Những chiến sĩ thầm lặng

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/3/2020 | 1:54:08 PM

YênBái - Họ là những chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng nay đang chăm lo cho những công dân vừa trở về từ nước ngoài hoặc các địa phương đang có dịch cách ly 14 ngày tập trung. Họ - những chiến sĩ thầm lặng đã và đang đóng góp công sức trong công tác ngăn chặn dịch Covid-19 trên quê hương Yên Bái.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác bảo đảm phòng dịch tại Trung đoàn 121.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác bảo đảm phòng dịch tại Trung đoàn 121.

Đã hơn một tháng kể từ khi Trung đoàn 121, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh được trưng dụng làm địa điểm cách ly người có nguy cơ cao lây nhiễm vi rút Sars-CoV-2 trên địa bàn tỉnh thì cũng ngần ấy thời gian Trung tá Nguyễn Đại Lâm - Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 121 chưa về thăm nhà. 

Nhà anh ở Vĩnh Phúc, trước đây, cứ 2 tuần, anh lại được về nhà thăm gia đình nhưng giờ thì mỗi buổi tối rảnh rỗi, anh chỉ có thể gặp vợ con qua chiếc điện thoại. Đứa lớn cần có ba bên cạnh bảo ban, đứa nhỏ ríu rít kêu sao ba lâu về vậy khiến anh nhói lòng, nhưng vì nhiệm vụ, vì sự an toàn cho người thân, cộng đồng anh đành gác lại, dặn dò lũ trẻ phải nghe lời mẹ. Trong căn phòng làm việc chừng chục mét vuông, đồ đạc giản đơn, anh Lâm giơ chiếc điện thoại lên bảo: "May mà bây giờ có "anh zalo” này mà cũng "gặp” được vợ con thường xuyên hơn”. 

Nói vậy chứ ai cũng hiểu được vì nhiệm vụ mà các anh phải gác lại tình cảm riêng. Hàng ngày, ngoài công việc chỉ huy theo chuyên môn là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu..., anh còn thêm nhiệm vụ chỉ huy phục vụ cho các công dân cách ly tại đây. 

Anh chia sẻ: "Sau khi có kế hoạch của tỉnh, của Bộ CHQS tỉnh, đơn vị đã triển khai đến cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn chuẩn bị mọi nhiệm vụ được giao, đó là điều kiện nơi ăn ở (dự kiến là 150 người). Tiếp đến, chúng tôi vệ sinh dọn dẹp, bảo đảm các yếu tố sẵn sàng cho nhiệm vụ cách ly. Đơn vị bảo đảm nơi ăn ở sinh hoạt, các mặt thiết yếu khác. Nhân viên Trung đoàn nấu, chia vào hộp cơm dùng 1 lần rồi tổ y tế sẽ mang tới tận phòng cho mọi người. Những công dân cách ly tại đây được đo thân nhiệt 2 lần mỗi ngày, theo dõi y tế sát sao. Từ ngày 11/2 đến 16/3, có 39 trường hợp công dân trong diện cách ly tập trung tại Trung đoàn 121”. 

Là nữ quân nhân làm nhiệm vụ tại khu vực cách ly, quân y sĩ Đặng Thị Ánh Tuyết đã hơn một tháng nay chưa về nhà. Chị là người tiếp xúc trực tiếp với những người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Công việc của chị ngoài việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ trong Trung đoàn còn tiếp nhận, sắp xếp chỗ ăn ở, cùng với lực lượng của ngành y tế theo dõi sức khỏe cho những người trong diện phải cách ly. 

Chị tâm sự: "Hầu hết các trường hợp trong diện cách ly đến đây vào buổi tối, chúng tôi tiếp nhận rồi khử trùng xe, đồ dùng, sắp xếp chỗ ở cho công dân. Có những ngày, 12 giờ đêm, chúng tôi mới tiếp nhận công dân, khử trùng, sắp xếp cho mọi người ổn định chỗ ở, động viên tinh thần, rồi dọn dẹp..., về giường nghỉ đã 4 giờ sáng. Nhưng 5 giờ, chúng tôi đã phải dậy để chuẩn bị mọi thứ chờ nhà bếp mang đồ ăn lên để đúng 6 giờ mang bữa sáng lên cho công dân cách ly”. 

Vất vả là thế nhưng chị lúc nào cũng tươi cười. Chị bảo, phải vui vẻ để không làm mất tinh thần của mình, của đồng đội, để động viên những công dân vào đây cách ly. Nhà chị cách Trung đoàn chưa đầy 2 km nhưng hơn một tháng nay chị chưa thể về nhà. Hai đứa nhỏ năm nay đều có kỳ thi quan trọng, đứa lớn thi tốt nghiệp và vào đại học, đứa nhỏ sẽ thi vào lớp 10. Ngày nào cũng vậy, chị chỉ có thể động viên các con qua điện thoại. 

Nhắc đến đây, dù miệng cười rất tươi nhưng tay chị quệt vội giọt nước mắt vừa "bất chợt” rơi trên má, rồi lại đùa vui: "Mình vẫn điều hành việc nhà trên điện thoại. Được cái bọn trẻ ý thức được tình hình dịch bệnh, sự vất vả của mẹ nên chúng chủ động ôn luyện, ý thức học tập cao, nghe lời bố và biết tự chăm sóc nhau nên cơ bản mình cũng yên tâm làm nhiệm vụ”.

Đang trò chuyện với chị Tuyết thì anh Lê Thanh Tịnh - cán bộ hậu cần của Trung đoàn mang những suất cơm lên: "Các đồng chí ơi! Cơm trưa cho công dân cách ly ạ!.

Nhìn đồng hồ đã 11 giờ kém 15 phút, nhiệt độ ngoài trời chừng 20 độ nhưng gương mặt anh Tịnh lấm tấm mồ hôi. Anh cười: "Đợt này ít người cách ly nên gần 20 suất cơm cho công dân cách ly với chúng tôi đơn giản lắm”. 

Cái sự "đơn giản” của anh Tịnh cũng như anh Lâm, chị Tuyết, dù nhà cách Trung đoàn hơn 5 km thôi nhưng hơn một tháng nay anh cũng chưa về thăm nhà. Mọi việc trong gia đình anh đều nhờ cả vào người vợ tần tảo hiện là giáo viên tại thị trấn Yên Bình. 

Anh cười xòa: "Vợ mình hiểu lắm! Động viên chồng, nên mình yên tâm ở đây thực hiện nhiệm vụ”. 

Các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 121 đã xác định sẵn tinh thần rằng, khi nào hết dịch các anh chị sẽ về nhà, lúc đó tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng, cha con, mẹ con sẽ vỡ òa trong niềm vui chung khi cả cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Lúc đó, có lẽ, niềm vui sẽ được nhân lên gấp bội, mọi nỗi nhớ sẽ được khỏa lấp. Còn giờ, các anh chị vẫn ngày đêm hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó là thu dung, quản lý công dân trong diện cách ly. 

Trung đoàn 121 là một trong hai địa điểm đầu tiên mà Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh lựa chọn để làm nơi cách ly đối tượng có nguy cơ nhiễm vi rút Sars-CoV-2. Với tinh thần không quản ngại khó khăn, chống dịch như chống giặc, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam trên địa bàn tỉnh luôn trong trạng thái sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. 

Những kế hoạch theo từng cấp độ được Bộ CHQS tỉnh xây dựng chi tiết, trong đó tất cả các đơn vị luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Vì vậy, hơn một tháng qua, 100% cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh phải trực chiến. Có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ giống như anh Lâm, chị Tuyết, anh Tịnh vì nhiệm vụ mà không thể về bên gia đình lúc này, mọi tình cảm riêng gác lại cho nhiệm vụ chung. 

Nhận phần gian khổ về mình để mong  cuộc sống bình yên, đẩy lùi được dịch bệnh là mong muốn, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh - những chiến sĩ thầm lặng phòng dịch Covid-19.

Thanh Ba

Tags COVID-19 LLVT chiến sỹ thầm lặng trung đoàn 121

Các tin khác
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp

Ngày 19-4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Y tế và một số bộ, ngành, địa phương về "Đề án tổng thể sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2023-2030".

Nội soi không được khuyến khích cho đến khi 45 tuổi.

Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.

Sản phẩm Detox Táo chứa chất cấm mà bệnh nhân sử dụng

Ngày 18/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân có chứa Sibutramine là chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Đã có bệnh nhân bị ngộ độc sản phẩm này khiến sức khỏe bị tổn hại nặng nề.

Ảnh minh họa

Ngày 17/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục