn nuôi lợn tư nhân lớn nhất và hiện đại nhất tỉnh Yên Bái. Trang trại có 400 con lợn nái, 2.000 lợn thương phẩm. Tất cả các yêu cầu về xây dựng chuồng trại, con giống, chăm sóc đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Nhằm đảm bảo chất lượng lợn giống, Công ty đã nhập con giống tiêu chuẩn, có nguồn gốc từ Đan Mạch. Đây là giống lợn siêu nạc, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Thức ăn do Tập đoàn Thức ăn chăn nuôi De Heus Hà Lan cung cấp. Quy trình chăn nuôi của doanh nghiệp này được đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. 

Ông Nguyễn Hồng Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Đầm Mỏ giới thiệu qua camera cho chúng tôi thấy quy mô và độ an toàn dịch bệnh của trang trại. Trang trại chăn nuôi được chia thành các khu: lợn nái sinh sản, lợn cai sữa, lợn thương phẩm được nuôi trong nhà kín có hệ thống lọc không khí. Tất cả các quy trình từ khâu chọn giống, vệ sinh, chăm sóc, giết mổ đều đảm bảo an toàn và khép kín. 

Ông Nguyễn Hồng Thanh cho biết: "Trong thời điểm này việc phòng chống dịch bệnh được đặt lên hàng đầu. Với biện pháp cách ly "nội bất xuất, ngoại bất nhập”, để phòng dịch từ xa, trang trại tổ chức rửa xe, phun hóa chất khử trùng tiêu độc cho các phương tiện vận chuyển cách xa khu chăn nuôi, sau khi phun rửa khoảng 1 đến 2 tiếng mới được vào trại. Khi vào trại lại tiếp tục phải qua khu vực phun khử trùng tự động một lần nữa để đảm bảo an toàn. Cùng với đó, để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, trang trại chăn nuôi áp dụng chặt chẽ phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, cách ly từ xa một cách tối đa các nguồn có thể lây nhiễm bệnh dịch vào khu vực chăn nuôi”. 

Cũng nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên đến thời điểm này, trại lợn của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Bình Minh ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái an toàn trong vùng dịch. 

Là một trong những công ty chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Công ty đặc biệt chú trọng khâu phòng, chống dịch bệnh vì thế đơn vị luôn kiểm soát nghiêm ngặt quá trình chăn nuôi từ khâu con giống đến việc tìm nguồn thức ăn, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại. 

Lợn giống của trang trại chủ yếu tự sản xuất rồi để nuôi luôn nên có lý lịch rõ ràng, được tiêm phòng một số chủng nhất định, thức ăn được chế biến phù hợp với độ tuổi của lợn để vừa tăng sức đề kháng vừa đảm bảo chất lượng thịt khi ra thị trường. 

Ông Nguyễn Trương Lương - Giám đốc khu vực Yên Bái cho biết: "Khâu vệ sinh chuồng trại hàng ngày và sau xuất bán lợn được xem là quan trọng nhất trong việc phòng chống dịch bệnh. Thường cứ theo chu kỳ 3-5 ngày sẽ phun tiêu độc khử trùng cho trang trại 1 lần, nhưng suốt 4 tháng qua thì ngày nào cũng tiến hành phun 1 đến 2 lần và rắc vôi bột toàn bộ trang trại và đường đi; lập chốt khử trùng tại cổng vào của trang trại”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 4/5 đến ngày 10/9, BDTLCP xảy ra tại 2.714 hộ; 330 thôn, bản, tổ; 105 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh 12.330 con, tiêu hủy 15.589 con, trọng lượng  713.116 kg. 

Qua 4 tháng xảy ra dịch bệnh, điều dễ nhận thấy là các ổ BDTLCP đều phát sinh từ các cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hoặc thực hiện chưa chặt chẽ. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 13 trang trại chăn nuôi quy mô từ 500 con lợn nái và 1.000 lợn thịt trở lên và 308 cơ sở chăn nuôi quy mô từ 5 lợn nái và trên 50 con lợn thịt. Với đầu đàn hiện có gần 80 nghìn con, chiếm gần 16% đàn lợn toàn tỉnh. 

Đến thời điểm này các trang trại, cơ sở vẫn an toàn đối với BDTLCP do các trang trại này đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp đem lại hiệu quả nhất trong việc phòng chống dịch bệnh và mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Sản phẩm lợn vừa đảm bảo chất lượng, an toàn lại cho giá thành cao. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, nếu bảo đảm an toàn dịch bệnh mới cấp chứng nhận cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh động vật. Đây là yêu cầu bắt buộc khi xuất bán các sản phẩm động vật”. 

Theo ông Đức, sản phẩm chăn nuôi từ các cơ sở sau khi được cấp giấy chứng nhận sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, khiến người tiêu dùng yên tâm về chất lượng. Thị trường ổn định, người sản xuất thêm yên tâm đầu tư mở rộng quy mô, tiến tới xóa dần tình trạng chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ, xây dựng các vùng chăn nuôi quy mô tập trung theo hình thức trang trại, gia trại theo sự yêu cầu tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Ông Trần Đức Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng rộng rãi quy trình chăn nuôi sinh học; đồng thời gia tăng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Thời gian tới, khi dịch bệnh ổn định, ngành yêu cầu tất cả các trang trại của các doanh nghiệp không nhập con giống bên ngoài mà tự cung ứng giống trong trang trại, đảm bảo vòng quay của con giống từ lợn con, lợn thịt đến lợn hậu bị. 

Việc khống chế BDTLCP không chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn mà còn phải tính đến lâu dài là kiểm soát được dịch bệnh thông qua việc đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và thay đổi cấu trúc quy mô chăn nuôi.

Để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại tập trung, công nghệ cao, đồng bộ, theo chuỗi giá trị (từ giống, thức ăn, thú y... đến giết mổ, tiêu thụ) gắn với thị trường trong tỉnh và khu vực lân cận. 

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các dự án có quy mô lớn vào đầu tư, đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích người chăn nuôi chuyển sang vật nuôi khác như gia cầm, gia súc ăn cỏ, phát triển chăn nuôi thủy sản. 

Cụ thể, các địa phương sẽ tập trung phát triển tăng thêm về quy mô đầu đàn, sản lượng thịt hơi đàn gia cầm, trong đó, trọng tâm là phát triển đàn gà tăng số lứa nuôi tối đa 2 đến 3 lứa để bù đắp về sản lượng thịt hơi; đồng thời, đảm bảo nhu cầu thực phẩm thay thế. Bên cạnh phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm, cần tăng cường vỗ béo bò thịt; phát triển chăn nuôi thỏ, dê... Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa các biện pháp khống chế BDTLCP để bảo vệ đàn lợn. 

"Với những giải pháp trên, chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt dịp cuối năm" - ông Lâm khẳng định.

Hồng Duyên

Các tin khác
Ảnh minh họa

Lực lượng chức năng huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vừa tiêu huỷ hơn 8 tấn lợn hơi bị dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước đã đủ điều kiện để tái đàn lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 96% số xã không còn dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức tăng và tái đàn lợn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi lợn

Ngày 5/11, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản 3460/UBND – NLN về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.

Người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại.

Sau nhiều tháng công bố hết dịch, tháng 9 vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Yên Bái, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục