Phải sẵn sàng ứng phó
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Chúng tôi đang gia tăng mức độ đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây lan và tác động của dịch Covid-19 hiện ở mức rất cao trong cấp độ toàn cầu”.
Dù chưa dùng tới từ "đại dịch” vào thời điểm này nhưng WHO nhấn mạnh, Covid-19 có thể được khống chế bằng những biện pháp thích hợp và sự phối hợp của cộng đồng quốc tế. Giám đốc điều hành của WHO Michael Ryan cho biết, việc nâng thêm mức độ cảnh báo ở cấp độ toàn cầu đồng nghĩa với việc các quốc gia cần phải hành động mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với nguy cơ dịch bệnh hiện nay.
Ông nói: "Đây là một thực tế rằng tất cả các chính phủ cần phải có hành động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh”.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Y khoa New England số ra ngày 28-2, tỷ phú Mỹ Bill Gates nhận định, dịch Covid-19 có thể là dịch bệnh 100 năm mới xuất hiện một lần và thế giới cần ứng phó dịch bệnh một cách hiệu quả. Bài viết đã đưa 2 lý do khiến Covid-19 trở thành mối đe dọa lớn là có thể khiến người trưởng thành cho đến người già tử vong và khả năng lây lan nhanh chóng.
Số liệu cho thấy tỷ lệ tử vong do nhiễm Covid-19 vào khoảng 1%, khiến căn bệnh này nghiêm trọng hơn nhiều lần so với bệnh cúm mùa. Với tốc độ lây nhiễm trung bình một người có thể lây virus cho 2-3 người, Covid-19 khó kiểm soát hơn so với hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) hay hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS).
Nguy cơ lây lan cộng đồng
Cùng ngày, Cơ quan Y tế Hàn Quốc thông báo, trong 24 giờ qua có 813 ca nhiễm mới đã được ghi nhận tại Hàn Quốc, cao hơn đáng kể so với 571 ca nhiễm mới được ghi nhận ngày trước đó. Theo Yonhap, các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm mới virus Corona có thể tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới khi nhà chức trách tiến hành xét nghiệm 210.000 thành viên của giáo phái Shincheonji.
Trong thông tin liên quan đến người Việt tại Daegu, ngay sau khi nhận được thông báo của Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) về một trường hợp người Việt Nam tại thành phố Daegu nhiễm Covid-19, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, các cơ quan và địa phương liên quan của Hàn Quốc đề nghị tạo điều kiện thuận lợi và tích cực điều trị cho công dân Việt Nam nói trên. Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ chữa trị miễn phí cho công dân Việt Nam tại nước này trong trường hợp bị nhiễm Covid-19.
Giới chức y tế Australia đã xác nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên không liên quan đến Trung Quốc, cho thấy một bước phát triển mới trong sự lây lan của bệnh dịch này. Cơ quan y tế bang Queensland xác nhận nữ bệnh nhân 63 tuổi, hiện đang được cách ly tại Bệnh viện Đại học Gold Coast, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Tại Mỹ, các nguồn tin báo chí cho biết giới chức y tế đã xác nhận trường hợp thứ hai nhiễm Covid-19 tại bang California, dù bệnh nhân này chưa tới các nước có dịch hoặc có mối liên hệ hay tiếp xúc với các ca bệnh trước đó và hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm của bệnh nhân.
Những phát hiện này khiến giới chức y tế lo ngại về nguy cơ lây lan trong cộng đồng - ở đó virus có thể phát tán tự do giữa những người nằm ngoài vùng cách ly hoặc tiếp xúc với bệnh nhân trước đó.
6.000 tỷ USD bốc hơi
Dịch Covid-19 đã khiến thị trường chứng khoán thế giới tuột dốc suốt 1 tuần qua, hậu quả là gần 6.000 tỷ USD đã bốc hơi trong tổng giá trị thanh khoản trên toàn cầu trong tuần giao dịch này.
Xu thế giảm này chưa có dấu hiệu chậm lại khi các chỉ số chứng khoán chủ chốt của thị trường chứng khoán châu Âu giảm từ 3%-5%, trong khi đà giảm liên tục của các khoản lợi tức từ trái phiếu chính phủ Mỹ, lâu nay vốn được xem là tài sản an toàn nhất thế giới, tiếp tục xuống mức kỷ lục mới.
Về chứng khoán, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (MSCI) đã giảm gần 10%, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm 4,4%, chỉ số Nikkei giảm 3,7%, chỉ số CSI300 của Thượng Hải và Shenzhen của Hồng Công giảm là 5%...
Trong khi đó, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua khi giảm tới 12% trong tuần qua - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2016, còn giá các loại kim loại công nghiệp đồng loạt giảm từ 3% đến 6%.
Có nhiều thông tin cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ nhanh chóng cắt giảm lãi suất vào tháng tới và nhiều ngân hàng trung ương khác cũng sẽ tìm cách bảo vệ nền kinh tế của mình vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và ngăn chặn nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Hiện nhiều chuyên gia mong chờ quyết định cắt giảm lãi suất của FED để qua đó hỗ trợ tăng lượng tiền mặt trên thị trường. Các nhà phân tích dự đoán có 75% khả năng FED cắt giảm 0,25% lãi suất cơ bản trong cuộc họp ngày 17 đến 19-3. Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể cắt giảm thêm 0,1% lãi suất vào tháng 6 tới.
(Theo SGGP)